Hoàng Xuân Phương -
Các chuyến bay đầu tiên của máy bay robot tự điều khiển được thực hiện trên đoạn đường dài 482 km từ Lancashire (Anh) đến Inverness (Scotland). Kiểu máy bay được chọn để thử nghiệm cho 17 chuyến đầu tiên là Jetstream 31. Trước mắt, phi công thực hiện việc cất cánh và hạ cánh, tất cả những việc còn lại trên chuyến bay đều do trí khôn nhân tạo thực hiện.
Chiếc Jetstream 31 dùng trong thử nghiệm đường dài của máy bay robot.
Ở tầm bay 4,6 km, bên dưới tầm bay của các máy bay thương mại, nữ phóng viên Peggy Hollinger của tờ Financiel Time là người đầu tiên được ngồi trong buồng lái sau đó đã viết bài rằng, “chúng tôi như những con chuột lang trên một chiếc máy bay tự lái. Con robot này tự tìm đường để bay, tìm cách để tránh các chướng ngại vật”.
Sự kiện tiến hành những chuyến bay thử nghiệm đường dài điều khiển bởi trí khôn nhân tạo, gọi là máy bay robot xảy ra theo sau việc một máy bay chở đội bóng đá Chapecoense Real gặp nạn ở Medellin, trên đường từ Brazil đến Colombia làm chết hàng chục người trên đó. Những sai sót của con người, của phi hành đoàn đã gây tai nạn cho hàng chục chuyến bay mỗi năm và hàng trăm người chết. Các nhà chế tạo nay thấy rằng phải tiến hành việc thay thế con người bằng robot, đúng hơn là một loại trí khôn nhân tạo không bị mệt mỏi hay làm việc theo cảm tính điều khiển.
BAE Systems, hãng chuyên về an ninh quốc phòng và không gian của Anh là một trong các công ty đi đầu trong việc thực hiện các chuyến bay tự lái này. Những chiếc Jetstream 31 trong đợt thử nghiệm kéo dài nhiều tháng này được trang bị bởi vô vàn những cảm biến bao gồm các camera thị giác, camera hồng ngoại, các ăng ten, những cảm biến thời tiết, cảm biến mặt đất và những trang bị cần thiết để thực hiện hoàn hảo cả chặng đường dài với tất cả những thứ không lường trước sẽ gặp phải trên đó.
Phần mềm để lái máy bay ở đây là một thứ trí khôn nhân tạo, và các cảm biến một mặt sẽ giám sát không mệt mỏi tất cả từ đám mây đến các chiếc máy bay hay các vật thể trên bầu trời, mặt khác sử dụng dữ liệu từ các vệ tinh cũng như hệ thống nhận dạng bằng cảm biến ngay trên máy bay để nhận biết tín hiệu rada từ những chiếc máy bay khác. Trong trường hợp không phát tín hiệu thì chính các con mắt của Jetstream cũng có thể tự phát hiện. Từ những phát hiện đó chiếc máy bay robot tự điều chỉnh đường bay để tránh mối nguy hiểm hoặc những sự nhiễu loạn.
Các chuyến bay hiện nay kéo dài khoảng 90 phút, và theo bà Maureen McCue, người đứng đầu bộ phận công nghệ và nghiên cứu của BAE Systems, cuộc thử nghiệm hết sức thú vị. Bà cho biết công ty cùng hoạt động với Cơ quan Hàng không nước Anh để tìm cách tốt nhất cho việc đưa loại máy bay tự lái này vào tham gia đường bay với các máy bay có phi công điều khiển. “Chúng tôi nhắm tới việc đưa hệ thống không người lái này vào hoạt động trong môi trường kiểm soát gắt gao tại Anh”, bà nói.
Những chuyến bay thử nghiệm đường dài như thế này chưa thể thực hiện ở Mỹ khi mà cơ quan hàng không nước này chưa cấp giấy phép. Có lẽ vì thế mà cả những thử nghiệm tương tự của Boeing cũng chưa được thực hiện, tuy rằng John Tracy, người phụ trách công nghệ của Boeing cho biết họ đã có ý định đó. Trong lúc này tại châu Âu, tập đoàn sản xuất máy bay Airbus vừa công bố kế hoạch sản xuất “taxi bay”, nhắm đến thị trường cung cấp phương tiện không người lái và hình thành hệ thống hành lang bay trên các thành phố lớn gọi là CityAirbus.