Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Mở tiệc trên những cánh đồng

Khánh Lam -    

Bữa tiệc bày ra khi nắng chiều vừa tắt. Cả vùng đồng ruộng mênh mông bỗng trở nên rực rỡ, biến thành buổi chợ phiên nhộn nhịp của Hội An vào thế kỷ 19. Đâu đó là cảnh người dân ra đồng cấy lúa, thả lưới trên sông; còn các chàng trai, cô gái hát múa vui chơi trong mùa lễ hội. Sự náo nhiệt dường như bất tận, và tiếng hát giã bạn chỉ vang lên khi những vị khách phương xa đã mãn nhãn với vẻ đẹp văn hóa đầy màu sắc của người dân bản địa, đã ấm bụng với những món ăn mộc mạc của người dân Hội An.

motiecgiuadong2

Đó là những gì du khách có thể thấy tại Chợ phiên ẩm thực Hội An vào thế kỷ 19. Chương trình ẩm thực này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013 tại cánh đồng lúa ở thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An. Vào ngày thường, nhà hàng The Field Hội An, nơi tổ chức tiệc, mở cửa bán như những nhà hàng khác. Nhưng khi làm chợ phiên, người ta choàng lên nó một không gian khác biệt bên những cánh đồng lúa quen thuộc của người dân.

 

Với tiệc lớn, nhà hàng cần đến 10.000 m2 ruộng lúa để bày biện. Tiệc nhỏ cho khoảng 100 người thì chỉ cần khoảng 500 m2 làm sân khấu, nhưng diện tích để tạo cảnh quan thì lớn hơn gấp 10 lần. Lợi thế của nhà hàng này là nằm trên một cánh đồng, trước mặt là ruộng lúa, bênh cạnh là con sông nhỏ gọi là sông Đò, nơi tái hiện cảnh vật, sinh hoạt thường nhật của người Hội An từ hàng trăm năm trước.

 

Sân khấu lớn của chợ phiên là những ruộng lúa rộng hàng ngàn mét vuông được phân chia thành những không gian nhỏ mô tả từng nhóm hoạt động, chỗ làm nơi họp chợ, chỗ dành cho làng ghề, chỗ dành cho ăn uống, ca hát... Những không gian này kết nối với nhau bằng những chiếc cầu tre để khách có thể qua lại, nhìn ngắm, thử các món ăn, các trò chơi. Cạnh đó, bên sông Đò là những chiếc thuyền để người bủa lưới trên sông và những nghệ nhân vui vẻ ca hát đón chào du khách.

 

Sân khấu được thiết kế đặc biệt, với các khung sắt có thể kéo ra ráp lại rồi thêm thắt để tạo thành những mái nhà tranh vách nứa với mặt sàn là những thanh gỗ. Khi có sự kiện, nhà hàng chỉ cần kéo khung sắt ra là có nơi tổ chức, xong việc thu dọn lại trả mặt bằng cho đồng ruộng.

 

Khi tiệc bắt đầu, nhạc nổi lên, đội cồng chiêng dẫn khách vào không gian tiệc bằng con đường phủ đầy rơm rạ, đi ngang qua mấy đụn rơm mới đốt còn thơm mùi khói, rồi từng người cẩn thận bước qua mấy nhịp cầu tre để đến với Hội An của hàng trăm trước. Cả một vùng rộng lớn được thắp sáng bằng đèn măng-xông. Có hôm đơn vị tổ chức còn dùng thêm những ngọn đuốc đốt bằng dầu phụng kết hợp với dầu hôi để tạo không khí của ngày xưa. Những món ăn cũng đậm đà hương vị địa phương như mì Quảng, cao lầu, bánh lọc...

*

*          *

Ngày thường, người dân vẫn cấy hái, làm việc nhà nông, nhưng khi có sự kiện họ giao ruộng cho nhà hàng bày tiệc và cùng tham gia vào hoạt động của lễ hội. Cùng với những điệu múa, câu hò chuyên nghiệp của nghệ sĩ thì hình ảnh người dân quê lùa trâu ra đồng, may vá, nuôi heo, bắt cá, đem gà vịt đi chợ... mang lại một cảm xúc đặc biệt cho du khách nước ngoài. Nhiều du khách, nhất là các em bé thường thích thú sờ vào những chú heo nhỏ trong chuồng tre, cắn thử củ khoai vùi tro còn nóng hổi hay mân mê những xúc xắc trong một gian hàng của chợ phiên. Những cảm giác ấy không thể có trong những nhà hàng sang trọng mà du khách đã đi qua.

 

“Bạn thấy lạ lắm phải không. Ba năm trước tôi chưa hề nghĩ đến một sự kiện nào như thế nhưng du khách chính là người khơi gợi ý tưởng này cho tôi, thúc giục tôi đem những nét đẹp văn hóa của người dân, của cảnh sắc Hội An vào những bữa tiệc du khách nước ngoài”, ông Phan Xuân Thanh, Giám đốc Công ty EMIC Hospitality, chủ nhà hàng The Field Hội An cho biết.

 

Người đàn ông 38 tuổi này từng làm qua nhiều nghề, từ công chức, nhân viên du lịch, xử lý nước thải, bất động sản trước khi chuyển kinh doanh nhà hàng tại quê hương vào năm 2012. “Sống ở Sài Gòn nhiều năm, tôi nhớ quê, lại thêm lo lắng khi mấy đứa con cứ mải mê những trò giải trí của thành thị như chơi game, máy tính rồi lang thang hết siêu thị này đến trung tâm mua sắm khác vào mỗi cuối tuần. Tôi muốn trở về, muốn cho con có một tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm của đồng quê. Tôi nhận ra Hội An là mảnh đất có thể cho mình những cơ hội tốt để làm ăn”, ông Thanh nói.

 

Ông kể, năm 2012, ông về Hội An thuê lại một nhà hàng trong vòng 10 năm để bắt đầu chuyện làm ăn. Nhà hàng mới có tên là Fullmoon Town, trang trí theo kiểu nhà cổ, đãi khách bằng món địa phương, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường nên được nhiều người thích. Ý tưởng tạo nên phiên chợ ẩm thực trên ruộng lúa đến với ông vào năm 2013, khi một nhóm khách Mỹ đến tìm nơi đặc biệt để tổ chức gala dinner. Du khách, hầu hết là doanh nhân đã quá nhàm chán với những buổi tiệc sang trọng trong nhà hàng, trên du thuyền nên muốn tìm một không gian mới, kèm theo những trải nghiệm văn hóa bản địa. Ông giới thiệu ý tưởng về buổi tiệc trên ruộng lúa và khách đồng ý.

 

Để làm được sự kiện đầu tiên cho 100 người là doanh nhân Mỹ, ông Thanh và cộng sự mất đến ba tháng chuẩn bị. Ông phải nhờ chính quyền xã thuyết phục bà con nông dân đến nghe trình bày ý tưởng. Khi nhận được cái gật đầu từ 20 hộ dân là chủ nhân của hàng chục ngàn mét vuông ruộng lúa, công ty lên kế hoạch chi tiết để thực hiện một bữa tiệc chưa từng có tại Hội An.

 

Lần đó, du khách hưởng ứng nồng nhiệt. Công ty du lịch ủng hộ, nhà hàng lần lượt làm những buổi tiệc tương tự cho một số đoàn lớn từ châu Âu, Nhật Bản, mỗi tháng có 1-2 tiệc. Đến nay, công việc đã đâu vào đó, khách chỉ cần báo trước một tháng là công ty đã có thể tổ chức được chương trình lớn. Nếu khách muốn tổ chức tiệc giữa cánh đồng lúa chín thì cần đặt trước khoảng sáu tháng để bà con trồng lúa cho đúng dịp, còn không cứ ăn uống và vui chơi giữa những cánh đồng xanh.

 

Khi làm sự kiện đầu tiên, ngôi nhà trên ruộng lúa, sau này được gọi là nhà hàng The Fiel Hội An chưa thuộc về Công ty EMIC Hospitality. Sau đó, công ty mua lại làm nhà hàng, rồi ký kết hợp tác lâu dài với nông dân. Cứ mỗi chương trình, nhà hàng trích khoảng 30% doanh thu trả lại cho người dân, bảo đảm thu nhập của bà con gấp ba lần so với trồng lúa nhưng vẫn được làm việc nhà nông, gặt lúa như bình thường. Đến nay, người dân đã quen với việc làm du lịch, chỉ cần nhận được thư mời là bà con đến họp để bàn cách thực hiện và nhà hàng sẽ trả thêm chi phí để nông dân mang gà, vịt, trâu, nông sản đến tham gia chợ phiên ẩm thực.

 

Không chỉ có thế, nếu đến lần khác, muốn có trải nghiệm mới, khách du lịch cũng có thể dùng bữa ở chiếc bè tre trên sông Đò hay cùng nhân viên của nhà hàng lên thuyền xuôi con nước đến vườn rau hữu cơ Thanh Đông để làm việc nhà nông rồi đem rau, củ về nhà hàng tự chế biến món ăn và dùng bữa.

 

“Chúng tôi làm nhiều mô hình, không chỉ là tiệc trên ruộng, trên sông mà còn tổ chức ở phố cổ, trên cù lao Chàm và sắp tới là ở giữa rừng dừa. Điểm chung vẫn là: gắn chặt vào văn hóa bản địa, bán ẩm thực địa phương kèm theo những câu chuyện văn hóa của người dân bản xứ và giữ gìn môi trường”, ông Thanh nói.

 

Ông Thanh cho rằng mình có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch này do am hiểu địa phương và nắm bắt được nhu cầu của khách hàng. Là người Hội An nên ông biết rõ nơi mình sinh ra có gì hay và đặc sắc như thế nào để giới thiệu. Hơn nữa, nhờ thời gian làm du lịch ở trung tâm du lịch TPHCM nên biết những công ty du lịch lớn cần gì, muốn nhà cung cấp du lịch địa phương chuyên nghiệp ra sao để tạo sản phẩm kết nối.

 

“Xã hội càng phát triển thì con người lại càng muốn gần với thiên nhiên, muốn bảo vệ môi trường và muốn có những chuyến du lịch tiếp cận với văn hóa của người dân bản xứ. Tôi cho rằng, văn hóa của người dân Hội An là cả một kho tàng lớn để khai thác, càng làm lại càng có thêm kinh nghiệm và cảm xúc để sản phẩm được hay hơn”, ông nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối