Thứ tư, Tháng Một 22, 2025

MeToo mở ra cơ hội cho giới nữ

Vừa qua, Viện Hàn lâm Khoa học và Điện ảnh Mỹ đã hợp tác với kênh E! Entertainment và nhà sản xuất Swarovski cho ra mắt chuỗi sự kiện Action: The Academy Women’s Initiative trong nỗ lực hỗ trợ các tài năng nữ hiện đang hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh.

Viện Hàn lâm Khoa học và Điện ảnh Mỹ – tổ chức đứng sau giải thưởng Oscar – là một đơn vị có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường giải trí. Tuy nhiên, trong suốt chiều dài lịch sử Oscar từ trước đến giờ, giải thưởng chỉ mới một lần vinh danh cá nhân nữ duy nhất (Kathryn Bigelow) cho hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất. Điều này khiến cho nhiều tài năng nữ cảm thấy tâm tư, đồng thời khiến cho nhiều người chưa tin tưởng vào sự bình đẳng trong lòng Oscar.

Trong một động thái nhằm bắt kịp với thời đại, Oscar đã và đang mở ra nhiều lộ trình hòa nhập hơn. Cụ thể, vào cuối tháng 6 vừa qua, Oscar đã mở rộng cơ cấu tổ chức, mời thêm nhiều thành viên để đa dạng hóa quan điểm từ các tài năng đến từ nhiều sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, giới tính… Cũng trong thời điểm này, Hollywood vẫn chưa nguôi ngoai sau cơn bão mang tên “tấn công tình dục”. Vì thế, Oscar đưa ra chủ trương mời thật nhiều phụ nữ hơn nữa vào các hội nhóm của họ, chẳng hạn như diễn viên, đạo diễn tuyển chọn, thiết kế phục trang, quay phim tài liệu…

Và Action: The Academy Women’s Initiative – chuỗi sự kiện vừa được đề cập trên đây–là thành quả mới nhất trong nỗ lực của Viện Hàn lâm giúp nữ giới lấy lại tiếng nói của họ trong ngành công nghiệp. Sự kiện Action: The Academy Women’s Initiative đầu tiên đã diễn ra vào ngày 15/10 vừa qua ở London (Anh) và tiếp theo ở kinh đô điện ảnh Los Angeles (Mỹ) vào ngày 30/10. Tại đây, Viện Hàn lâm tổ chức các buổi trò chuyện và trao học bổng cho những nhà làm phim nữ ở Mỹ và Anh.

Cũng cần nói thêm, chương trình này là một phần mở rộng của một dự án lớn hơn, A2020, được tổ chức ra mắt cách đây hai năm. Nhiệm vụ của dự án là giúp nữ giới hòa nhập hơn với Hollywood và tạo thành trào lưu tương tự cho nền điện ảnh ở các nước khác. Việc Viện Hàn lâm đẩy mạnh hơn những dự án và chiến dịch khuyến khích nữ giới một phần đến từ sức ép của công chúng trong phong trào Me Too.

Phong trào MeToo nổ ra vào tháng 10/2017 với sự tham gia của nhiều người nổi tiếng và cả công chúng, đặc biệt là người dùng mạng xã hội. Theo đó, những ai tham gia phong trào sẽ đồng loạt để hashtag #MeToo trên các bài đăng mạng xã hội như một lời cam kết chống lại nạn xâm hại và quấy rối tình dục đã và đang diễn ra âm thầm trong giới điện ảnh.

Điều đáng chú ý là cụm từ Me Too xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2006. Người nghĩ ra cụm từ này là Tarana Burke – một nhà hoạt động quốc tịch Mỹ. Me Too xuất hiện trên mạng xã hội một lần nữa và trở thành cơn sốt sau bài đăng của diễn viên Alyssa Milano trên Twitter (một dịch vụ mạng xã hội, chủ yếu gồm các tin ngắn cập nhật sự kiện tức thời). Từ đó, phong trào Me Too bắt đầu lan nhanh và kéo theo sự tham gia của các tài năng nữ trong ngành, như Gwyneth Paltrow, Ashley Judd, Jennifer Lawrence, Uma Thurman…

Diễn viên Alyssa Milano.

Theo thống kê từ mạng xã hội Facebook, cụm từ Me Too đã được sử dụng bởi hơn 4,7 triệu người trong 12 triệu bài đăng trong vòng 24 tiếng đồng hồ kể từ khi nó xuất hiện trên Facebook. Từ đây, phong trào Me Too đã lôi kéo rất nhiều đại diện khác giới tham gia và tạo ra hashtag của riêng họ #HowIWillChange. Chưa hết, #MeToo còn lan rộng ra sang những lĩnh vực khác, như âm nhạc, khoa học, nghiên cứu và cả chính trị. Có thể nói hơn bao giờ hết, nền giải trí và văn hóa của Mỹ đã và đang chao đảo mạnh bởi những chiến dịch này.
Nhờ có mạng xã hội, #MeToo tiến sang nhiều quốc gia khác ngoài Mỹ như Ả-rập, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam và đặc biệt là những quốc gia nơi nữ giới vẫn còn yếu thế hơn nam giới trên nhiều phương diện văn hóa, xã hội. Chuỗi sự kiện Action: The Academy Women’s Initiative trên đây của Viện Hàn lâm cũng là một trong số thành quả nổi bật từ phong trào #MeToo này.

Huỳnh Ngọc Trung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối