Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Mẹ già trong vai ôsin

Vì quá lo cho con cháu, nhiều người khi về già đã không được nghỉ ngơi. Vừa phải quần quật làm lụng việc nhà như một ôsin, nhiều người còn chịu đựng nỗi khổ về tinh thần khi con cháu ứng xử thiếu khôn ngoan, thậm chí tệ bạc...

Cách đây chưa lâu, trên tờ Tuổi Trẻ có đăng một truyện ngắn với tựa Ôsin mẹ của tác giả Hoàng My. Truyện ngắn kể về chuyện đứa con gái lớn có con đầu lòng không tìm được ôsin, đã nhờ mẹ qua chăm cháu. Những điều không vừa ý nảy sinh giữa mẹ và con gái khó giải quyết. Lúc đó đứa con gái đã nghĩ rằng, nếu như mẹ không phải là mẹ, mà là một ôsin thì chuyện dễ giải quyết biết mấy, rồi tiếp theo sau đó là những lấn cấn chuyện tiền nong, chẳng biết phải “trả công” cho mẹ bao nhiêu tiền cho đúng… Nói tóm lại là sự dùng dằng giữa một đằng là tình cảm mẹ con, một đằng là ứng xử như người phụ việc.

Truyện ngắn đó kết thúc với việc bà mẹ phải ra đi vì đứa con trai kế tiếp sắp có con so.

Một tình cảnh gia đình tế nhị nhưng khá phổ biến trong thực tế. Nhất là trong đời sống đô thị hôm nay, nhiều đôi vợ chồng trẻ khi có gia đình riêng lại mong muốn tách hẳn cuộc sống với gia đình lớn, tìm sự độc lập. Mô hình gia đình nhiều thế hệ truyền thống chỉ còn là số ít. Song, vấn đề đặt ra, trong cuộc tìm kiếm sự độc lập đó, nhiều vợ chồng trẻ vẫn còn trông chờ ít nhiều vào sự trợ giúp của cha mẹ già.

Có bà nội, bà ngoại ở chăm cháu vẫn là điều lý tưởng, đó là suy nghĩ thông thường, khi mà việc thuê người ở bên ngoài khó có thể đem lại an tâm. Hơn nữa, quan niệm dân gian “con so về nhà mạ con rạ về nhà chồng” vẫn còn đeo bám trong suy nghĩ nhiều người. Nếu “không về nhà mạ” hay “về nhà chồng” được, thì ít ra, dâu con sinh nở, mấy bà già quê phải cắp nón khăn gói lên thành phố để chăm cháu cho đến khi “cứng cáp” mới có thể yên tâm gọi là hoàn thành trách nhiệm của phía nội, phía ngoại. Hầu hết, là vì muốn gần gũi, tiếp tục hy sinh cho con cháu. Nhiều người già cả thấy việc được hy sinh đó làm niềm vui sống.

Nhưng cũng như truyện ngắn nói trên, không phải đôi vợ chồng trẻ nào cũng biết cách hành xử thấu đáo với cha mẹ mình khi họ ở trong nhà để phụ giúp việc nhà. Có những trường hợp ngày này qua tháng khác, mâu thuẫn tích tụ không được hóa giải khôn khéo đã dẫn đến những rạn nứt khó hàn gắn. Chuyện cũng chẳng có gì lớn lao, đôi khi chỉ xoay quanh việc người này nói củ hành, người kia đòi củ tỏi, người này nghĩ cái tã, người kia lại dùng cái bỉm… Chuyện tiền nong lắm lúc cũng dễ nảy sinh những hiểu lầm tai hại. Đây là một ví dụ: chỉ vì sơ ý để quên mấy trăm ngàn đồng trong cốp xe, nhưng cô con dâu đã bực dọc lục tìm khắp nhà, trong khi đó bà mẹ chồng lại nghĩ “hay nó nghi ngờ mình là thủ phạm ăn cắp số tiền trên”, vậy là mâu thuẫn nảy sinh, bà già bỏ ăn, mất ngủ, đổ bệnh. Cũng có trường hợp con gái đi làm về mệt mỏi nói năng cộc lốc làm mẹ ruột nghĩ rằng “nó không còn muốn mình ở trong nhà nó nữa”, vậy là khăn gói đi. Là giận hờn. Là từ không nhìn mặt.

Già hay tủi thân, trẻ hay sốc nổi. Câu chuyện tâm lý muôn thuở đó dễ bị thổi bùng khi “cha mẹ già đóng vai ôsin”. Việc bày tỏ lòng biết ơn với cha mẹ qua những món quà, tiền bạc trong những trường hợp trên cũng đòi hỏi sự tinh tế và hiểu biết tâm lý của những người con. Không thể “chi trả” sòng phẳng theo cách trả tiền lương tháng cho ôsin, càng không thể vô tư đến mức nghĩ rằng, đó là trách nhiệm mà cha mẹ phải làm và không cần đến một biểu hiện nào chứng tỏ sự quan tâm.

Người Việt vốn duy tình và tinh tế trong các mối quan hệ tình cảm gia đình, đặc biệt đề cao sự tôn trọng, chân thành và khéo léo trong một số tình huống nhạy cảm như chuyện “mẹ và ôsin”. Nhưng có lẽ thực tế đời sống hiện đại tạo ra những phát sinh khó lường. Vậy nên đòi hỏi trước tiên hết, đó chính là sự chủ động giải quyết tình huống một cách khôn ngoan, hiểu biết ở những người con, làm sao để sự kính trọng đối với đấng sinh thành không mất đi, làm sao để cái nhìn về cha mẹ không bị tầm thường đi vì những toan tính thái quá, làm sao để xem việc cha mẹ đến phụ giúp mình cũng là dịp mình được gần gũi, phụng dưỡng tốt hơn.

Trước hết, đó là bổn phận. Xa hơn, là tấm gương cho chính con cái mình trong thực hành đạo hiếu về sau.

Huệ Nghi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối