Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Mở đường bay thẳng, ai có lợi?

Theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đang lên kế hoạch triển khai bay thực nghiệm “đường bay vàng” – bay thẳng giữa Hà Nội và TPHCM theo kinh tuyến 106o Đông – đi qua không phận của Lào và Campuchia. Vấn đề đặt ra là nếu ý tưởng này thành hiện thực thì khách hàng có được lợi gì hay không?

Sẽ mở “đường bay vàng”?

Ý tưởng về “đường bay vàng” của phi công Mai Trọng Tuấn đã có từ năm 1983, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, đến thời điểm này điều kiện để thực hiện đường bay này mới thật sự chín mùi. “Thời gian trước đây, do các nguyên nhân chủ quan và khách quan, việc nghiên cứu mở đường bay thẳng giữa Hà Nội-TPHCM dọc theo kinh tuyến 106o chưa có tính khả thi nhưng tình hình bây giờ đã khác”, ông Thăng nói.

Bộ trưởng cho biết trình độ khoa học công nghệ trong ngành hàng không, đặc biệt là việc dẫn đường hàng không (qua vệ tinh toàn cầu) của Việt Nam bây giờ đã loại bỏ được những hạn chế vốn có trước đây chưa thể vượt qua trong việc thiết lập “đường bay vàng”. Đến thời điểm này, “đường bay vàng” đã được sự ủng hộ và thống nhất, tạo điều kiện của các bộ ngành có liên quan như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và Bộ Công an.

Đó là lý do tại sao Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bộ này làm việc cụ thể với các cơ quan trong và ngoài nước để triển khai đường bay thẳng Hà Nội-TPHCM. Ông Thăng cho biết trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc phòng, an toàn hoạt động bay và hiệu quả kinh tế, bộ đã chỉ đạo Vietnam Airlines triển khai việc bay kiểm tra, sau đó sẽ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc mở “đường bay vàng” qua không phận Lào và Campuchia trong thời gian sớm nhất.

Khách hàng được lợi

Theo ông Thăng, việc mở đường bay thẳng sẽ giảm thời gian bay, tiết kiệm chi phí cho các hãng hàng không, giảm khối lượng khí thải, đồng thời giảm mật độ bay dân dụng trên trục Bắc-Nam trong vùng trời Việt Nam. Về việc đường bay nội địa nhưng phải qua không phận Lào và Campuchia, đến nay bộ đã làm việc với hai nước này và đã đạt được sự đồng thuận, cho phép máy bay của Việt Nam sử dụng không phận của họ để khai thác các tuyến bay nội địa của Việt Nam.

Vấn đề đặt ra là chi phí của các chuyến bay thẳng có thấp hơn chi phí cho các chuyến bay theo đường cánh cung hiện nay? Theo Vietnam Airlines, bất kỳ đường bay, hành lang bay nào được mở cũng cần phải được chứng minh việc tiết kiệm thời gian và chi phí. Vì vậy, “đường bay vàng” cũng cần được so sánh với đường bay hiện tại, đánh giá chi tiết kinh tế, kỹ thuật, xã hội.

Hiện Vietnam Airlines chưa có số liệu cụ thể để so sánh, mọi việc còn phải chờ đến lúc bay thực nghiệm. Về mặt lý thuyết, đường bay thẳng có ngắn hơn đường bay hiện nay (bay vòng cung), nhưng thực tế bay còn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như bay thấp tốn nhiên liệu hơn bay cao, cũng như phải vòng qua các điểm tiếp cận.

Ông Mai Trọng Tuấn, tác giả “đường bay vàng”, tính toán đường bay thẳng sẽ rút ngắn được khoảng 110 cây số so với đường bay hiện nay, tức rút ngắn được khoảng 10% tổng hành trình bay. “Nghĩa là các hãng hàng không bay 10 chuyến sẽ lãi một chuyến”, ông nói.

Tuy nhiên, điều mà Cục Hàng không cũng như Vietnam Airlines lo ngại là chi phí sử dụng bầu trời phải trả cho Lào và Campuchia (khoảng 600-800 đô la Mỹ/chuyến) có thể cao hơn chi phí nguyên liệu giảm được do rút ngắn được hành trình bay. Về vấn đề này, ông Mai Trọng Tuấn cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đàm phán với Lào và Campuchia để giảm giá phí; vì nếu cho bay, họ sẽ thu được tiền, còn nếu không, thì họ không thu được đồng nào!

Hơn nữa, việc rút ngắn được hành trình sẽ giúp cho các hãng hàng không giảm được rất nhiều chi phí như hao mòn máy bay, kiểm định và bảo trì máy bay (thời gian bay ít hơn); thời gian bay rút ngắn nên sẽ bay được nhiều chuyến hơn, do vậy hiệu quả kinh tế sẽ tăng lên. Chi phí giảm sẽ tạo điều kiện cho các hãng hàng không giảm giá vé, có lợi cho người tiêu dùng.

Hơn nữa, việc rút ngắn thời gian bay sẽ đem lại lợi ích lớn cho khách hàng của các hãng hàng không cũng như giảm khí thải ra môi trường, có lợi cho xã hội. “Thời gian của hành khách là tiền bạc của xã hội. Thử hỏi, mỗi chuyến bay tiết kiệm cho hành khách 5-7 phút và mỗi năm có hàng chục ngàn chuyến bay và hàng triệu khách thì sẽ tiết kiệm được một lượng lớn thời gian cho xã hội”, ông Tuấn nói.

maybay

[box type="download"] Vừa qua, phái đoàn của Bộ Giao thông Vận tải đã qua Campuchia để đàm phán về mức phí quá cảnh, phía Việt Nam đề nghị giảm còn 50% theo mức giá mà Lào và Campuchia công bố áp dụng đối với từng loại máy bay.

Hiện nay, mức phí quá cảnh qua Lào và Campuchia của đường bay Hà Nội-TPHCM là 622 đô la Mỹ đối với máy bay A320; qua Lào là 225 đô la đối với máy bay A321 và 350 đô la đối với máy bay B777/330; qua Campuchia là 412 đô la/lượt đối với máy bay A321 và 486 đô la/lượt đối với máy bay B777/330. Hiện hai nước này đang xem xét đề nghị từ phía Việt Nam.

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam[/box]

 Và quyền tác giả

Nếu đường bay thẳng giữa Hà Nội và TPHCM trở thành hiện thực thì tác giả của nó sẽ nhận được phí tác quyền. Vì ý tưởng này đã được Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp cho ông Mai Trọng Tuấn từ tháng 3-2009.

Cho nên, “nếu đường bay này được mở và các hãng hàng không khai thác thì họ phải trả phí tác quyền, theo quy định của pháp luật về quyền tác giả”, luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó Đoàn luật sư TPHCM, cho biết. Còn phí tác quyền bao nhiêu thì các hãng hàng không và tác giả của ý tưởng sẽ tính toán dựa trên lợi ích kinh tế cụ thể giữa đường bay hiện nay với “đường bay vàng”.

Trả lời Sài Gòn Tiếp Thị, ông Mai Trọng Tuấn cho biết, nếu được nhận phí tác quyền khi đường bay thẳng được thực hiện thì ông sẽ hiến, tặng cho các quỹ từ thiện. “Ý tưởng của tôi được thực hiện là tôi mãn nguyện rồi”, ông nói.

Quang Chung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối