Y Nguyên -
Mỗi độ mưa về tôi luôn thích lang thang ngược dòng ký ức tìm lại những mùa đông của tuổi ấu thơ. Tôi ra đời không biết mặt cha, may còn có mẹ. Tảo tần hai sương một nắng, mẹ thường hay than thở mỗi độ vào đông: cái mùa… báo hại. Lạnh lẽo gió mưa không làm được gì mà ăn hao quá. Đúng! Mùa đông với mẹ tôi là mùa thất nghiệp, mưa gió mù trời, mọi việc đồng áng, bán mua đành tạm gác, ngồi chơi. Mùa đông còn là mùa ăn hao, tiết trời lạnh lẽo khiến cả nhà tôi không làm gì vẫn mau thấy đói.
Tóm lại, mẹ “ghét” mùa đông, cái mùa luôn đe dọa “sự sống còn” của thạp gạo, lu mắm cùng bịch cá khô làm thực phẩm dự phòng cho các con. Mẹ ư, cá thịt gì, mẹ bảo, tháng gió mưa có được hai thứ gạo với mắm trong nhà đã là mừng.
Tôi, ngược lại với mẹ, yêu mùa đông. Mùa hè ngày dài dằng dặc, nắng nôi gay gắt, người lúc nào cũng nhớp nháp mồ hôi khiến tôi phát mệt. Mùa đông lạnh nhưng mặc đồ nhiều khắc ấm. Đêm rúc vào chăn càng ấm hơn. Mùa hè, mẹ quần quật suốt ngày ngoài chợ, ngoài đồng, xẩm đen xẩm đỏ mới về. Vào vụ, có khi mẹ còn tranh thủ làm đêm. Con nít vắng mẹ thì buồn, đôi khi còn giận dỗi vì phải chờ mẹ quá lâu. Con nít làm sao hiểu nổi chuyện vì cơm áo cho con mà mẹ phải đi sớm về khuya? Chỉ đến mùa đông là “đắc địa”. Mùa đông, thi thoảng mẹ mới ra đồng kiếm mớ cua mớ ốc, còn lại chỉ quẩn quanh với các việc nhà, tha hồ cho tôi nhõng nhẽo gần bên. Và đêm đông cũng dài, rất dài để tôi rúc chăn ôm mẹ, tha hồ vòi mẹ kể nghe chuyện cổ tích. Những “cổ tích trường thiên” không biết mẹ nghe đâu mà nhớ thật dài, thật dai. Chỉ nghe thôi, bởi mẹ đâu có biết đọc bao giờ.
Lớn hơn chút, tôi được mẹ cho cắp sách đến trường. Trời mùa đông gió mưa lầy lội. Tôi sợ lạnh, sợ mưa co đầu rụt cổ tính trốn học. Dỗ mãi không nghe, mẹ điên tiết, rút soạt cây roi, đe: có lụt cũng đi chớ đừng nói mưa! Dám bỏ học là mềm xương với tao. Lần đầu tiên thấy mẹ hung dữ dường ấy, lần đầu tiên tôi thấy ghét mùa đông. Học, học, tôi lầm bầm; mẹ có đi học đâu mà mẹ biết cái cực của đi học lúc trời mưa.
Cuối tuần, mẹ mang tơi đội nón dắt tôi ra đồng. Mưa lâm thâm, ù ù gió bấc. Hai mẹ con men theo bờ ruộng, bì bõm suốt buổi trong nước bùn ngập đến ống chân. Mẹ chỉ tôi cách nhặt ốc, tìm cua. Mẹ thoăn thoắt làm, còn tôi thì quờ quạng, bị cua kẹp hai ba lần tóe máu tay, thi thoảng lại vấp ngã, người tôi bê bết đất bùn môi thâm xì, da tím tái. Xong buổi “học việc” nhớ đời ấy, về nhà, mẹ chỉ nói, giản đơn: con không muốn học chữ thì lo mà học bắt ốc bắt cua. Bài học đơn giản mà “tác dụng” ghê: hôm sau mưa gió đùng đùng tôi lẳng lặng ôm cặp mặc áo mưa đi học, không một tiếng càm ràm.
Sau này, khi tôi đã bập bõm đọc viết, những “đêm cổ tích” mùa đông, mẹ hay vuốt tóc tôi, kết thúc bằng câu: cố mà học giỏi, mai mốt mẹ già đọc chuyện rồi kể mẹ nghe. Chừng nào “kể được mẹ nghe” hẵng hay chứ giờ “ông biết chữ” – là tôi, vẫn cứ dài hạn khao khát chờ nghe cổ tích của bà mẹ không biết chữ. Hết chuyện xưa sang chuyện nay. Ấy là mẹ kể chuyện đời mình gần như cổ tích. Mẹ bảo: lúc nhỏ mẹ sớm mồ côi cha. Ngoại đi lấy chồng, bỏ mẹ lại cho cố nuôi. Cố già cả, nghèo nàn nên mẹ chịu cơ cực, dốt nát. Bao lần mẹ đi đường gặp ngoại chạy theo níu khóc ngoại đều không dám dừng, sợ nhà chồng biết chuyện sẽ nặng nhẹ khó khăn. Mẹ kể: vậy nên đời mẹ, mẹ thề không bao giờ để các con phải chịu cảnh mồ côi, cho dù cha mất khi mẹ còn rất trẻ. Mẹ bảo: mẹ sẽ là mùa đông, cho các con có được mùa xuân.
Tôi nghe tiếng gió bấc rít qua nhà, vòng tay ôm chặt mẹ và càng thấy yêu mùa đông hơn.