CHÍNH PHONG -
Nano đang là một từ thời thượng đối với thị trường hàng tiêu dùng. Không ít sản phẩm gắn mác “ứng dụng công nghệ nano” nhằm thu hút khách hàng, từ kem đánh răng, kem ủ trắng da, gel (dạng keo) rửa tay diệt khuẩn đến quần áo nano... khiến người tiêu dùng như lạc vào mê hồn trận.
Một tấc tới trời!
Việc phủ gel nano có thể giữ màu sơn xe bền hơn trước nắng mưa, nhưng không có tác dụng chống trầy xước như quảng cáo.
Ghé vào một trang bán hàng qua mạng thấy chào bán sản phẩm áo ngực massage có hoạt tính nano xuất xứ Đài Loan, với những lời lẽ có thể làm các chị em choáng ngợp. Theo lời quảng cáo thì chiếc áo ngực nano này sẽ giúp ngực phát triển cân đối, cải thiện ngực chảy xệ, làm hồng đầu nhũ hoa, giúp cân bằng nội tiết tố, ngăn ngừa ung thư và các chứng bệnh về ngực...
“Nếu áo ngực này có tác dụng như vậy thì các thẩm mỹ viện dẹp tiệm hết rồi”, chị Thư, nhân viên văn phòng ở quận 3, TPHCM, nhận xét. Theo chị Thư, không biết công dụng đạt được bao nhiêu phần trăm trong quảng cáo nhưng “nhìn vào giá 2,95 triệu đồng của sản phẩm này là sốc rồi”. Không chỉ có áo ngực, trang web này còn bán quần chỉnh hình nano ngăn ngừa mông chảy xệ, tạo dáng vòng ba (mông) với giá niêm yết 3,8 triệu đồng/cái, áo chỉnh hình nano ngắn tay tạo dáng vòng hai (ngực) thon gọn với giá 3,8 triệu đồng/cái, còn áo chỉnh hình liền thân có giá 4,5 triệu đồng/cái.
Bên cạnh quần áo, một quảng cáo khác bán kem ủ trắng nano với giá 550.000 đồng/hũ 200 g, còn hũ nhỏ 90 g có giá 300.000 đồng. Gọi điện hỏi kem ủ trắng này có xuất xứ từ đâu thì cô chủ một cửa hàng ở quận Phú Nhuận hồn nhiên trả lời là kem tự cô chế. Hỏi cô biết gì về công nghệ nano thì cô này nói: “Thấy người ta quảng cáo cho các sản phẩm của họ như vậy, tôi cũng làm theo”.
Trên thực tế, nhiều sản phẩm không rõ có sử dụng công nghệ nano hay không nhưng giá bán thì cao hơn hẳn. Chẳng hạn, một tuýp kem đánh răng 200 g của một thương hiệu nổi tiếng trong nước có giá bán chỉ 22.000 đồng, trong khi một sản phẩm tương tự được quảng cáo có công nghệ nano xuất xứ từ Hàn Quốc thì giá 39.000 đồng.
Siêu lợi nhuận
Đỗ Nam là một kỹ sư hóa ở Hà Nội, có nghề tay trái là nhập gel phủ nano cho xe hơi, xe máy, kính mũ, điện thoại… bán sỉ cho các salon xe và chiết ra chai nhỏ bán lẻ. Anh cho biết buôn bán mặt hàng này lãi rất nhiều. Anh nhập sản phẩm qua đường tiểu ngạch từ Trung Quốc với giá 2 triệu đồng/lít, sau đó chiết ra chai bán lẻ thu lãi gấp 10 lần.
Anh Nam cho biết chỉ cần 50 ml gel là có thể phủ cho phần sơn cả một chiếc xe hơi, tính ra khoảng 100.000 đồng nếu là gel Trung Quốc mua từ gốc. “Nhưng các salon xe tính giá 2-3 triệu đồng cho mỗi lần phủ gel”, anh Nam nói. Theo anh, việc phủ gel nano có thể giữ màu sơn xe bền hơn trước nắng mưa, nhưng không có tác dụng chống trầy xước như quảng cáo. Còn chuyện lớp phủ bóng bay mất lâu hay mau tùy thuộc vào chất lượng làm sạch bề mặt trước khi phủ của thợ, “nhưng không thể được hai năm như họ nói đâu”, anh Nam cho biết.
Thời thịnh nhất của gel phủ nano, theo anh Nam, là cách đây khoảng một năm, khi đó nhiều cửa hàng điện thoại thu lãi lớn từ sản phẩm này. “Chỉ cần nhỏ một giọt gel vào mặt kính điện thoại họ lấy giá 50.000-70.000 đồng. Dân mình cứ đua theo trào lưu, bởi mua chiếc điện thoại 10 triệu đồng thì tiếc gì vài chục ngàn đồng. Chỉ có điều phủ gel nano mặt điện thoại vẫn trầy xước như thường”, anh Nam cho biết thêm.
Một trào lưu nữa về nano xuất hiện trong các cửa tiệm làm tóc. Tóc sau khi nhuộm được phủ một lớp gel phủ nano giữ cho màu nhuộm bền và bóng trong ba tháng. Anh Tú, chủ một tiệm làm tóc ở TPHCM, cho biết việc phủ lớp gel nano làm tóc bóng hơn, nhưng anh không biết sản phẩm này có độc hại không. Nhiều tiệm tóc hay dùng gel nhập từ Hàn Quốc với giá 360.000 đồng/hũ, dùng được cho hai đầu. Khi làm cho khách, các tiệm lấy mỗi đầu giá 400.000-800.000 đồng.
Không phải cứ nano là tốt
Theo thạc sĩ Đỗ Thanh Sinh, chủ nhiệm một số đề tài về nano của Phòng thí nghiệm công nghệ nano trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu triển khai công nghệ (khu công nghệ cao TPHCM), chế tạo vật liệu nano khá phức tạp, dây chuyền để chế tạo cũng rất đắt nên không thể có chuyện “người người, nhà nhà làm nano” được. Ở Việt Nam, số cơ quan có phòng thí nghiệm công nghệ nano đếm chưa hết một bàn tay. Khu công nghệ cao TPHCM hiện chỉ có hai phòng thí nghiệm công nghệ nano được Nhà nước đầu tư với tổng số vốn khoảng 11 triệu đô la Mỹ.
Phòng thí nghiệm này mới triển khai một số ứng dụng nano vào thị trường. Trong đó có nano curcumin (nghệ) để sản xuất thực phẩm chức năng Nacur Vital có tác dụng kháng viêm, tăng cường chức năng gan, giải độc gan, giúp làm lành vết thương, giảm tổn thương niêm mạc dạ dày, giúp giảm tác dụng phụ hóa trị, xạ trị. Hay điều chế nano vàng giúp dẫn dắt hoạt chất (vitamin B3), tinh chất chùm ngây… vào da hiệu quả hơn, nhằm làm gia tăng hiệu suất làm trắng da.
Ông Sinh cho biết, hiện nay tại Việt Nam chưa có cơ quan nào cấp phép chứng nhận hoặc đo lường tiêu chuẩn để công nhận một sản phẩm có dùng công nghệ nano hay không. Ngay cả trên thế giới vẫn còn nhiều tranh cãi về nano và chưa đi đến sự thống nhất nào. Nano vô cơ như nano silica làm gel phủ bề mặt xe hơi tích tụ lâu ngày vào cơ thể có sinh ra bụi phổi, các chất vô cơ không phân hủy được trong cơ thể. Những chất hữu cơ tự nhiên bên ngoài thì có ích nhưng khi điều chế thành nano hữu cơ nó có thể bị biến đổi về tính chất hóa học thành ra độc hại.
Kể cả nano vàng như nhiều cơ sở làm đẹp, spa hiện nay quảng cáo, sử dụng cũng có thể gây độc hại. “Tuy vàng có đặc tính trơ, ít phản ứng với nước và không khí, các chất ăn mòn nên vô hại với cơ thể và không gây kích ứng da nhưng nếu điều chế nano vàng không đúng cách thì các chất độc hại khác có thể bám vào nano vàng gây độc hại cho cơ thể”, ông Sinh cho biết.
[box type="info"] Theo trang bách khoa toàn thư mở Wikipedia, vật liệu nano là vật liệu trong đó có ít nhất một chiều có kích thước nanomet (1nm = 10-9 m, tức một phần tỉ mét). Công nghệ nano là công nghệ điều khiển hình dáng, kích thước của vật liệu trên quy mô nanomet. Khi vật chất có kích thước nanomet, số nguyên tử nằm trên bề mặt chiếm tỷ lệ đáng kể so với tổng số nguyên tử nên các hiệu ứng lý hóa của vật chất được đẩy mạnh lên. Công nghệ nano được xem là công nghệ của thế kỷ 21, tạo nên bước phát triển nhảy vọt cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế, hàng tiêu dùng, thực phẩm… Nhờ công nghệ nano, các con chíp điện tử càng ngày càng nhỏ hơn và có tốc độ xử lý cao hơn, tạo ra các loại quần áo chống lạnh siêu nhẹ, dẫn thuốc vào tiêu diêt các khối u trong cơ thể…[/box]
Ngoài các sản phẩm tiêu dùng thường ngày, một số nhà cung ứng còn đưa ra thị trường các sản phẩm áp dụng vào nông nghiệp như gel nano bạc để diệt sâu cây trồng, khử trùng chuồng trại, bảo quản nông sản, chăn nuôi thủy sản… vì bạc có đặc tính kháng khuẩn cao, tiệt trùng mạnh và khử mùi hôi. Tuy nhiên, nhiều tổ chức môi trường quốc tế đang cáo buộc các sản phẩm này thải một lượng đáng kể các phân tử bạc vào hệ thống xử lý nước thải và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình xử lý vi sinh.