Vũ Yến -
Việc kiểm tra nguồn gốc thịt heo bằng điện thoại thông minh (smartphone) tại TPHCM sẽ áp dụng từ ngày 16-12 tới đây. Tuy nhiên, trước mắt phạm vi triển khai hẹp hơn so với dự kiến, trong đó có phần do thương lái, các cơ sở chăn nuôi tham gia chưa nhiều.
Vì sao như vậy? Có thể thấy, với tập quán chăn nuôi và mua bán lâu nay, việc tuân thủ chuẩn mực đã khiến họ lúng túng. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dè dặt, còn thương lái gặp khó do nhiều người không có giấy phép đăng ký kinh doanh, thậm chí có thương lái không hợp tác.
Với những doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi có thói quen ghi nhật ký, có quy trình nuôi heo an toàn, có kiểm soát nguồn thức ăn thì yêu cầu minh bạch nguồn gốc sẽ là chuyện đơn giản. Nhưng với những nơi chăn nuôi quy mô nhỏ, nhất là những hộ gia đình không ghi nhật ký, không đảm bảo nuôi heo an toàn, sợ tốn kém chi phí… thì việc tham gia khiến họ cân nhắc.
Với những người chăn nuôi chỉ chăm chăm lợi nhuận, xem nhẹ vệ sinh an toàn thực phẩm, sẵn sàng sử dụng thức ăn tăng trọng hay chất tạo nạc, thì việc gắn mã vạch để truy nguồn gốc sẽ là chuyện “nhạy cảm”. Nếu tham gia dự án, họ phải thay đổi theo hướng sản xuất an toàn, chi phí nhiều hơn, tốn công sức hơn. Điều này đồng nghĩa với việc lợi nhuận sẽ giảm. Còn đối với thương lái, lâu nay đã quen gom hàng trôi nổi để bán, cũng không muốn làm theo cung cách mới.
Một số ý kiến cho rằng, cần có biện pháp mạnh đối với những người không tham gia, rằng họ có thể bị loại khỏi cuộc chơi. Với thương lái, nếu họ không lấy nguồn hàng an toàn, được kiểm soát bài bản thì đưa vào “danh sách đen” của cơ quan chức năng. Lúc đó, quyền chọn lựa hay tẩy chay thuộc về người người tiêu dùng.
Dự án truy xuất nguồn gốc thịt heo tuy không phải căn cơ nhưng phần nào cũng sẽ như “một cuộc giải phẫu”, loại khỏi những trục trặc, bất ổn trong vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay. Vẫn biết rằng, việc sàng lọc để thay đổi một thói quen, phương thức sản xuất, kinh doanh đã thành nếp trong suy nghĩ của người sản xuất không phải là việc làm dễ dàng.
Cuộc giải phẫu nào cũng đau, cũng có những thiệt hại, tác động lớn đến đối tượng, thành phần nào đó. Tuy nhiên, nếu so sánh, cân nhắc giữa cái được và cái mất, giữa cái mất của một số đối tượng và cái được của nhiều người thì cuộc giải phẫu này là cần thiết.
Dự án truy xuất nguồn gốc thịt heo mới ở giai đoạn 1, tức giai đoạn từ trang trại đến tay người tiêu dùng. Điều cốt lõi vẫn nằm ở việc quản lý theo quy trình khép kín từ khi heo sinh ra cho tới khi tới tay người tiêu dùng, quản lý đầu vào các chất cấm và kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi. Trong bối cảnh an toàn thực phẩm đang là nỗi ám ảnh như hiện nay, việc người tiêu dùng “soi” được miếng thịt heo, biết được đường đi an toàn của nó cũng đã là một điều đáng mừng.