Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Mì ăn liền bị “thất sủng”

Chánh Tài - 

Xu hướng ăn sạch sống xanh đang nổi lên ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Tại Mỹ, nhiều người đang cố gắng giảm uống soda (nước uống có gas), còn người Trung Quốc thì đang giảm bớt mì ăn liền trong bữa ăn hàng ngày khi tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở nước này hướng đến chế độ ăn lành mạnh hơn.

Tiêu thụ giảm mạnh

mianlienKhách hàng mua mì ăn liền ở một siêu thị ở tỉnh An Huy, Trung Quốc.

Tờ South China Morning Post dẫn số liệu nghiên cứu thị trường cho thấy, tiêu thụ soda tại Mỹ giảm xuống đến mức thấp nhất trong 31 năm qua khi người dân ngày càng tránh xa các sản phẩm nước giải khát có đường, chuyển sang uống nhiều nước tinh khiết đóng chai hơn. Điều này khiến các tập đoàn nước giải khát phải đa dạng hóa sản phẩm thay vì tập trung vào soda.

Tại Trung Quốc, xu hướng tương tự cũng đang diễn ra với mì ăn liền. Khi mức thu nhập của người dân Trung Quốc tăng gấp đôi trong một thập kỷ qua, tiêu thụ mì ăn liền ở nước này giảm mạnh. Nhu cầu mì ăn liền của Trung Quốc trong năm 2016 chỉ còn 38,5 tỉ đơn vị, giảm 17% so với 46,2 tỉ đơn vị trong năm 2013, theo Hiệp hội mì ăn liền thế giới (WINA).

Công ty thực phẩm Uni-President China, cung cấp hơn 1/5 lượng mì ăn liền và nước uống trà xanh ở Trung Quốc, cho biết lợi nhuận ròng của công ty trong nửa đầu năm nay giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu mảng mì ăn liền của Uni-President China đạt gần 600 triệu đô la Mỹ, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái dù thị phần của mì ăn liền của công ty tăng 0,1% lên mức 20,9%.

Công ty mì ăn liền lớn nhất Trung Quốc là Tingyi, đối thủ chính của Uni-President, cũng không khá hơn. Doanh thu mảng mì ăn liền Tingyi trong năm 2016 đạt 3,2 tỉ đô la, giảm 25,24% so với năm 2013. Lợi nhuận của Tingyi cũng giảm 30% trong năm 2015 và năm 2016. Trong quí 1 năm nay, lợi nhuận ròng của Tingyi hầu như không tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Từ năm 2013 đến 2016, Tingyi đã phải sa thải 15.400 nhân viên.

Ăn uống lành mạnh

“Thị trường mì ăn liền đang suy giảm khi thế hệ người tiêu dùng mới thích những sản phẩm lành mạnh hơn, tốt hơn”, Xiao Chan, nhà phân tích ở Công ty chứng khoán Orient Securities (Trung Quốc) cho biết.

“Không giống như thế hệ lớn tuổi, giới trẻ và các nhân viên văn phòng ngày nay, những người tiêu dùng chủ lực của thực phẩm và đồ uống, tìm cách ăn ít đường, mỡ và thực phẩm chế biến”, Xiao Chan nói.

Mì ăn liền rẻ tiền và các thực phẩm chiên giòn, từng là món ăn khoái khẩu của nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên trong thời kỳ nghèo khó của Trung Quốc, dần bị “thất sủng”. Trong khi đó, nước uống tinh khiết đóng chai, các sản phẩm bơ sữa và thực phẩm sạch, không chất bảo quản, hương vị, màu sắc đang lên ngôi.

Một báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Mintel (Anh) hồi tháng 1 cho biết, thị trường mì ăn liền Trung Quốc suy giảm 1,3% trong giai đoạn 2014-2016 khi người tiêu dùng ngày càng ý thức hơn về sức khỏe.

Đầu tháng 8-2017, Uni-President tuyên bố sẽ dần thoát khỏi thị trường mì ăn liền giá rẻ và tập trung vào các sản phẩm mì ăn liên cấp cao ở thị trường Trung Quốc. “Điều này phù hợp với chất lượng tiêu dùng đang được nâng cao ở Trung Quốc”, Alex Lo, chủ tịch Uni-President Enterprises, công ty mẹ của Uni-President China cho biết tại cuộc họp báo công bố kết quả kinh doanh quí 2 của Uni-President China.

Đặt đồ ăn trực tuyến

Những người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu và am hiểu công nghệ ở Trung Quốc đang thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng trong ngành giao đồ ăn trực tuyến. Ngày càng có nhiều tiêu dùng ở các thành phố sử dụng các ứng dụng di động để đặt mua đồ ăn có chất lượng và được giao tận nhà.

“Cách đây 10 năm, chúng ta chuộng mì ăn liền vì tính tiện lợi của nó. Nhưng giờ đây, mì ăn liền đang dần vắng bóng trong đời sống của chúng ta, vì chúng ta có thể đặt mua đồ ăn chất lượng cao, giá không quá cao một cách dễ dàng và nhanh chóng”, Liu Zhangming, nhà phân tích ở Công ty chứng khoán TF Securities (Trung Quốc) nhận định.

Ngành giao đồ ăn của Trung Quốc đã đạt đến mức 22,8 tỉ đô la Mỹ trong năm 2016, tăng 232% so với năm 2015, theo Trung tâm nghiên cứu thương mại điện tử Trung Quốc. Tính đến cuối tháng 6-2017, số người sử dụng các ứng dụng giao đồ ăn ở Trung Quốc đã đạt 295 triệu người, tăng 41,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Trong vài năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự suy giảm doanh số của mì ăn liền diễn ra cùng lúc với sự trỗi dậy của xu hướng tiêu thụ thực phẩm lành mạnh và tăng trưởng bùng nổ trong ngành giao đồ ăn trực tuyến. Tất cả những điều này là do là chất lượng tiêu dùng cao hơn”, ông Liu Zhangming nói.

Theo ông Zhangming, một nguyên nhân lớn khác đằng sau sự suy giảm của doanh số mì ăn liền có thể là do nền kinh tế trì trệ, khiến lực lượng lao động nhập cư suy giảm, kéo theo sự sụt giảm trong mức tiêu thụ các thực phẩm rẻ tiền như mì ăn liền.

“Công nhân nhập cư là nhóm người tiêu dùng quan trọng đối với mì ăn liền”, ông Zhangming nói.

Dữ liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy, mức tăng trưởng số lượng công nhân nhập cư đã giảm mạnh từ 5,2% trong năm 2010 xuống còn 0,3% trong năm 2016 trong bối cảnh việc làm trong ngành sản xuất ngày càng khan hiếm do kinh tế trì trệ.

Một nghiên cứu của Công ty tư vấn quản lý Bain & Company (Mỹ) vào năm 2016 cho thấy, việc làm trong ngành sản xuất ở Trung Quốc dịch chuyển sang các nước có mức lương công nhân thấp, lực lượng dân số trong độ tuổi lao động suy giảm mạnh cũng như con số người về hưu tăng lên đã làm suy giảm doanh số các thực phẩm rẻ, bao gồm các loại bia bình dân và mì ăn liền.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối