Chánh Tài -
Trong tương lai không xa, các cánh đồng có thể được cày, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch hoàn toàn bằng một dàn máy móc tự động trên mặt đất và trên không, theo BBC.
Nhà sáng chế Christophe Millot bên cạnh robot tỉa cành nho Wall-Ye.
Máy móc tự động đang hiện diện ngày càng phổ biến trong sản xuất nông nghiệp. Đó là những máy cày không người lái có thể chạy theo các tuyến đã lập trình trước, đã có mặt ở một số nông trại lớn trên thế giới. Các thiết bị bay không người lái đang được sử dụng trên các cánh đồng để thẩm định sức khỏe của mùa màng và các điều kiện đất đai. Các thiết bị cảm ứng trên mặt đất cũng đang được sử dụng để giám sát lượng nước, chất dinh dưỡng trong đất đồng thời có thể kích hoạt hệ thống tưới nước và bón phân khi cần thiết.
Nông trại tự động
Để ứng phó với tình trạng khan hiếm lao động trong nghề nông cũng như cắt giảm chi phí sản xuất, nhiều sáng kiến ứng dụng máy móc tự động để làm nông đã xuất hiện nhiều nơi trên thế giới.
Tại Nhật Bản, trong bối cảnh thanh niên di chuyển đến các thành phố sinh sống và làm việc, nước này đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nhân lực trong thế hệ nông dân tiếp theo.
Đó là một trong những lý do khiến Công ty Spread ở thành phố Kameoka, tỉnh Kyoto, Nhật Bản lên kế hoạch thực hiện dự án sản xuất rau diếp theo chu trình tự động hóa.
Công ty Spread dự kiến sẽ đưa vào hoạt động một nông trại trồng rau diếp trong nhà vào năm sau với mục tiêu sản xuất 30.000 bụi rau diếp mỗi ngày. Rau diếp sẽ được trồng trên từng ngăn kệ chất từ sàn cho đến trần nhà. Mọi công đoạn sau khi gieo hạt rau diếp sẽ được thực hiện bằng máy móc bao gồm tưới nước, tỉa, và thu hoạch. Ông JJ Price, Giám đốc tiếp thị toàn cầu của Spread, cho biết tự động hóa giúp giảm tiết kiệm 50% chi phí lao động cho công ty. Ánh sáng đèn LED sẽ kích thích rau diếp phát triển nên thời tiết bên ngoài ra sao cũng không ảnh hưởng gì đến sản lượng rau diếp. Hơn nữa, đây là mô hình nông trại trong nhà nên rau diếp có thể trồng bất cứ nơi đâu.
Trong khi đó, các kỹ sư ở hạt Shropshire (Anh) đang thử chứng minh rằng hoàn toàn có thể canh tác và thu hoạch một vụ mùa mà không cần con người đặt chân lên cánh đồng. Dự án của họ có tên gọi Hands Free Hectare sẽ sử dụng thiết bị bay không người lái và máy cày tự hành trong năm sau để trồng và thu hoạch một vụ mùa cây ngũ cốc. Để chuẩn bị cho dự án, các kỹ sư nông nghiệp từ Đại học Harper Adams cùng với Công ty Công nghệ trồng trọt Precision Decisions ở North Yorkshire đang thử nghiệm một số máy móc nông nghiệp tự động.
Robot diệt cỏ, tỉa cành
Công ty khởi nghiệp Deepfield Robotics (Đức) đang thử nghiệm một robot diệt cỏ có tên gọi BoniRob. Khi phát hiện ra cỏ mọc xen lẫn giữa cây trồng, BoniRob điều khiển một thanh sắt đè cho cỏ nát và lún sâu xuống mặt đất 3 cm. Với những bụi cỏ to, thanh sắt sẽ đè nhiều lần. Cách diệt cỏ này loại bỏ được việc sử dụng các loại thuốc diệt cỏ có thể có hại cho sức khỏe con người.
Được trang bị công nghệ trí thông minh nhân tạo, BoniRob có thể phân biệt đâu là cỏ và đâu là cây trồng để từ đó đưa ra quyết định chính xác. Kết quả thực nghiệm trên một cánh đồng cà rốt cho thấy BoniRob có thể diệt 90% các bụi cỏ.
Ở vùng trồng nho Burgundy (Pháp), lực lượng lao động khan hiếm đã khiến nhà sáng chế Christophe Millot phát triển một robot tỉa cành (để giúp nho ra hoa). Robot này, có tên Wall-Ye, có thể tỉa một cành trong 5 giây. Wall-Ye di chuyển trên bốn bánh xe và được trang bị sáu camera, trong đó có một số camera có thiết bị cảm ứng hồng ngoại để giúp nó có thể làm việc vào ban đêm. Wall-Ye có hai cánh tay và được điều khiển bởi một máy tính bảng đặt trong. Một tấm pin năng lượng mặt trời được đặt bên trên robot cho phép nó hoạt động liên tục 10-12 giờ. Điểm gây ấn tượng của Wall-Ye là nó có thể nhận dạng hình ảnh để biết cành nho nào cần cắt tỉa.
Triển vọng robot nông nghiệp
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), đến năm 2050, thế giới cần sản xuất thêm hơn 50% sản lượng lương thực nếu dân số toàn cầu tiếp tục tăng với tốc độ hiện nay. Tuy nhiên, các tác động của biến đổi khí hậu có thể khiến sản lượng mùa màng giảm hơn 25%. Vậy nên, các máy cày không người lái, các thiết bị cảm ứng mặt đất, thiết bị bay không người lái và các nông trại thủy canh có thể hỗ trợ nông dân tăng sản lượng lương thực với chi phí thấp.
Thị trường robot nông nghiệp đang đứng trước một triển vọng đầy hứa hẹn. Một báo cáo của Công ty WinterGreen Research (Mỹ) dự báo thị trường robot nông nghiệp sẽ tăng từ mức 817 triệu đô la Mỹ (USD) trong năm 2013 lên đến 16,3 tỉ USD vào năm 2020. Trong khi đó, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đưa ra đánh giá lạc quan hơn rất nhiều với dự báo thị trường robot nông nghiệp sẽ có giá trị 240 tỉ USD trong 5 năm tới. Các nhà sản xuất máy móc nông nghiệp bao gồm John Deere (Mỹ), CNH Industrial (Anh) và AGCO (Mỹ) đang ra sức giành giật thị trường máy cày không người lái.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), từ năm 1950 đến 2010, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lực lượng lao động đã giảm từ 81% xuống còn 48,2% ở các nước đang phát triển và giảm từ 35% xuống còn 4,2% ở các nước phát triển.
Các nhà khoa học dự báo đà suy giảm này chắc chắn sẽ tăng tốc khi máy móc tự động xuất hiện ngày càng nhiều trên những cánh đồng.