ĐỨC TÂM -
Sẽ thật tuyệt vời nếu sau một ngày làm việc, học tập mệt nhoài, vừa bước vào nhà, một bản nhạc du dương, êm dịu bỗng vang lên; một “em” robot dễ thương dọn ra một bữa tối với những món ăn ưa thích và giàu dinh dưỡng.
Ý tưởng trên là mong ước của bạn Hoàn Trần về hình ảnh “Tôi trong tương lai” trong cuộc thi “Tương Lai Là”, một sân chơi do một tập đoàn điện tử nước ngoài tổ chức, nhằm khuyến khích mọi người bày tỏ ước mơ của mình về tương lai, về cách mà công nghệ có thể giúp chúng ta thay đổi cuộc sống.
Quay lại ước mơ của Hoàn Trần ở trên, câu hỏi đặt ra là đồ ăn ở đâu có sẵn? Đến đây chúng ta bắt gặp ý tưởng của Xíu Xíu về mong ước ngôi nhà tương lai, nơi cô có một “nồi nấu đa năng điều khiển từ xa”. Chiếc nồi này có thể ghi nhớ công thức chế biến các món ăn, từ đơn giản đến phức tạp, miễn sao tốt cho sức khỏe và có thể tự động nấu. Với một thao tác đơn giản là cho nguyên liệu và bấm nút món ăn mình cần, người sử dụng không mất quá nhiều thời gian để nấu nướng. Ngoài ra, nồi nấu còn có bộ phận điều khiển kết nối với điện thoại thông minh hay máy tính bảng, do đó dù không ở nhà người sử dụng vẫn có thể điều khiển nồi nấu từ xa.
Thế nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng ăn cơm nhà và chủ động được thành phần dinh dưỡng, năng lượng cho chính mình. Khi đó tăng cân là vấn đề đáng lo ngại và chẳng phải ngẫu nhiên khi cô diễn viên trẻ Nabi Nhã Phương mong muốn: “Tương lai là sau những hôm đi quay phim vất vả, Phương vẫn có thể ăn thật nhiều những món mình thích mà không sợ tăng cân”.
Đâu là giải pháp cho vấn đề trên? Gợi ý về một ứng dụng kiểm tra thành phần dinh dưