Linh Nguyễn -
Tại các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhất là Đông Nam Á, nhu cầu đi lại bằng đường không ngày càng tăng cao và kéo theo đó là các dịch vụ trong lĩnh vực này, bao gồm phi công. Tập đoàn Airbus và Singapore Airlines đã mở “lò” đạo tạo phi công cho các hãng bay của khu vực.
Tăng trưởng nhanh chóng tại các hãng hàng không khu vực châu Á đang làm thiếu hụt lực lượng phi công dân dụng. Ảnh minh họa: ainonline.com
Tình trạng thiếu phi công trầm trọng tại khu vực Đông Nam Á đặt ra cơ hội đáng kể cho các tổ chức đào tạo huấn luyện. Khi Airbus Group SE (một tập đoàn hàng không đa quốc gia có trụ sở chính tại Hà Lan) và Singapore Airlines ltd mở một trung tâm đào tạo phi công mới tại Singapore hồi tháng trước, CEO của Airbus đã gọi khu vực Đông Nam Á là một “thị trường tăng trưởng quan trọng” khi nhu cầu du lịch bằng hàng không tại những đất nước như Indonesia, Philippines và Việt Nam đang bùng nổ, số lượng người trong tầng lớp trung lưu ngày càng tăng lên và các hãng hàng không giá rẻ xuất hiện ngày càng nhiều.
Airbus dự đoán đội tàu bay sẽ tăng 5.600-14.000 chiếc trong hai thập kỷ tiếp theo, tạo ra nhu cầu lớn cho các phi công. Theo viễn cảnh có nhiều khả năng xảy ra nhất được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO – International Civil Aviation Organization) tổng hành dinh đặt tại Montreal (Canada) đưa ra thì toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ cần tới 230.000 phi công vào năm 2030 và sẽ phải đào tạo khoảng 14.000 người hàng năm để đáp ứng nhu cầu.
Tuy nhiên, khu vực này hiện nay chỉ có khả năng đào tạo khoảng 5.000 người mỗi năm, để lại một lượng thiếu hụt khổng lồ 9.000 phi công mới mỗi năm từ nay đến năm 2030. Sự thiếu hụt này đặt ra một vấn đề nghiêm trọng đối với các hãng hàng không đang phát triển nhanh chóng trong khu vực – một số hãng trong đó đã phải cắt giảm các chuyến bay hoặc hủy bỏ những kế hoạch mở rộng bởi vì không đủ khả năng tìm được phi hành đoàn có trình độ nhưng điều này cũng đem đến một cơ hội rất lớn cho những công ty cung cấp các dịch vụ đào tạo phi công.
Hiện nay, theo tờ Financial Post (Canada), nhà sản xuất thiết bị mô phỏng buồng lái (CAE Inc.) tại Montreal (Canada) liên tục mở các khóa đào tạo liên kết với rất nhiều hãng hàng không châu Á. CAE nổi tiếng với thao trường mô phỏng các chuyến bay cũng là nơi đào tạo huấn luyện phi công thương mại lớn nhất toàn cầu và trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi mà có 15 học viện đào tạo huấn luyện bay. Phần lớn việc đào tạo này được thực hiện thông qua việc liên doanh liên kết với các hãng hàng không của khu vực bao gồm Japan Airlines, China Eastern Airlines, Malaysia’s Air Asia Bhd, Cebu Air Inc chi nhánh Philippines, Vietnam Airlines và India’s Inter Globe Aviation Ltd.
Với Boeing, hãng này dự đoán rằng 100 triệu hành khách mới sẽ đến với thị trường châu Á-Thái Bình Dương mỗi năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2033, biến nơi đây thành thị trường du lịch bằng hàng không lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, không dễ dàng “làm ăn” trong một khu vực đang phải đương đầu với sự tăng trưởng chưa có tiền lệ từ trước đến nay. Những tai nạn hàng không dân dụng gần đây đã làm dấy lên lo ngại rằng liệu những công tác về thực hành bay an toàn có theo kịp với tốc độ phát triển nhanh chóng của các hãng hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không giá rẻ mới xuất hiện.
Theo Max Buerger, người đứng đầu tổ chức quan hệ đối tác ở công ty huấn luyện Alpha Aviation Group Ltd cơ sở ở Anh, những cơ quan quản lý hàng không ở một số nước khu vực Đông Nam Á đã hưởng ứng những vấn đề an toàn bằng cách đóng một vài trường đào tạo và thực hiện các quy định nghiêm ngặt đối với những trường khác. Hiện tại, Alpha Aviation đã mở trường đạo tạo phi công tại Philippines và United Arab Emirates (UAE) và đang làm việc tích cực để nâng cao năng lực hoạt động ở Manila, nhưng vẫn không thể bắt kịp nhu cầu ngày càng tăng cao.
Ngoài ra, các quy định về hàng không ở châu Á chưa được tiêu chuẩn hóa như ở Bắc Mỹ hay châu Âu dẫn đến kết quả xuất hiện những quy tắc chắp vá có thể làm tăng chi phí cho các giảng viên nhưng Irfan Khalid, phó chủ tịch của CAE khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn hy vọng trong vòng vài năm tới, sẽ có một số thay đổi để nhiều quy tắc được tiêu chuẩn hóa hơn. Trong khi đó, những nơi huấn luyện phi công như CAE và Alpha Aviation sẽ tiếp tục đào tạo ra những phi công có đủ tiêu chuẩn bay an toàn được cấp giấy chứng nhận.
Một cách mà Alpha Aviation đang nỗ lực thực hiện nhằm giảm bớt gánh nặng tình trạng thiếu phi công là việc thu hút nhiều phụ nữ hơn đến học tại học viện của mình. Theo Hiệp hội Nữ phi công quốc tế (International Society of Women Airline Pilots), hiện chỉ có khoảng 3% phi công trên toàn thế giới là phụ nữ.