Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Mở cửa du lịch: Phủ vắc-xin rồi sao vẫn sợ?

Mở cửa du lịch quốc tế toàn diện – một chủ đề được nhắc tới lui suốt mấy tháng qua – cuối cùng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt lên bàn cuộc hội thảo chiều 24-1 nơi Bộ chính thức thu thập ý kiến đóng góp của các đại diện ngành du lịch khắp cả nước, các chuyên gia dịch tễ và các bộ, ngành liên quan để kiến nghị lên trên.
Du khách nước ngoài tại Dinh Thống nhất, TPHCM hồi trước dịch. Ngành du lịch thành phố và cả nước đang chuẩn bị để đón khách trở lại sau thời gian dài tạm ngưng vì dịch bệnh. Ảnh: Đào Loan

Các ý kiến đóng góp trong buổi hội thảo chiều 24-1 đều đồng thuận với đề xuất của ngành du lịch là kiến nghị Chính phủ mở cửa toàn bộ mảng du lịch quốc tế, gồm đưa khách nước ngoài vào Việt Nam và khách Việt đi du lịch nước ngoài từ ngày 1-5 tới.

Chuyên gia dịch tễ còn cho rằng, Việt Nam có thể mở cửa du lịch quốc tế sớm hơn vì hiện miễn dịch cộng đồng đang là đỉnh cao, không nên tiêm vaccine rồi lại “ngồi im”.

“Nếu tôi vào TPHCM mà không phải cách ly thì cũng không nên cách ly khách nước ngoài”,
bà Thu Anh nói.

Dự báo về dịch bệnh, Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolock tại Việt Nam, cho rằng số ca nhiễm Covid-19 sẽ tăng cao khi có chủng Omicron với 100.000-400.000 ca/ngày, nhưng không nên quá lo ngại vì Omicron gây bệnh nhẹ hơn. Bà Thu Anh vẫn khẳng định rằng việc đóng cửa du lịch không giúp kiểm soát dịch mà muốn hạn chế lây nhiễm cần ưu tiên phủ vắc-xin, đặc biệt là cho nhóm người có nguy cơ cao; đeo khẩu trang; và hạn chế tụ tập trong phòng kín, chật chội.

Theo bà Thu Anh, người dân nay đã được chích ngừa đủ số mũi cơ bản và đang được chích mũi tăng cường nên ngành du lịch có thể đón khách quốc tế từ 1-5 như đề xuất, thậm chí là ngay bây giờ.

Theo đó, chỉ cần du khách vào Việt Nam tiêm đủ vắc-xin ngừa Covid-19, xét nghiệm trước chuyến bay để giảm số lượng người nhiễm bệnh vào Việt Nam (nếu có) nhằm giảm tải cho hệ thống y tế và có bảo hiểm để giúp chi trả nếu lỡ phải điều trị bệnh. Ngoài ra, khuyến khích việc tổ chức các hoạt động du lịch ở những nơi thông thoáng để giảm nguy cơ lây nhiễm và cho khách đi lại tự do.

“Nếu tôi vào TPHCM mà không phải cách ly thì cũng không nên cách ly khách nước ngoài”, bà Thu Anh nói.

Bộ cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp khác. Thí dụ, để du lịch Việt Nam, du khách đến cần tiêm đủ vắc-xin ngừa Covid-19, liều cuối ít nhất 14 ngày trước khi nhập cảnh hoặc đã khỏi bệnh này sáu tháng trước khi khởi hành. Trẻ em và người chưa tiêm đủ liều vắc-xin sẽ có hướng dẫn riêng. Khách cũng cần có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành và có bảo hiểm có chi trả cho Covid-19 ít nhất 50.000 đô la Mỹ.

Cơ quan này đề xuất cho tất cả các doanh nghiệp du lịch được đón khách quốc tế, đón qua các cửa khẩu và phục hồi chính sách thị thực như trước dịch.

Thêm vào đó kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế hướng dẫn giám sát y tế thống nhất với người nhập cảnh, Bộ Ngoại giao đàm phán để các nước sớm công nhận chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho việc tổ chức tour ra nước ngoài, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo tăng chuyến bay, các địa phương chuẩn bị các điều kiện để mở cửa và có phương án xử lý sự cố…

Theo phương án mở cửa được Tổng cục Du lịch đề xuất, từ nay đến ngày 30-4, các địa phương tiếp tục giai đoạn 2 của chương trình thí điểm đón khách quốc. Từ ngày 1-5, sẽ mở cửa hoàn toàn cả mảng đưa khách quốc tế đến và khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài, cùng các loại hình du lịch khác như đường biển, đường bộ.

Thời gian này là đủ để tiêm mũi vaccine tăng cường, các ngành liên quan có thời gian sửa đổi, ban hành quy định hợp lý cho du lịch, doanh nghiệp đủ thời gian tiếp thị, chuẩn bị sản phẩm cho mùa du lịch cuối năm. Tháng 5 cũng là thời điểm diễn ra SEA Games 31, giúp du lịch có thêm cơ hội thu hút khách.

Minh Duy

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối