(SGTT) - Học xong cấp 3 hoặc giữa chừng cấp 3 rồi đi du học. Đây là một phần trong kế hoạch cho con du học bằng con đường học bổng của giới trung lưu đang lớn mạnh ở Việt Nam. Trường cấp 3 – thường là trường chuyên, theo đó, trở thành một mắt xích quan trọng trong kế hoạch du học này.
Quan điểm của các bậc phụ huynh rằng cho con học ở trường nào cũng được có vẻ chỉ đúng khi con cái họ còn ở các trường cấp 1 và 2 – tức là vào bậc tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 và bậc trung học cơ sở các lớp 7-8-9.
Qua khỏi ngưỡng cửa đó, mọi thứ được gọi là “học hành” không còn là điều đơn giản nữa. Trên thực tế, đại đa số các vị phụ huynh đều chạy nháo nhào khi con họ chuẩn bị bước vào cấp 3, cao điểm là ở kỳ thi tuyển sinh từ lớp 9 vào lớp 10.
Ở TPHCM, nơi được cho là có rất nhiều tiến bộ trong vấn đề tuyển sinh những năm gần đây, các bậc cha mẹ nhiều phần vẫn rất lo lắng mỗi khi con vào kỳ tuyển sinh lớp 10, tốt nghiệp trung học phổ thông và vào đại học.
Ví dụ cho đến nay vẫn có nhiều phụ huynh băn khoăn với việc được lợi gì nếu cho con vào lớp 10 chuyên hoặc không chuyên. Họ cũng nhầm lẫn về các khối trường chuyên, không chuyên và không biết rằng nên chuẩn bị từ lúc nào và lập kế hoạch ra sao.
Khởi động: lớp 8
Việc tìm hiểu trước hết là hệ thống các trường trung học phổ thông (THPT) tại TPHCM, cụ thể như sau: Các trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm có các trường chuyên Phổ Thông Năng Khiếu (PTNK- ĐHQG TPHCM), chuyên Trung học Thực hành (ĐHSP TPHCM), trong các trường này đều có lớp hệ không chuyên.
Còn khối trường chuyên thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM có các trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, trong các trường này đều có lớp không chuyên.
Trường thường (không chuyên) nhưng có lớp chuyên, như các trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Gia Định, Mạc Định Chi, Nguyễn Hữu Huân. Và còn lại là nhóm các trường không chuyên, như Trần Phú, Phú Nhuận, Nguyễn Thị Minh Khai, Bùi Thị Xuân…
Thị vào trường chuyên phải chọn môn chuyên nên việc kế tiếp cần làm là xác định môn thi chuyên. Ở đây, điều kiện quan trọng là học sinh phải đam mê môn chuyên và có thể bắt đầu ngay khâu chuẩn bị từ đầu năm lớp 8.
Theo cấu trúc nội dung đề thi chuyên, hệ thống các câu hỏi, đề bài yêu cầu phạm vi kiến thức rất sâu, rộng và khó, được chọn ra từ chương trình các năm lớp 7 và 8.
Cho nên, để làm đề thi chuyên được khoảng 5 điểm, các em cần chuẩn bị kỹ kiến thức từ lớp 8, đồng thời phải đọc thêm nhiều sách nâng cao hoặc học thêm ở những trung tâm, thầy cô dạy các môn chuyên mà học sinh theo đuổi.
Nếu học sinh không có sự đam mê với môn chuyên, phụ huynh cũng đừng ép vì các em sẽ khó đeo đuổi được môn này ở trường cấp 3.
Vấn đề là ngoại trừ môn toán, các thầy cô và các trung tâm ít nhận dạy chương trình nâng cao khác dành học sinh lớp 8. Tuy nhiên, phụ huynh có thể chọn một lối khác cho con mình: khuyến khích con đăng ký vào các lớp đội tuyển (Anh, ngữ văn, toán, lý hóa, sinh) ở các trường cấp 2 – thường mở vào đầu năm học lớp 8 dành cho các học sinh giỏi của trường.
Chính các thầy cô dạy đội tuyển từ lớp 8 là những người đầu tiên tạo cho các em sự đam mê để theo đuổi môn chuyên cũng như hướng dẫn các em làm quen với đề chuyên nâng cao, tạo nền tảng vững chắc cho các em sau này.
Hai hệ chuyên khác nhau
Độ khó khi thi vào các trường chuyên, lớp chuyên như nói trên tạm xếp theo thứ tự như sau: Chuyên PTNK, Chuyên Lê Hồng Phong, Chuyên Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thượng Hiền, Trung học Thực hành ĐHSP, Gia Định và cuối cùng là các trường chuyên địa phương Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Hữu Huân.
Trong đó các trường thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM (sau đây gọi là Sở) thường tuyển sinh nhiều hơn, nên tính cạnh tranh cũng ít hơn.
Về đề thi, các trường đều thi ba môn thường là toán, ngữ văn, Anh văn và môn chuyên, trong đó các trường PTNK, Trung học Thực hành thi đề chuyên riêng, còn các trường chuyên thuộc Sở thi chung một đề theo hệ thống của Sở, cùng với các trường không chuyên khác.
