Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

‘Mỏ vàng’ du lịch mạo hiểm: thách thức hàng đầu vẫn là nhân lực

(SGTT) - Ngành du lịch trên đà phục hồi sau dịch bệnh, trong đó mô hình du lịch mạo hiểm có sự tăng trưởng mạnh về lượng khách nội địa. Sự quan tâm nhiều hơn của khách Việt góp phần quảng bá loại hình dịch vụ tuy không mới nhưng còn “non trẻ” ở Việt Nam. Bên cạnh đó, những khó khăn về nhân sự cũng như công tác chuyên môn, năng lực khai thác tour là những hạn chế cần giải quyết để phát triển loại hình này.

Tiềm năng từ sản phẩm du lịch mạo hiểm

Với hệ thống cảnh quan thiên nhiên đa dạng trải đều các tỉnh thành ở Việt Nam, khoảng 5-7 năm trở lại đây, du lịch hang động, thác, núi, trekking, cắm trại… không còn xa lạ với du khách trong và ngoài nước. Các đơn vị khai thác tour chuyến đã xuất hiện nhiều hơn, tận dụng được nguồn nhân sự từ địa phương và thử nghiệm, khám phá thành công nhiều địa điểm, cung đường mới lạ nổi bật ở Quảng Bình, Lâm Đồng, các tỉnh vùng Tây Bắc…

Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, trong 9 tháng đầu năm 2023, khách du lịch đến tham quan nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng đạt 6.510.000 lượt (tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, có trên 50% khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại các khu, điểm du lịch, điểm tham quan có hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm và du lịch văn hoá tâm linh, góp phần tăng trưởng các loại hình du lịch này so với mọi năm.

Những lối mòn thám hiểm hòa vào thiên nhiên của bộ môn. Ảnh: Jungle Boss

Một số điểm đến du lịch thể thao mạo hiểm ở Lâm Đồng như điểm thác Đatanla (đu dây vượt thác, zipline, hành trình trên cao), khu du lịch cấp tỉnh rừng Madagui (chèo thuyền vượt ghềnh thác, zipline, trekking), khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm (chèo thuyền kayak, trekking, xe đạp địa hình…), vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (trekking, xe đạp địa hình), tuyến trekking Tà Năng Phan Dũng.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đánh giá với những yếu tố khác biệt về địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên đã tạo điều kiện thuận lợi để Lâm Đồng phát triển các sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm. Từ đó đây đã trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, nâng cao lợi thế cạnh tranh, thu hút khách so với các địa phương khác.

Là đơn vị chuyên tour thám hiểm ở Quảng Bình, ông Lê Lưu Dũng, CEO của Jungle Boss cho biết công ty đang khai thác một số tuyến độc quyền như khám phá Hố Sụt Kong, Hung Thòong… Nhìn chung, Covid-19 đã thay đổi diện mạo của thể thao mạo hiểm khi khách Việt Nam thích tìm về thiên nhiên. Hành vi xê dịch đã có sự thay đổi. Khoảng 10% khách Việt tăng tên, cân bằng số lượng khách trong và ngoài nước vì khách ngoại từ châu Âu, châu Á, Mỹ vẫn chưa trở về mức trước dịch. Lượng khách nội địa cũng quay lại tham gia các tour khác nhau tại Jungle Boss nhiều. Trung bình một tháng, đơn vị đón khoảng 800-1000 khách/tùy mùa, hầu như ngày nào cũng có tour khởi hành.

Hình ảnh đẹp từ thám hiểm Hố Sụt Kong. Ảnh: Jungle Boss

“Ngày mới thành lập, một mình tôi phải làm nhiều vị trí, bây giờ nguồn nhân lực đã đa dạng và chuyên nghiệp hơn, bộ máy công ty đã khoảng 200 nhân sự. Hoạt động du lịch mạo hiểm từ các công ty ở Quảng bình cộng hưởng với nhau đã quảng bá thu hút nhiều khách quan tâm hơn, ước tính đơn vị của tôi đã tăng khoảng 1000% về lượng khách từ đầu cho đến hiện tại”, ông Lưu Dũng nhấn mạnh.

Nhân lực luôn là bài toán khó

Du lịch thể thao mạo hiểm có đặc thù về cứu hộ cứu nạn, cần đội ngũ chuyên môn đủ chứng chỉ, kinh nghiệm đảm bảo an toàn cho người tham gia trước địa hình thám hiểm hiểm trở. Từ thực tế, lực lượng với tiêu chuẩn cao không dễ tìm để bổ sung vào đội ngũ dẫn dắt.

Là đơn vị mới tham gia vào khai thác tour du lịch thám hiểm, khai thác một số tuyến như Hồ Thang Hen ở Cao Bằng, Thác Bạch Long (Thác Rồng) tại Lào Cai, Hang Rục Mòn tại Quảng Bình, ông Thanh Trần hiện là Giám đốc Đào tạo của công ty Cổ phần Du lịch Lữ hành Vietnam Expeditions, nhìn thấy khó khăn lớn của môn chơi vẫn ở chỗ nguồn nhân lực thiếu và điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư còn hạn chế. Hiện Việt Nam chưa có nhiều trường lớp đào tạo cấp chứng chỉ, huấn luyện bài bản chuyên môn các kĩ năng, kĩ thuật an toàn cho môn chơi.

Được biết, để đưa một tour mới vào khai thác, đội ngũ phải mất nhiều tháng liền để tự thử nghiệm, hoàn tất thủ tục pháp lý, công tác an toàn và hướng dẫn làm dịch vụ cho nhân sự. Đa số các công ty đang tận dụng nguồn hướng dẫn viên là người dân bản địa để tạo công ăn việc làm, cũng như nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan thiên nhiên tại khu vực họ sinh sống.

Thác Bản Ba kì vĩ, mời gọi nhiều nhà thám hiểm đến thử sức. Ảnh: Thanh Trần

Hướng dẫn viên cho tour du lịch mạo hiểm đòi hỏi nhiều tiêu chí như về sức khỏe, kiến thức kĩ năng dã ngoại, khả năng thích nghi với môi trường tự nhiên, chuyên môn cứu hộ cứu nạn, chăm sóc khách hàng… Chính vì những tiêu chuẩn cao, công ty cũng khó chiêu mộ nhân tài từ các tỉnh thành khác và đồng thời mất nhiều thời gian, công sức đào tạo người bản địa làm dịch vụ chuyên nghiệp.

Người đứng đầu của Jungle Boss chia sẻ, trên thực tế, nguồn nhân lực từ địa phương luôn có sẵn, họ có kỹ thuật tốt nhưng kỹ năng mềm lại hạn chế, ví dụ như việc giao tiếp, phục vụ khách hàng, giải quyết vấn đề chưa thuần thục. Doanh nghiệp đang tập trung đào tạo để nâng cao tay nghề và thúc đẩy thay đổi tư duy cho lao động địa phương, hướng đến làm du lịch dài hạn, bền vững.

Bên cạnh đó, việc tuyển dụng nhân sự chất lượng cao cũng gặp khó khăn vì các lao động này không chỉ giỏi về chuyên ngành mà còn phải đáp ứng được tiêu chí sức khỏe, yêu thiên nhiên để công tác trong các khu du lịch mạo hiểm.

Quá trình khai thác loại hình du lịch thể thao mạo hiểm những năm gần đây góp phần bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, giúp du khách (đặc biệt là giới trẻ) có cơ hội khám phá, tìm hiểu và học hỏi các kiến thức về môi trường tự nhiên. Các đơn vị làm tour đồng tình hành khách tham gia thám hiểm ngày càng có ý thức bảo vệ cảnh quan. Lực lượng người bản địa cũng góp phần lớn vào trách nhiệm gìn giữ, phát triển cộng đồng để duy trì kinh tế, kế sinh nhai của họ.

Đội ngũ thám hiểm lộ trình trên Thác Rồng. Ảnh: Thanh Trần

“Ý thức tự giác của khách hàng, công tác kiểm lâm và trách nhiệm của người vận hành tour đã ngày một nâng cao nhờ các hoạt động tuyên truyền, quảng bá. Đã vào rừng thì không tạo ra dấu vết, không để lại rác thải, không tác động lên tự nhiên chẳng hạn”, ông Thanh Trần nói thêm.

Hoàng An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối