Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Mở hướng đi “thời trang thiết kế – giá bình dân”

BẢO UYÊN -

Sau một thời gian mở cửa hàng quần áo thời trang, chị Phương Quỳnh, chủ cửa hàng Chicka Chicka ở TPHCM, nhận ra rằng nếu không tạo được sự khác biệt thì khó trụ được trong sự cạnh tranh khá gay gắt ở thị trường này. Sẵn có vốn hiểu biết về may đo thiết kế, thay vì nhập hàng từ Thái Lan về bán, chị đã tự thiết kế, cắt may để tạo ra những sản phẩm quần áo thời trang mang nét riêng của cửa hàng mình.

Tìm cách không đụng hàng

Không chỉ mỗi chị Phương Quỳnh nghĩ theo hướng này, mà nhiều người đã bắt đầu mở ra những cửa hàng thời trang tự thiết kế trong thời gian gần đây, tạo nên một phân khúc thị trường ngách tồn tại bên cạnh phân khúc thị trường gắn với thương hiệu lớn vốn dành cho người có thu nhập cao. Ở những cửa hàng như Chicka Chicka của chị Phương Quỳnh, người mua vẫn có thể chọn cho mình những mẫu quần áo thiết kế mới lạ, phá cách mà giá chỉ khoảng từ 300.000 đồng đến 600.000 đồng/sản phẩm, thấp hơn nhiều so với những sản phẩm thời trang cao cấp.

Khách mua sắm tại cửa hàng thời trang thiết kế thường ít bị “đụng hàng”.
Khách mua sắm tại cửa hàng thời trang thiết kế thường ít bị “đụng hàng”.

Là khách hàng khá thường xuyên của những cửa hàng thời trang tự thiết kế, chị Mai Quyên, kế toán một công ty ở quận 5, TPHCM, kể rằng chỉ với 400.000 đồng chị đã có thể mua được một chiếc đầm được đầu tư về kiểu dáng, đường may. Chị Quyên nhận xét: “Hầu hết các shop bán quần áo đều nhập hàng từ Trung Quốc hay Thái Lan. Kiểu dáng na ná nhau rất dễ nhàm chán. Trong khi đó, quần áo tự thiết kế luôn đổi mới, mỗi cửa hàng lại có một phong cách riêng”.

Để các mẫu quần áo thêm độc đáo, các cửa hàng nói trên phải đi lùng mua chất vải lạ được nhập từ Hàn Quốc hay Nhật Bản. Theo chị Phương Quỳnh, số lượng những loại vải này thường không nhiều. Có những mẫu rất đắt khách nhưng vẫn không thể may thêm để bán vì không tìm ra loại vải đó nữa. Nhưng điều này lại cũng có cái hay là làm cho sản phẩm thêm “độc, lạ”, người mặc chúng ít bị đụng hàng, theo lời chị Quỳnh.

Để tạo thêm điểm khác biệt, ở những cửa hàng này cũng nhận đặt may riêng theo số đo, theo yêu cầu của khách. Với những khách hàng có số đo hình thể chênh lệch so với chuẩn phổ biến thì điều này giúp họ tìm được bộ cánh vừa vặn với vóc dáng đồng thời mang phong cách thời trang theo ý thích. Nguyệt Minh, sinh viên năm 3, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, kể rằng do người thấp và gầy nên mỗi lần đi mua sắm ở các cửa hàng quần áo may sẵn cô phải sửa lại mới mặc vừa. Sau này khi tới cửa hàng thời trang tự thiết kế, cô đã tìm được những bộ cánh phù hợp nhờ dịch vụ may theo số đo. “Nếu may theo yêu cầu, giá đội lên vài chục ngàn đồng nhưng như thế vẫn rẻ hơn so với việc tự mình bỏ công đi mua vải rồi tìm hiệu may và may theo mẫu trên các tạp chí thời trang”, Nguyệt Minh nói.

Nơi người trẻ thử sức

Để có mẫu mã đa dạng, luôn thay đổi, cứ cách chừng 1-2 tháng là những cửa hàng này lại tung ra bộ sưu tập mới với khoảng mười sản phẩm. Những thiết kế hoàn chỉnh sẽ được gửi mẫu đến xưởng may để gia công và cho ra thành phẩm. Sản phẩm cuối cùng sẽ được chụp hình, quảng cáo trên fanpage của cửa hàng. Khách hàng có thể đặt hàng trực tuyến qua mạng hoặc đến tận cửa hàng mua sắm.

Chủ nhân của những cửa hàng thời trang may đo thiết kế này hầu hết còn trẻ. Cũng như nhiều người trẻ khởi nghiệp, những cô chủ “8X đời cuối” của cửa hàng Xéo Xọ (Hà Nội) phải đối mặt với chuyện thiếu vốn liếng ngay từ những ngày đầu. Chị Minh Hằng, một thành viên của Xéo Xọ, tâm sự: “Bắt đầu bằng số vốn rất nhỏ, nên bọn mình xác định là cửa hàng sẽ phát triển từng bước chứ không thể khang trang ngay được. Lúc đầu vì chưa có kinh nghiệm, cửa hàng phải thử qua rất nhiều chất liệu cho một mẫu thiết kế để đảm bảo sản phẩm làm ra đẹp và phù hợp. Chi phí cho vải, phụ kiện bị đội lên rất nhiều”.

Vốn ít cũng khiến Hoài Thuận, sinh năm 1989, chủ cửa hàng thời trang R Ậ P (TPHCM), gặp nhiều khó khăn khi mua nguyên vật liệu. “Ban đầu thiếu vốn nên mỗi lần đi mua vải, các cửa hàng vải cũng không mặn mà với bọn mình. Mua vải số lượng ít thì giá cũng cao hơn nữa”, anh cho biết.

Không chỉ thiếu vốn hay kinh nghiệm, những chủ nhân trẻ của thời trang thiết kế còn gặp nhiều khó khăn khác. Chẳng hạn, mạng xã hội Facebook là công cụ quảng cáo hữu hiệu nhưng mặt khác nó cũng là nơi sản phẩm có nguy cơ bị sao chép. Nhiều chủ cửa hàng kể đã không ít lần các thiết kế của họ bị nhái lại và bán ra với giá chỉ bằng một nửa. “Họ sử dụng chất liệu kém hơn, lại không tốn công thiết kế, thử vải nên giá thấp hơn bọn mình”, chị Phương Quỳnh của cửa hàng Chicka Chicka nói.

Nhưng theo Hoài Thuận, chuyện đau đầu nhất đối với những cửa hàng thời trang tự thiết kế chưa phải là vốn ít, bị sao chép hay thiếu nhân sự mà chính là việc duy trì cho được phong cách riêng. “Vừa xong bộ sưu tập này là mình phải vẽ ngay mẫu mới cho bộ sưu tập khác rồi. Gần như phải sáng tạo liên tục. Vì nếu chạy theo mốt hay ăn theo những nơi khác, sẽ rất khó tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm, điểm cốt yếu để thu hút khách”, anh cho biết.

Trong bối cảnh thị trường thời trang trong nước bị hàng may sẵn Thái Lan, Trung Quốc chen lấn, những người trẻ này đang cố tìm cách ghi dấu thương hiệu của mình. Họ vừa nhắm vào một phân khúc khách hàng khá rộng là những người có thu nhập vừa phải nhưng có nhu cầu cao về thời trang, vừa mong muốn tạo ra một hướng đi: “thời trang thiết kế – giá bình dân”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối