Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Mở lớp… chơi hè

Nguyễn Tục Ngữ

Thay vì quen thuộc, quen đến ngán ngẫm, cứ hè về là nơi nơi mở “lớp học hè”; tại sao không nghĩ đến việc mở “lớp chơi hè”?

Hè là thời khắc các bậc phụ huynh lao đao, âu lo, chạy đôn chạy đáo không biết sẽ gửi con vào đâu, nhất là trẻ ở mầm-chồi-lá và cấp 1. Làm sao có thể cõng con vào nhà máy, công trường, cơ quan… để chăm trong những tháng hè! Bởi không như ngày xưa cõng con ra ruộng, lên nương thoải mái, cho chúng chơi trên đồng với đám bạn cùng lứa; thậm chí bé mới một, hai tuổi, cứ túc tắc cái trống bổi trên lưng mẹ đang cấy lúa, hái rau…

May mà có quê gần, ông Nguyễn Như Hoàng đưa hai con, đứa 9 tuổi, đứa 11 tuổi về Bến Tre gửi cho bà nội. Ông Hoàng thuộc xóm “gà trống” đi làm nhà máy nuôi con nói: “Bà nội chúng cũng bận rộn với cái cửa hàng tạp hóa trước nhà nên tôi lo dữ lắm! Gửi thì buộc phải gửi chớ thằng Thắng ham chơi, nó luông tuồng với đám trẻ trong xóm đi tắm sông, không ai coi sóc ớn lắm ông ơi!”. Tôi bảo, sao chú Hoàng không cho hai đứa ở nhà, căn dặn, khóa cửa kỹ lưỡng. Ông Hoàng lăng lắc cái đầu nói: “Nghỉ hè cho chúng nó chơi chớ nhốt trong chuồng coi sao được, nhà có chút tẹo! Mà chúng nó thích chơi hơn học, con nít mà”.

Lại trường hợp may mắn nữa, hè này, luật sư Nguyễn Văn Năm gửi đứa con 3 tuổi cho dì, vì dì nó vừa mới… thất nghiệp! Nhà ông Năm đang loay hoay, chưa tìm ra được chỗ giữ trẻ, “chỗ mấy bà soeur gần nhà thờ thì nghe nói không được phép, về nhà ngoại thì tận Bình Phước; may quá dì Tư nó vừa bị thôi việc ở công ty làm ăn thua lỗ, tôi bèn năn nỉ ngay và dì đồng ý!”, ông Năm vừa mừng vừa kể.

Hôm rồi, nhà luật sư Năm có giỗ lớn, anh chị em, bè bạn tề tựu đốt nhang, rồi như điệp khúc – quây bàn ăn uống. Ông Năm vừa mới gợi chuyện hè tìm nơi gửi con, ôi thôi, cậu Ba, cô Bảy… rên như bộng, mỗi người một cảnh hai-ba-bảy quê, nghe đến lùng bùng trí não giữa cái thời lắm thầy ít thợ. Cũng may, từ dịp này mà dì Tư của con ông Năm không phải thất nghiệp – nhận được trước mắt ba trẻ nuôi dịp hè, lại còn được hứa hẹn, sẽ giới thiệu thêm bè bạn trong cơ quan cũng đang trong “cơn” tìm “cô hè” cho con.

Đó là những cơ may, còn biết bao phụ huynh khác, không lẽ họ cũng đều may mắn cả sao? Cô Bảy ra chiều suy tư: sao ngành giáo dục và nhà trường không xem những tháng hè là thời điểm cho các thầy cô tự do chọn lựa việc dạy và giữ trẻ thêm. Có thể giá thù lao gấp vài lần trong chính khóa, nhưng tạo được sự an tâm cho phụ huynh – không bị xáo trộn nhịp sinh hoạt. “Tôi hoan nghênh ý cô Bảy, nhưng những lớp hè này chỉ nên là lớp chơi hè chớ không học hè”, ông Như Hoàng gợi ý tiếp, nhà trường có thể tổ chức cho học sinh đi chơi ở các điểm du lịch gần thành phố, mỗi vài ba ngày một lần. “Chi phí cao nhưng đó là cách cô thầy thay thế phụ huynh đưa con đi chơi hè. Quá lý tưởng đi chớ!”, ông nói.

Rồi những ngày không dã ngoại thì sao, cậu Ba hỏi. “Chơi ở trường lớp thôi. Việc này cũng phải tổ chức, lên chương trình hẳn hoi; có thể là những trò vừa chơi vừa học; hoặc chơi những trò như hướng đạo sinh cho cấp 1… Nhưng chủ yếu là cho trẻ chơi. Tập trung kiểu này là dạng lên chương trình cho trẻ nghỉ hè. Và, tất nhiên thời khóa biểu đưa đón con cũng phải y như trong năm học”, ông Như Hoàng gợi ý.

Người vượt “chỉ tiêu” Nhà nước, luật sư Năm có đến bốn con, người hẳn đã trăn trở nhiều năm về việc gửi con dịp hè biểu lộ: “Ý kiến mấy ông hay, tôi rất đồng tình nhưng phải rạch ròi, lớp học là chính quy, lớp chơi hè là phụ quy, các trường được tự do lên chương trình chơi, tự tổ chức, chi phí hạch toán độc lập trong dịp này, ngành giáo dục hỗ trợ như cơ sở vật chất. Vì đây là một kiểu gửi con cho thầy cô đưa đi chơi, đưa lớp đi chơi tập thể, du lịch; cho nên cần có hợp đồng cụ thể như hợp đồng với các công ty du lịch dã ngoại”.

Những gợi ý trên trong bữa giỗ khá lý thú nhưng vướng một điều còn trăn trở. Bởi thật ra, hầu hết các thầy cô thường chỉ có chuyên môn sư phạm là dạy học; nếu có tập cho trẻ chơi giải trí thì cũng thường là những trò chơi nhẹ nhàng, giản đơn và thường lập đi lập lại, thiếu phong phú. Trong khi đó, suốt hai ba tháng hè – thời gian đủ để đòi hỏi phải có chương trình vui chơi có tính chuyên nghiệp (hoặc nghiệp dư) với những sản phẩm thích hợp lứa tuổi, trò chơi đa dạng; và người quản trò cũng cần có kỹ năng.

Nhưng hiện thị trường có nhiều sách hướng dẫn những trò chơi, bài hát, kỹ năng sống, làm thủ công… với đủ các loại hình thể nghiệm sinh hoạt từ trong trường lớp đến đi dã ngoại. Cùng với tính sáng tạo, sự yêu thích và yêu con trẻ của các thầy cô, hy vọng những “lớp chơi hè” sẽ được mở.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối