Thứ ba, Tháng tư 22, 2025

Máy in sinh học ra mắt thị trường

Thái Hà -

Nếu họa sĩ Vicent Van Gogh sống lại, ông có thể lắp một cái vành lỗ tai mới cho mình, không phải bằng nhựa hay chất dẻo để làm cảnh, mà có đầy đủ sụn, mô và tế bào sống.

mayinsinhhoc

Không cần đến những cỗ máy tối tân trị giá hàng chục triệu đô la Mỹ để tạo ra các bộ phận cơ thể như vậy. Tháng 9 vừa qua, hãng BioBots đã giới thiệu chiếc máy in sinh học 3D chỉ có giá 10.000 đô la. Và lúc này, các máy in sinh học không còn là những công trình khoa học hay thử nghiệm gì nữa, nó đã ra thị trường. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Accuray, thị trường này có độ lớn khoảng 9 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025.

Các máy in 3D sinh học, cũng gần giống như các máy in 3D khác, chỉ khác ở chỗ thay vì nhựa, chất dẻo, kim loại nấu chảy, các đầu kim của nó phun ra “mực sinh học”, là dung dịch hỗn hợp các tế bào và các chất có trong cơ thể con người như sợi tơ huyết để định hình cấu trúc bộ phận. Bộ phận của người nào thì dùng “mực sinh học” của chính người đó.

mayinsinhhoc2

Các nhà nghiên cứu ở trường Đại học Wake Forrest tại bang Bắc Carolina (Mỹ) công bố đã chế tạo ra máy in sinh học 3D với khả năng tạo ra các cơ quan, mô, xương cấy ghép được vào cơ thể con người. Những thí nghiệm trên động vật cho thấy các bộ phận họ tạo ra phát triển tốt. Các tế bào trong bộ phận đó nhận đủ ô xy và dưỡng chất cần thiết để sống sót, không có dấu hiệu hoại tử, hay tế bào chết trong mô.

“Khi in các bộ phận, việc đầu tiên phải đảm bảo các tế bào trong đó sống sót, còn chức năng hoạt động của các bộ phận ra sao sẽ là những thử nghiệm tiếp theo”, ông Anthony Atala, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết. Wake Forrest đã in được quả thận bằng phương pháp của họ.

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu y học Feinstein lại tập trung vào chế tạo các ống quản bằng máy in sinh học 3D. “Vật liệu thì không có gì mới, cách tạo ra các bộ phận mới quan trọng. Nếu bạn có một người làm bánh giỏi, không cần những nguyên liệu mới, ông ta vẫn có thể tạo ra chiếc bánh bảy lớp ăn tuyệt ngon”, Todd Goldstein, nhà nghiên cứu ở viện Feinstein ví von.

Tháng 8 năm nay, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê chuẩn, cho phép hãng dược Aprecia sản xuất thuốc động kinh Spritam bằng máy in 3D. Nói rằng máy in 3D để sản xuất mẫu chơi, chứ sản xuất hàng lô lớn không hiệu quả là không đúng, đặc biệt trong trường hợp này. Viên thuốc Spritam được máy in 3D “dệt” bằng cấu trúc đặc thù, nó tan hoàn toàn trong nước chỉ trong vòng bốn giây đồng hồ. Trong khi viên thuốc sản xuất bằng phương pháp công nghiệp thông thường mất hơn một phút mới tan hoàn toàn trong nước. Động kinh mà uống viên thuốc chế bằng máy in 3D dứt cơn tức thời thì ai chẳng ham. Còn nhiều bệnh cấp nữa cũng cần dùng thuốc kiểu siêu tốc này, như trụy tim chẳng hạn.

Gần đây, một bệnh viện ở thành phố Salamanca (Tây Ban Nha) thực hiện thành công ca cấy ghép lồng ngực mới bằng chất liệu titanium in 3D cho một bệnh nhân. Bệnh nhân này có các khối u nằm trong các hốc ngực, để tống các khối u đó ra, bác sĩ phải cắt lồng ngực. Trước khi thực hiện phẫu thuật, bệnh viện đặt một công ty thiết bị y tế ở Úc đo đạc và chế một lồng ngực bằng titanium theo đúng kích cỡ lồng ngực cũ của bệnh nhân.

Các máy in 3D sinh học trước mắt dùng vào các thử nghiệm về dược phẩm và y học. Hiện ở nhiều nước đã cấm thử nghiệm thuốc trên động vật. Đối phó với việc này, các nhà nghiên cứu có thể dễ dàng in ra các mô họ cần thiết để thử nghiệm. Hoặc với các công ty mỹ phẩm, họ có thể in các mẫu da để phục vụ việc thử nghiệm cho sản phẩm mới.

Tất nhiên, từ việc in ra thành công các mô, sụn, xương, cơ đến việc tạo ra các bộ phận cơ thể hoàn chỉnh như tim, gan, phổi, thận để chúng hoạt động với các chức năng hoàn hảo như tự nhiên còn là quãng đường xa với các nhà khoa học. Nhưng đó không phải là việc bất khả thi. “Một khi các tế bào sống được trong môi trường chúng tôi tạo ra, việc tạo ra các bộ phận cơ thể hoàn chỉnh chỉ là vấn đề thời gian”, Keith Murphy, Tổng giám đốc Công ty Organovo, một trong những công ty dẫn đầu trong ngành in sinh học nhằm mục đích thương mại khẳng định.

Sẽ có những người với quan điểm bảo thủ phản đối việc “thay thế đấng sáng tạo” này. Nhưng nhìn vào danh sách ngày càng kéo dài những người chờ để thay tạng thì thấy việc này là cần thiết. Mỗi ngày ở nước Mỹ, có trung bình 18 người chết vì chờ đợi được hiến tạng một cách vô vọng. Trong khi tuổi thọ trung bình của dân số ngày càng cao. “Cuối cùng thì việc cứu mạng người sẽ nhấn chìm những lời phản đối”, Murphy nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối