Y Nguyên -
Ngày nhỏ, con gần như không có ông bà. Nghe kể, ba mồ côi và mẹ cũng vậy, gặp, thương rồi dắt nhau về, tay trắng đôi bên tự gầy dựng mọi thứ bằng mồ hôi nước mắt mà không có bất cứ sự hỗ trợ nào từ phía mẹ cha. Vậy nhưng, nói “gần như” là do con nghe mình cũng còn một bà ngoại.
Theo chòm xóm, ông ngoại mất sớm nên bà đi bước nữa, bỏ mẹ cho cố nuôi. Chồng sau của ngoại giàu có nhưng hẹp hòi nên ngoại gần như bỏ rơi, không đoái hoài tới mẹ. Nghe kể, sau khi ngoại dứt áo theo chồng, nhiều lần mẹ gặp ngoại buôn bán ngoài đường theo níu khóc. Ngoại sợ chồng sau biết không dám dừng lâu; chỉ mắt trước mắt sau dúi vội vô tay mẹ miếng bánh hay đồng hào rồi gỡ tay mẹ quày quả bỏ đi, như chạy!
Nhà cố nghèo, cố lại già cả không làm lụng được nhiều nên tuổi thơ mẹ là chuỗi ngày dài hơi rách áo đói cơm. Có lần giáp tết, mẹ gặp ngoại ngoài đường, mừng quá chạy theo xin: Mẹ, mẹ, tết này mẹ mua cho con cái áo mới hen mẹ? Ngoại ừ, gật, vẫn rảo bước. Mẹ mừng quá chạy về khoe cố. Suốt tháng Chạp ngày nào mẹ cũng ngong ngóng đợi áo mới. Ngóng dài cổ đến tận… ba mươi tết vẫn không thấy áo đâu! Báo hại đêm giao thừa cố phải thức dỗ mẹ đến tận nửa đêm. Vừa dỗ, cố vừa lầm bầm: Không có thì thôi, phỉnh chi con nít con nôi cho tội nó vầy trời.
Tất cả những chuyện tai nghe ấy, sau này con mang hỏi mẹ. Mẹ không trả lời con, còn nạt: Đừng nói bậy, con nít biết gì. Xong, mẹ lại ứa nước mắt!
Tuổi thơ con thực tế là không có ngoại. Hình ảnh bà ngoại và các cậu, dì (đời chồng sau) loáng thoáng chỉ là những khái niệm, hình dung mơ hồ và thuần... lý thuyết. Tết nhất không tiền mừng tuổi, giỗ chạp không đi về. Lớn thêm một chút biết thêm, hình như những lần mẹ giỗ ông ngoại bà ngoại cũng không sang. Lâu rồi cũng thành quen, không thấy lạ.
*
* *
Chồng sau ngoại chết, ngoại ở với cậu, con đời chồng sau của ngoại. Nhà ngoại có cây bưởi trái to và ngọt. Con cùng anh hai dắt bò đi bừa ruộng dùm ngoại, thấy trái bưởi chín vàng ươm, hai anh em kỳ kèo: Ngoại, bừa xong, ngoại cho tụi con… xin trái bưởi hen! Ngoại gật. Mừng rơn, hai anh em hì hục non buổi, bừa ruộng xong trở vào đã thấy trái bưởi không cánh mà bay. Hỏi, ngoại trả lời, tỉnh bơ: Con dì Tám mày qua thấy xin rồi. Hai anh em thất thểu lùa bò về, vừa đi vừa khóc!
Ấn tượng của con về ngoại đã trở nên xấu, rất xấu. Xấu đến mức con thề sẽ không bao giờ bước đến nhà ngoại và các cậu dì con đời sau của ngoại. Xấu đến mức con nổi xung kình mẹ một trận ngày mẹ nghe tin ngoại bệnh và tất tả qua nuôi. Mẹ không nạt con, chỉ im lặng cắp nón ra đi. Ba trông, thở dài nhưng cũng không ngăn. Nuôi ngót tháng trường cho tới khi ngoại hoàn toàn bình phục. Sau này, có lần giận mất khôn, con lôi chuyện ấy ra chì chiết mẹ lần nữa, mẹ nhẹ nhàng: Mơi mốt mẹ bệnh, tụi con có bỏ mẹ được không? Nhưng tôi nói mẹ khác ngoại khác. Không khác nhiều đâu con, ngoại là mẹ của mẹ mà…
*
* *
Mợ Út khó tính. Ngoại sống chung với cậu nhưng ăn riêng. Sắp tết, ngoại sang dự giỗ ông, phàn nàn: Tết nhất, ăn chung với cậu mợ mày thì không ổn, mà ăn riêng nấu nướng mất công quá. Tự dưng anh hai kêu: Hay ngoại thu xếp sang đây ăn tết với tụi con, mình ngoại lui hui nấu nướng làm gì.
Ngoại buông miếng trầu têm dở nhìn anh em con chăm chăm. Rồi ngoại ứa nước mắt.