Thứ ba, Tháng tư 22, 2025

Miễn phí du học nghề kép tại Đức cho lao động Việt Nam

Ngày 23/11, tại TPHCM, Trường Đào tạo quản lý doanh nghiệp (trực thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam – VCCI) và Tập đoàn Stiftung Bildung & Handwerk (SBH) tổ chức lễ ký kết hợp tác đào tạo “nghề kép” (nửa thời gian học lý thuyết tại trường và nửa thời gian thực tập tại doanh nghiệp) dành cho các đối tượng là học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và có trình độ tiếng Đức cấp độ B2.1 tại Việt Nam.

Theo nội dung ký kết, trong năm 2017 sẽ đào tạo các ngành nghề, lĩnh vực nhà hàng khách sạn như đầu bếp, tiếp tân, phục vụ, dọn phòng… Trong năm 2018, chương trình sẽ mở rộng đào tạo ở các nghề khác như: y tá, điều dưỡng, chăm sóc người già, cơ khí, xây dựng…

Chuyên ngành đào tạo “nghề kép” tại Đức được CBAM và SBH lựa chọn thí điểm là các nghiệp vụ nhà hàng – khách sạn trong đó đầu bếp, phục vụ, dọn phòng… là những công việc có nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngày càng tăng mạnh tại Đức và châu Âu.

 

Theo đó, học viên học nghề tại SBH, trong thời gian 3 năm sẽ được học miễn phí dưới hình thức vừa học vừa làm, được hưởng lương cơ bản từ 550 - 700 EUR/tháng, được chủ doanh nghiệp hỗ trợ các loại bảo hiểm (BH y tế, BH sức khỏe, BH thất nghiệp và BH hưu trí) trong suốt thời gian học nghề như một lao động tại Đức.

Sau tốt nghiệp, học viên được hỗ trợ giới thiệu có việc làm ngay tại các nhà hàng, khách sạn quốc tế, các khu nghỉ dưỡng cao cấp của Đức, với lương khởi điểm từ 1600 - 2500 EUR/tháng. Nếu đáp ứng công việc được giao thì có những mức lương tương ứng và tăng dần theo kỹ năng.

Ngoài ra, học viên học nghề sau khi tốt nghiệp tại Đức, được phép lao động hợp pháp và cư trú dài hạn. Lương thu nhập và các chế độ đãi ngộ tương đương như các đồng nghiệp Đức.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Tiến sĩ kinh tế Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Rất may mắn khi Việt Nam có được sự hợp tác giữa SBH và CBAM bởi đưa vào Việt Nam những chương trình đào tạo vô cùng thiết thực, mang tính thực tiễn rất cao. Nước Đức đang là nước có nền kinh tế dẫn đầu của châu Âu, là trụ cột của Liên minh châu Âu. Khi nói đến sự phát triển của Thế giới, người ta thường nói đến quản trị của Mỹ, công nghệ của Đức. Các nền kinh tế thành công kể cả Nhật Bản hay các con rồng của châu Á đều tiếp thu những công nghệ tiên tiến từ Đức. Vì vậy, chắc chắn rằng nếu Việt Nam hợp tác với Đức thì đây có thể là đối tác khổng lồ.

Bà Đỗ Thị Kim Liên – Hiệu trưởng Trường Đào tạo Quản lý Doanh nghiệp (CBAM) cũng đưa ra nhận định: Một thực tế đáng báo động ở nước ta hiện nay là “thừa thầy, thiếu thợ”. Chất lượng dạy nghề trong nước mặc dù đã ngày càng được nâng cao nhưng phần nào vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động về tay nghề, về các kỹ năng mềm,… Vì vậy, chúng tôi mong muốn tạo sự đột phá về chất lượng nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia,… thông qua việc kết nối học viên Việt Nam với SBH bằng kinh nghiệm và thế mạnh của mình.

Luật sư người Đức gốc Việt Nguyễn Xuân Hoàng – Giám đốc Công ty Luật Anwealte am Osktreuz cũng khẳng định: “Chúng tôi nhận trách nhiệm hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho học viên, người lao động Việt Nam nhằm đảm bảo mọi quyền lợi của học viên, người lao động theo luật cư trú tại Đức.”

[box] - Tập đoàn SBH là tổ chức giáo dục phi chính phủ, phi lợi nhuận của CHLB Đức, có 15 công ty thành viên; 250 cơ sở đào tạo khắp nước Đức và có hệ thống trường quốc tế ở nhiều quốc gia như: Estonia, Ba Lan, Việt Nam… SBH đào tạo đa dạng các chuyên ngành từ bậc mầm non đến sau đại học.

- Trường đào tạo quản lý doanh nghiệp (CBAM) là đơn vị đào tạo trực thuộc Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – nguyên là một tổ chức độc lập, phi chính phủ, phi lợi nhuận và là tổ chức quốc gia tập hợp, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam nhằm mục đích phát triển, bảo vệ và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học – công nghệ giữa Việt Nam với các nước trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi.[/box]

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối