THÁI HÀ -
“Dame pipi” được dùng để chỉ những người phụ nữ dọn nhà vệ sinh công cộng tại Paris, Pháp. Đây cũng là một trong những nghề đặc trưng ở kinh đô ánh sáng này, bên cạnh nghề chủ quán café góc phố. “Dame pipi” có từ thời xa xưa, khi mà nhiều tòa nhà lớn tại đây thiếu nhà vệ sinh. Nhà văn Pháp Marcel Proust (1871-1922) đã từng mô tả cách “dame pipi” phục vụ khách như những nữ hầu tước trong phòng khách nhà mình trong tiểu thuyết Remembrance of Things Past của ông.
Hiện nay tại Paris, số lượng nhà vệ sinh công cộng đang có chiều hướng giảm dần nên “dame pipi” bị đe dọa mất việc. Nếu họ không thắng vụ kiện để giành lại công việc cho mình, họ sẽ là nạn nhân trong nỗ lực biến những nhà vệ sinh công cộng còn lại thành các dự án kiếm tiền của thành phố. Mùa hè vừa qua, chính quyền Paris ký duyệt cho công ty Sarivo biến những nhà vệ sinh công cộng thành những “toilet sang trọng” để kiếm tiền. Nắm cổ phần lớn ở Sarivo là công ty chuyên kinh doanh dịch vụ toilet công cộng của Hà Lan 2theloo (“loo” trong tiếng Anh cũng có nghĩa là nhà vệ sinh), có làm nhiều nhà vệ sinh trên các thành phố châu Âu.
Những “dame pipi” hiện tại phần lớn là phụ nữ di cư thế hệ đầu tiên từ Togo, Guinea... Nếu chuyển toilet thông thường thành “toilet sang trọng”, họ sẽ không được tuyển làm việc dù lau chùi toilet bình dân hay sang trọng gì cũng đều là cùng một việc mà thôi. Tòa án lao động Pháp chưa đưa ra quyết định cụ thể. Còn hiện nay, hàng ngày họ vẫn tập hợp để biểu tình ở toilet công cộng gần nhà thờ Sacre Coeur Basilica trên đỉnh đồi Montmartre. Một số người là trụ cột kiếm sống cho gia đình.
Theo luật sư Paul Coeffard của Công ty Sarivo, các “dame pipi” này không đủ kỹ năng cần thiết để làm việc cho các toilet công cộng được nâng cấp. Coeffard nói với tờ The New York Times rằng: “Người làm cho chúng tôi không chỉ là lau chùi, họ còn là những người bán hàng thanh lịch, làm sao luôn cho khách nước ngoài thấy cảm giác được chào đón. Họ thu tiền sản phẩm nên họ cần có kỹ năng để giải thích cho khách, tư vấn khách lựa chọn. Họ cũng phải nói được một số từ Ả-rập, để ví dụ nếu đón hoàng thân Oman hay Saudi Arabia nào đó”.
Hiện thời, có ít nhất là ba toilet sang trọng đã được đưa vào sử dụng. Toilet này giống như cửa hàng hơn là một nơi dùng để “giải quyết nỗi buồn” chóng vánh. Một toilet nằm gần Bảo tàng Louvre dùng giấy vệ sinh màu cam sáng với họa tiết đẹp, mỗi người phải chi 1,7 đô la Mỹ cho một lần sử dụng.
Theo sử gia Roger Henri Guerrand, các toilet công cộng được xây dựng nhiều tại Paris từ thế kỷ 19 khi bệnh dịch và mùi hôi lan tràn thành phố vì hệ thống thoát nước kém cỏi trong các tòa nhà. Thời đó, một cái toilet trong tòa nhà phải phục vụ tới 60 người. Gần đây, các toilet công cộng biến mất dần, chỉ còn ở những khu nhiều khách du lịch. Còn các khu khác được thay bằng các tủ toilet công nghiệp, tự vệ sinh, có khoảng 400 cái như vậy ở Paris.
Các “dame pipi” cho rằng họ bị sa thải không phải vì thiếu kỹ năng chào đón hoàng thân Oman nào đó mà bởi họ lớn tuổi và hết đẹp như các cô gái trẻ. Với sự giúp đỡ của Nghiệp đoàn công nhân Force Ouvrière, họ đang kiện đòi có hai tháng lương từ khi họ bị đẩy khỏi chỗ làm để Sarivo nâng cấp.
Một số “dame pipi” thực sự yêu công việc này, như bà Gabrielle Adams gốc Togo, người đã 29 năm làm việc ở các toilet tại Paris. Bà ứa nước mắt khi nhớ lại những tháng năm làm ở gần nhà thờ La Madeleine trước khi toilet ở đây bị đóng cửa vào năm 2011: “Đó là toilet đẹp nhất Paris, khảm đá mosaic, trang trí theo trường phái Art Deco, không du khách nào rời khỏi đây mà quên chụp ít nhất một tấm hình”.