Nguyễn Xuân Tuấn Anh(*)-
Hôm nay tôi mượn lời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để nói về vấn đề rất thường gặp: mệt mỏi. Thầy giáo sau những tiết lên lớp rát cổ bỏng họng, bác sĩ sau ca mổ phức tạp đứng miệt mài 4-5 giờ đồng hồ, anh thợ xây dang nắng chang chang trên những công trình, bác nông dân tay cày tay cấy gò lưng gieo gặt đem hạt gạo cho đời hay thậm chí doanh nhân ngồi phòng máy lạnh tưởng sướng nhưng thật ra cũng đang vắt óc tìm cách mở rộng thị trường hay… kiếm tiền trả nợ.
Tất cả những con người ấy đều cảm thấy mệt mỏi. Để lấy lại sức lực, ai trong chúng ta phải ăn uống, nghỉ ngơi, thư giãn. Các chàng trai, cô gái rủ bạn bè cà phê cà pháo, bác nông dân, anh công nhân gầy độ nhậu lai rai vài chai bia, thầy cô tham gia câu lạc bộ yoga, dưỡng sinh… Sau cùng tất cả sẽ chìm vào giấc ngủ ngon. Hôm sau khi mặt trời tỏa những tia sáng ấm áp, mọi người lại thức dậy và hòa vào nhịp sống hàng ngày. Cơ thể thật diệu kỳ, nó tự đòi hỏi, nó tự cất tiếng: “tôi mệt, hãy cho tôi đi ngủ”. Chính trong giấc ngủ mà cơ thể được phục hồi và đó là cái mệt sinh lý tự nhiên, không có gì đáng bàn.
Thế nhưng câu chuyện lại khác đi khi các bạn cảm thấy lúc nào cũng mệt, người rã rời, rũ rượi, cảm giác mất tập trung, lúc nào cũng như điện thoại hết pin. Điện thoại hết pin thì ta đi sạc pin, còn cơ thể bạn sau khi “sạc” bằng giấc ngủ mà vẫn xìu xìu ển ển là có vấn đề.
Để trả lời cho câu hỏi: tại sao tui cứ mệt hoài?, các bác sĩ sẽ hỏi bệnh và khám bệnh. Mệt từ khi nào, làm việc đến cỡ nào thì mệt, một ngày làm bao nhiêu giờ, tối ngủ ngon không, có tăng cân hay sụt ký không, có đau đớn chỗ nào không, có ho khạc hay khó thở không, gia đạo có êm ấm không, có mắc nợ ai không, lo nghĩ hay vô tư và hàng tá câu hỏi khác. Sau đó bác sĩ sẽ lấy ống nghe ra nghe tim nghe phổi, sờ nắn khắp người xem có chỗ nào đau, chỗ nào sưng hay không. Sau khi bóp đầu, nhíu trán, suy nghĩ, cân nhắc, bác sĩ mới đưa ra lời giải cho câu hỏi thường gặp trên. Có đôi khi bác sĩ cũng cần ghi cho bạn một số xét nghiệm cần thiết để định bệnh chính xác hơn.
Nguyên nhân của trạng thái mệt mỏi, suy nhược được chia làm 3 nhóm: mệt do lối sống, mệt do nguyên nhân tâm thần kinh và mệt do bệnh lý thực thể.
Mệt do lối sống
Có những tình trạng mệt mỏi hiển nhiên thường gặp trong cuộc sống là do lối sống của bạn gây ra, bạn chỉ cần điều chỉnh lối sống. Những loại mệt mỏi này không có ý nghĩa bệnh lý. Nguyên nhân thường là gắng sức quá mức, thay vì làm việc 8 giờ vàng ngọc bạn tăng năng suất để vượt chỉ tiêu thì tất phải mệt thôi. Ngày cà phê cả chục cữ, nhậu đều đều chục chai, sử dụng “thuốc lắc” hay đi “đập đá” thì không mệt mới là lạ. Ăn nhiều quá khó tiêu hay nhịn ăn cho ốm cũng mệt. Rồi đến các “anh hùng bàn phím” cày game chat chít thâu đêm suốt sáng ắt cũng phải có ngày ngã gục. Sau cùng nghe tin người yêu đi lấy chồng hay chứng khoán tụt dốc, nghĩa là khi cô đơn, có chuyện buồn thì quả là mệt thật.
Mệt do tâm thần kinh
Có bao giờ bạn thấy buồn bã chán nản, không còn thiết tha gì, không ham muốn gì, thậm chí thấy chán sống? Hay lúc nào trong đầu bạn cũng xoay mòng mòng đủ thứ suy nghĩ lo âu, cơm áo gạo tiền, đầu óc căng thẳng chật cứng. Giấc ngủ không còn vô tư êm đềm mà sẽ trở thành trằn trọc, mộng mị, trăn trở, nằm lăn qua lăn lại, đếm cả trăm con cừu vẫn không ngủ được.
Nhóm nguyên nhân này rất nhiều. Cuộc sống căng thẳng đè lên vai bạn một gánh nặng kéo dài ngày này qua ngày khác, những biến cố buồn vui liên tục xảy ra, những cảm xúc thăng trầm ray rứt, đó chính là tình trạng stress. Thật nguy hiểm nếu để kéo dài những căn bệnh rối loạn lo âu, hoảng sợ hay trầm cảm sẽ khiến bạn kiệt quệ.
Mệt do nguyên nhân thực thể
Hầu như bệnh lý nào từ đơn giản như cảm cúm đến nguy hại như ung thư cũng làm ta mệt mỏi. Mỗi căn bệnh đều có những triệu chứng chỉ điểm gợi ý rằng bạn có thể mắc chứng bệnh đó.
Tôi chỉ nêu ra vài bệnh hay gặp thôi chứ nguyên danh sách thì dài lắm. Mệt hay khó thở xảy ra lúc gắng sức thường do bệnh tim mạch (suy tim) hay hô hấp (bệnh phế quản-phổi mạn tính). Nếu bạn gầy ốm, sụt cân nhanh tức thì phải kiểm tra ngay những bệnh nhiễm như lao, bệnh nội tiết như tiểu đường, cường giáp hay bệnh ung thư. Lẽ dĩ nhiên cũng không quên căn bệnh thế kỷ, bệnh SIDA (AIDS). Da dẻ xanh lè, bây giờ quý bà quý cô ăn kiêng giữ eo cũng hay gặp chứng này: thiếu máu. Bệnh thận, bệnh gan và béo phì hay suy dinh dưỡng cũng là nguyên nhân gây mệt.
Tóm lại ngoài cái mệt sinh lý liên quan đến lối sống hàng ngày, có 2 nhóm nguyên nhân gây mệt – tâm thần kinh và thực thể. Làm sao phân biệt đây? Dễ thôi, để tôi chỉ các bạn nhé.
“Muốn lắm mà không làm nổi” là do bệnh lý thực thể , bằng như “Làm được mà không thèm làm” ắt hẳn là thần kinh nặng rồi!
Đối phó sao đây?
Quan điểm của tôi luôn là trị bệnh phải trị tận gốc. Ta cứ tìm đúng nguyên nhân mà tấn công nhé. Bạn có một trái tim bị suy, một lá phổi bị rách, một quả thận bị teo uống 1.000 viên thuốc bổ thì chỉ là tốn tiền vô ích nhé. Hãy tin vào những tiến bộ trong trị liệu hiện đại, ngay cả bệnh ác tính cũng có thể trị khỏi đó bạn. Đối với căn bệnh thần kinh cũng vậy, hãy đến những chuyên gia và nghe lời khuyên của họ. Thuốc men có thể sẽ là nhóm thuốc giảm lo âu hay chống trầm cảm giúp bệnh nhân vượt qua nỗi khổ tâm.
Sau cùng là những biện pháp hỗ trợ. Thực sự tôi không tin ở “thuốc bổ” vitamin lắm trừ sâm Cao Ly thứ thiệt là có vẻ tốt. Tôi tin ở các phương pháp luyện tập đặc biệt là hai môn yoga và khí công.
Như vậy khi bạn thấy lúc nào cũng mệt, đó là lúc nên đi kiểm tra sức khỏe. Các nguyên nhân có thể do lối sống không điều độ, tâm lý hoặc thực thể. Hãy điều chỉnh các nguyên nhân và tìm cho mình một giấc ngủ thật ngon nhé.
(*) Thạc sĩ-bác sĩ, hiện đang giảng dạy tại bộ môn Nội, trường Đại học Y Dược TPHCM.