Tuy nhiên, cần lưu ý là cấu trúc đề thi, dạng đề thi của các trường PTNK và Sở là khác nhau, độ khó cũng khác nhau.
Ví dụ, đề toán không chuyên của trường PTNK hướng đến sự hàn lâm trong khi đề của Sở lại hướng đến tính thực tiễn. Hoặc đề thi tiếng Anh không chuyên của Sở có 36 câu và nghiêng về ngữ pháp, đề của PTNK có 80 câu nhưng nghiêng về kỹ năng đọc hiểu.
Thế nên phụ huynh cần lưu ý là nếu con mình không thực sự xuất sắc, việc chuẩn bị chỉ nên hướng đến một nhóm trường thôi, hoặc là vào hệ thống chuyên của Sở hoặc vào trường PTNK.
Gõ cửa trường chuyên
Để thi vào trường chuyên PTNK, như đã nói ở trên, học sinh nên chuẩn bị cho môn chuyên tốt nhất là từ đầu năm lớp 8.
Với các môn thường (toán - ngữ văn - Anh văn) cũng nên tìm đến các giáo viên, trung tâm có giáo trình hướng đến các dạng đề thi PTNK và thời điểm chuẩn bị thường là đầu năm lớp 9.
Theo quy định, học sinh bắt buộc phải thi ít nhất một môn chuyên và không có môn nào bị điểm liệt (từ điểm 2 trở xuống). Thực tế cho thấy, đề thi chuyên PTNK rất khó, nguy cơ bị điểm liệt ở các môn chuyên rất lớn, nhất là với các môn tự nhiên toán - lý.
Trong trường hợp học sinh không có thế mạnh ở bất kỳ môn chuyên tự nhiên nào nhưng vẫn muốn học lớp không chuyên của PTNK, ngay từ đầu phụ huynh nên chọn môn chuyên là ngữ văn hoặc Anh văn, vì hiếm khi học sinh bị điểm liệt ở hai môn này – nghĩa là khả năng đậu vào lớp không chuyên PTNK nhờ vậy cũng cao hơn.
Riêng với hệ thống trường chuyên thuộc Sở chia thành hai nhóm gồm chuyên thành phố và chuyên địa phương.
Trong đó hệ chuyên thành phố gồm các trường Chuyên Lê Hồng Phong, Chuyên Trần Đại Nghĩa và các lớp chuyên của hai trường Nguyễn Thượng Hiền và Gia Định. Hệ chuyên địa phương gồm Mạc Đĩnh Chi và Nguyễn Hữu Huân.
Theo quy định hiện hành, học sinh phải thi riêng một môn chuyên và ba môn còn lại toán - ngữ văn - Anh văn sẽ thi chung với các trường còn lại trong hệ thống của Sở.
ể làm tốt bài thi chuyên của Sở, học sinh nên chuẩn bị từ đầu năm lớp 8 theo các chương trình nâng cao hoặc bám theo các đội tuyển của trường và cũng nên tìm đến các thầy cô đang dạy ở các trường cấp 2,3 trong hệ thống của Sở, vì giáo trình của họ theo sát dạng đề mẫu của Sở.
Tóm lại, có niểm đam mê với môn chuyên, có kế hoạch học nâng cao môn này từ lớp 8 là những điều cơ bản nhất để một học sinh bước vào trường chuyên, hoặc lớp chuyên ở một trường không chuyên.
Sự chọn lựa này sẽ giúp các em hoạch định rõ ràng hơn tương lai của mình trong tương lai dù đó là học đại học trong nước, du học tại chỗ hay du học ở nước ngoài.
Toán thực tế: hiểu vấn đề, chứ đừng học thuộc dạng bàiKế hoạch chuẩn bị thi lớp 10 vào các trường không chuyên nhẹ nhàng hơn và chuẩn bị từ đầu hè năm lớp 9 là được. Hiện nay, các đề thi của Sở hướng đến tính vận dụng thực tế nhiều hơn, nhất là môn toán chiếm 45%, cho nên các tài liệu tham khảo cũng khác. Thực ra, những bài toán thực tế không khó, chỉ là chúng được đặt ra theo nhiều hình thức câu hỏi khác nhau. Điều này đòi hỏi học sinh cần nắm vững bản chất vấn đề, chứ không phải học thuộc lòng dạng toán là có thể giải quyết dễ dàng.Các giáo trình của các trường THCS luôn bám sát đề thi, học sinh cần bám sát theo giáo trình thầy cô đã ôn ở trường là có thể dễ dàng làm bài thi tuyển sinh 10. Nếu cần tham khảo thêm tài liệu, trên thị trường cũng có một số sách toán thực tế hay, ví dụ như quyển Tuyển sinh lớp 10 với các đề Toán thực tế của Huỳnh Ngọc Thanh (chủ biên) do Nhà xuất bản ĐHSP TPHCM phát hành.
Minh Thảo