Thuỳ Dung-
Quốc hội vừa thông qua một loạt các biện pháp mạnh tay nhằm lập lại trật tự trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Trong đó, có việc tăng mức xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm và dùng chính tiền xử phạt an toàn thực phẩm để phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Phạt 500 triệu đồng, ngồi tù 20 năm
Với tỷ lệ 88,39% số các đại biểu có mặt tán thành, kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV đã thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi. Một trong những điểm mới trong bộ luật này là quy định xử lý hình sự với các hành vi vi phạm Luật An toàn thực phẩm.
Theo đó, Điều 317 quy định các mức phạt tiền cũng như phạt tù và có những định lượng rõ ràng hơn đối với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Cụ thể, người vi phạm có thể bị phạt tiền lên tới 500 triệu đồng và đi tù bảy năm nếu là tội phạm có tổ chức làm chết một người hoặc làm một người bị tổn thương cơ thể lên tới 61%, gây tổn hại cho hai người trở lên với mức tổn hại từ 31% đến 60%, gây tổn hại cho ba người trở lên với mức tổn thương cơ thể từ 61% trở lên.
Trong trường hợp nặng nhất, người vi phạm có thể bị phạt tù từ 12 tới 20 năm nếu làm chết ba người hoặc làm tổn hại sức khỏe tới ba người với tỷ lệ tổn thương từ 61% trở lên, gây tổn hại cho sức khỏe cho ba người trở lên với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên, thu lợi bất chính 1 tỉ đồng trở lên.
Việc quy định cụ thể như trên nhằm tránh xử lý hình sự quá rộng, dễ lạm dụng xử lý tràn lan nhưng cũng bảo đảm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đang diễn ra hết sức phức tạp hiện nay.
Dùng tiền phạt để xử lý vấn đề ATTP
Kỳ họp Quốc hội lần này cũng thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu của Nghị quyết yêu cầu Chính phủ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm để sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung.
“Đến hết năm 2020 cơ bản hoàn thành các quy chuẩn kỹ thuật chính về an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng và phù hợp với chuẩn mực quốc tế... Đến hết năm 2018, kiện toàn cơ bản xong bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm các cấp theo hướng tập trung đầu mối, rõ trách nhiệm”, Nghị quyết nêu.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ đặt ra là phải giảm mạnh số vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người, giảm tỷ lệ mẫu thực phẩm kiểm tra không đảm bảo an toàn. Hoàn thiện chính sách về đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm đồng bộ với quy hoạch vùng, cơ sở sản xuất an toàn.
Về kinh phí thực hiện, Nghị quyết cho phép sử dụng kinh phí xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP) để phục vụ quản lý nhà nước về ATTP.
Truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng điện thoại di động tại một siêu thị ở TPHCM. Ảnh: Thành Hoa
ATTP ở mức báo động
Theo nghiên cứu của Worldbank thực thiện năm 2016 với chuỗi giá trị thịt heo và rau ăn lá ở thị trường trong nước tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, hiện ATTP là quan ngại lớn nhất của người dân Việt Nam, hơn cả vấn đề giáo dục, chăm sóc y tế.
Các vấn đề ATTP là hậu quả của ô nhiễm đất và nước đang ngày càng xảy ra trên diện rộng mà phần lớn do công nghiệp phát triển trong vài thập kỷ qua cũng như các thực hành thiếu an toàn của người sản xuất nông nghiệp và của các cơ sở kinh doanh chế biến thực phẩm.
Chỉ tính riêng chi phí điều trị các bệnh liên quan đến thực phẩm thì các vấn đề mất ATTP có thể làm Việt Nam thiệt hại hàng triệu đô la mỗi năm. ATTP cũng đang dẫn tới khủng hoảng niềm tin và tâm lý hoang mang liên quan đến thực phẩm.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) cho hay, đa số người dân đều không yên tâm với vấn đề an toàn thực phẩm. Kết quả điều tra về an toàn thực phẩm do Văn phòng Quốc hội tiến hành cho thấy, chỉ có 10% người được hỏi thấy yên tâm với thực phẩm sử dụng hàng ngày, trong khi có tới 59% chưa yên tâm và 27% khẳng định không yên tâm.
Báo cáo của Chính phủ nói rằng, trong giai đoạn 2011-2016 việc kiểm tra theo kế hoạch trên 3 triệu cơ sở sản xuất, kinh doanh đã phát hiện trên 20% số cơ sở vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, có 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm, với 30.395 người bị ảnh hưởng và 164 người chết.
Tuy nhiên, các đại biểu đều cho rằng đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm" khi rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm không được báo cáo, nhiều trường hợp chất độc thông qua thực phẩm tích tụ dần trong cơ thể gây ra những căn bệnh hiểm nghèo cho người dân mà chưa được tính tới.
Theo báo cáo của Worldbank, việc quản lý ATTP tại Việt Nam khá phức tạp khi sản xuất nhỏ ở quy mô nông hộ cung cấp phần lớn (khoảng 80%) thực phẩm tiêu thụ ở Việt Nam. Phần lớn thực phẩm (90%) được bán ở các chợ bán lẻ truyền thống.
Dù đã có nhiều nỗ lực được thực hiện nhưng sau hơn 10 năm hệ thống quản lý ATTP, hệ thống sản xuất và phân phối thực phẩm an toàn vẫn chưa đủ khả năng để chiếm thị phần chủ yếu trên thị trường thực phẩm. Hệ thống này hiện mới chỉ chiếm khoảng 10% và vẫn chưa chứng minh được các sản phẩm đầu ra là an toàn hơn so với thực phẩm không rõ nguồn gốc. Đồng thời, chuỗi này cũng như chưa tạo được niềm tin của phần lớn người tiêu dùng
Do đó, Worldbank khuyến nghị cần nỗ lực để giải quyết thách thức này thông qua các nghiên cứu cung cấp bằng chứng khoa học đáng tin cậy về đánh giá nguy cơ và truyền thông kết quả này tới các bên liên quan. Đồng thời xem xét lại cấu trúc hệ thống quản lý ATTP, quy về quản lý một mối để phân rõ trách nhiệm quản lý trong lĩnh vực ATTP.