Thái Hà -
Để làm chiếc túi mang nhãn hiệu Kennedy Weekener, Công ty sản xuất phụ kiện và đồ da Oliver Cabell chi 16,02 đô la Mỹ vào vải phủ, 11,58 đô la vào da, 5,68 đô la vào vải lót, 4,27 đô la vào khóa, 78 cent vào vải dây. Tổng cộng, cả chi phí chế tạo, thuế và các khoản khác, công ty chi 110,35 đô la để tạo ra chiếc túi. Và nó được bán online với giá 285 đô la. Trong khi hầu hết các nhà bán lẻ không tiết lộ các chi phí đó, nên khách hàng không thể biết số tiền cộng vào giá vốn họ phải trả cho một món hàng là bao nhiêu, thì Công ty Oliver Cabell “khoe” các chi phí của tất cả các sản phẩm họ làm trên trang web của họ để khách hàng có thể thấy chính xác họ đang trả bao nhiêu tiền cho sản phẩm, nhà sản xuất được bao nhiêu từ sản phẩm.
Điều này được gọi là minh bạch chi phí, vấn đề đang thu hút một nhóm các nhà bán lẻ tham gia. Họ nói rằng nó có tính hấp dẫn đặc biệt đến những công dân thế hệ trẻ, những người luôn muốn biết không chỉ nguồn gốc hàng hóa, mà còn muốn biết họ đang trả tiền thế nào cho món hàng.
“Minh bạch chi phí là điều cốt yếu cho các khách hàng muốn biết chắc rằng mọi người được trả công đúng mức trong quá trình tạo ra sản phẩm”, ông Bruno Pieters, người sáng lập Honest By, nhà bán lẻ quần áo và phụ kiện đóng tại Bỉ. Dùng khẩu hiệu “công ty minh bạch 100% đầu tiên trên thế giới”, họ cũng đưa công khai chi tiết vật liệu sản xuất, gồm cả giá thành của logo đính lên sản phẩm.
Ví dụ, chiếc áo T-shirt màu đen, chất liệu cotton, hữu cơ được công ty của ông Pieters bán với giá 97,08 euro (bao gồm thuế VAT) và 80,23 euro (không thuế VAT, cho các khách mua ngoài EU) có tổng chi phí vật liệu là 32,36 euro. Số chênh lệch giữa giá bán và giá vật liệu là chi phí để công ty trả lương nhân viên, nghiên cứu, thiết kế, vận chuyển, thuê nhà, bảo hiểm, truyền thông, sở hữu trí tuệ, bảo trì, thuê tư vấn pháp lý, kế toán, tiếp thị, thuế VAT… và lợi nhuận của họ.
Ông Pieters giải thích qua e-mail với tờ báo The New York Times rằng quyết định giới thiệu sản phẩm theo cách đó bắt nguồn từ khi ông làm việc cho một hãng thời trang lớn, ông luôn gặp các câu hỏi của khách hàng rằng tại sao hàng chỗ này giá hay cao hơn hàng chỗ khác. Ta biết rằng giá nhân công ở châu Âu là rất cao.
Scott Gabrielson có ý tưởng minh bạch chi phí cho các sản phẩm của Công ty Oliver Cabell là khi anh học MBA ở trường Oxford (Anh), nói rằng việc bán hàng online trực tiếp cho khách hàng ảnh hưởng lớn đến quyết định minh bạch chi phí này. Anh muốn mọi người thấy, bằng cách loại trừ các chi phí cửa hàng và các chi phí đi kèm cửa hàng, người bán sẽ tiết kiệm được tiền cho người mua.
“Cắt đi các chi phí truyền thống, bạn sẽ đưa tới khách hàng sản phẩm chất lượng cao hơn với giá rẻ hơn, đây hoàn toàn là vấn đề kinh tế thuần túy”, Gabrielson nói. Một trong những thách thức lớn nhất của anh, là thuyết phục khách hàng rằng sản phẩm anh bán đáng giá với đồng tiền họ chi bằng hình ảnh trên trang web. Xem hình ảnh không thể làm cho người ta tin bằng sờ vào hiện vật. Bởi vậy, việc đưa lên chi tiết các chi phí sẽ giúp giảm đi sự nghi ngờ về chất lượng.
Natalie Grillon, nhà sáng lập của công ty Project Just chuyên thu thập số liệu về đạo đức và sự bền vững của các nhãn hiệu thời trang, nhận xét minh bạch chi phí sẽ giúp các nhà bán lẻ thành công hơn. “Trong nhiều năm, khách hành không hiểu được giá trị quần áo họ mua”, Grillon nói, “Minh bạch chi phí và kể những câu chuyện đằng sau quá trình sản xuất sẽ khiến khách hàng sẵn lòng hơn trong quyết định mua các món hàng cao cấp”.
Một vài công ty chọn cách kết hợp: minh bạch chi phí một số sản phẩm, như ông chủ Brendon Babenzien của nhãn hàng thời trang nam Noah chỉ đưa ra chi tiết của sản phẩm mà giá bán của nó có thể cao hơn khách hàng nghĩ. Bà Elizabeth Pape, chủ Công ty Sản xuất quần áo phụ nữ Elizabeth Suzann nói rằng việc các loại quần áo rẻ tiền xuất hiện tràn lan khiến khách hàng đâm ra hoài nghi về những sản phẩm có chất lượng đích thực. Bởi vậy, chủ trương của Công ty Elizabeth Suzann là không chỉ công khai giá cả trên trang web mà còn nói rất kỹ về quy trình sản xuất. Nhiều khách hàng thích điều này, như cô Page Perrault, nhân viên phân tích ngân hàng 28 tuổi ở bang Georgia nói rằng cô luôn muốn biết món hàng mình mang được sản xuất ra sao để có câu chuyện kể với bạn bè.
Vincent Quan, giáo sư về quản lý kinh doanh ở Viện Công nghệ thời trang Mỹ, cho rằng minh bạch chi phí sẽ hữu ích cho các công ty tiếng tăm chưa lớn lắm, nhưng sẽ rất khó để các hãng tên tuổi thực hiện điều đó. Ông cũng cho rằng chỉ những khách hàng sẵn sàng trả thêm tiền cho các sản phẩm tốt mới quan tâm đến minh bạch chi phí, còn người nghèo khó chưa quan tâm nhiều đến điều đó.