Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Miễn học phí, vừa mừng vừa lo

Đăng Nam - 

Đề xuất miễn học phí cấp trung học cơ sở (THCS) của Bộ Giáo dục và Đào tạo được nhiều giáo viên, phụ huynh đồng tình ủng hộ. Song hiện cũng có không ít người băn khoăn về tính khả thi của chính sách này.

Nhân văn nhưng còn nhiều băn khoăn

Tuần trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành, trong đó đáng chú ý nhất là chính sách miễn học phí tới cấp THCS. Đề xuất này đang thu hút sự quan tâm của nhiều người với những ý kiến tranh luận trái chiều.

Nếu như trước đây học phí chỉ được miễn cho học sinh cấp tiểu học trường công lập, thì nay dự thảo trên quy định học sinh THCS trường công lập cũng không phải đóng học phí. Mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, Chính phủ quy định cơ chế thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập được Nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên thuộc trung ương quản lý. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức thu học phí với các cơ sở giáo dục công lập thuộc cấp tỉnh, từ đề nghị của Ủy ban nhân dân cùng cấp.

Một số chuyên gia giáo dục và giáo viên cho rằng, đề xuất trên của Bộ Giáo dục sẽ là một chính sách lớn, ảnh hưởng tích cực tới hàng triệu phụ huynh và học sinh bởi nó có tính nhân văn. Xu hướng chung của các nước tiên tiến cũng đang miễn học phí ở tất cả bậc học phổ thông. Việc miễn học phí cấp THCS sẽ tạo thêm điều kiện học tập cho người dân, đặc biệt là người nghèo, học sinh vùng sâu, vùng xa.

Học sinh một trường THCS ở quận 8, TPHCM. Ảnh: Đăng Nam

Nhiều cán bộ quản lý trường học cũng đồng thuận với đề xuất miễn học phí đến bậc THCS của Bộ Giáo dục, song điều họ quan tâm là nguồn ngân sách bù cho học phí như trước đây. Ông P., hiệu trưởng một trường THCS ở quận 3, TPHCM, cho biết học phí bậc học này thường dao động trong khoảng 80.000-100.000 đồng/tháng, mỗi năm  khoảng trên dưới một triệu đồng. So với mức thu nhập của phụ huynh ở thành phố, kể cả người lao động thu nhập thấp thì số tiền trên không phải là gánh nặng lớn.

“Dĩ nhiên, miễn phí được bậc THCS là một điều quá tốt nhưng khi miễn học phí THCS thì cần phải tính đến chuyện cấp ngân sách bù vào đó. Với một trường học thì nguồn thu học phí cũng có vai trò lớn để duy trì hoạt động, trả lương cho giáo viên”, vị hiệu trưởng này băn khoăn.

Ông N., Phó hiệu trưởng một trường THCS khác ở TPHCM, cho biết chi tiết hơn, rằng thông thường sau khi thu học phí, khoảng 40% sẽ được đưa về ngân sách nhà nước, 60% sẽ được địa phương cấp ngược chi cho các hoạt động của giáo dục hoạt động thường xuyên, chuyên môn. Với những trường học sinh đông, 60% học phí không phải là số tiền ít.

“Khi miễn học phí rồi, Nhà nước có chi ngân sách bù cho các trường bằng khoản đó không? Nếu không có, các trường sẽ hoạt động như thế nào, kinh phí lấy đâu ra bù vào?”, vị phó hiệu trưởng này băn khoăn. Ông cho rằng nếu không phải thu của học sinh mà được cấp bù bằng ngân sách thì các trường hoàn toàn đồng tình vì đỡ được việc thu. Song, nếu bù bằng cách xã hội hóa, chuyển thành các khoản thu dưới hình thức khác sẽ dễ nảy sinh ra những bất cập, tiêu cực như lạm thu mà phụ huynh bức xúc trong thời gian qua.

Lo ngại lạm thu

Ghi nhận thực tế thấy nhiều lãnh đạo trường học khác cũng có cùng suy nghĩ như phó hiệu trưởng N., cho rằng chính sách miễn học phí THCS đáng hoan nghênh nhưng mong muốn đừng để việc miễn học phí gây khó khăn cho nhà trường, đừng để nhà trường phải tự xoay xở mới có kinh phí cho các hoạt động, bởi điều này dễ dẫn đến tiêu cực.

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, cho rằng ngoài ý nghĩa nhân văn của chính sách trên, Nhà nước phải tính toán ngân sách kỹ lưỡng để bù đắp cho trường học khoản học phí không thu này. Phải đảm bảo các hoạt động giáo dục trước đây phụ thuộc vào nguồn học phí không bị gián đoạn, thu nhập của giáo viên tiếp tục được cải thiện.

Ông phân tích, thông thường phụ huynh bức xúc về các khoản thu khác ở nhà trường chứ ít người than phiền về học phí vì học phí theo quy định là khá thấp. Do đó, ông Ngai đề xuất ngành giáo dục cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thu các khoản phí hiện nay ở các trường học THCS, không để xảy ra lạm thu từ việc miễn học phí. Theo ông, làm toàn diện được như vậy chính sách mới có tác dụng tích cực và mang ý nghĩa trọn vẹn.

Về phía phụ huynh, đề xuất miễn học phí THCS mang lại nỗi lo nhiều hơn. Ông Võ Quốc Bình, phụ huynh trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1), người từng có kiến nghị giải tán hội phụ huynh, cho rằng miễn học phí THCS là cố gắng của ngành giáo dục và chủ trương của Nhà nước. Nếu chính sách được thực hiện đúng, phụ huynh sẽ rất hoan nghênh và đón nhận.

“Tuy nhiên, phải xem lại vấn đề ngân sách phân bổ cho giáo dục đã ổn chưa, đã đảm bảo các trường THCS tự sống được hay không? Nếu không giám sát tốt, không đủ ngân sách, không minh bạch, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng tìm mọi cách tận thu, lạm thu như bậc tiểu học. Điều này sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy mà chính phụ huynh là người gánh chịu”, ông Bình bày tỏ.

Cũng theo ông Bình, việc miễn, giảm học phí thật ra không có ý nghĩa gì nếu tổng chi phí năm học của mỗi học sinh vẫn tăng cao, vẫn là gánh nặng cho phụ huynh. Do đó, vấn đề chính là cần minh bạch tất cả khoản thu được phép của nhà trường để cân bằng, mục tiêu cuối cùng là con số tổng chi cho mỗi năm học phải thực sự giảm.

Giống như ông Bình, nhiều phụ huynh khác chia sẻ, khi nghe đến miễn, giảm họ không mừng mà lại lo nhà trường thu vẫn thu theo nhiều kiểu khác.

Ông Trần Thành Nhân (phụ huynh THCS ở quận Tân Bình) liên hệ đến câu chuyện nhiều năm trước đây, phụ huynh không phải đóng tiền cơ sở vật chất nhưng học sinh đi học lại đóng đủ khoản thông qua nhà trường, qua hội phụ huynh. Do đó, gọi là được miễn tiền cơ sở vật chất nhưng các khoản sơn, sửa lớp học, sửa mái dột, xây cổng trường, lát gạch, nâng cấp nhà vệ sinh... đều là quỹ hội phụ huynh. Số tiền hàng năm ngót nghét cả triệu đồng.

“Chính sách nhà nước là miễn tiền cơ sở vật chất, nhưng chúng tôi vẫn đóng theo cách khác, mà số tiền còn vượt ngưỡng mà nhà nước quy định? Vậy miễn ở đây có ý nghĩa gì? Tôi mong chính sách miễn học phí này không bị các trường biến tướng bằng nhiều khoản thu khác để bù vào”, ông Nhân nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối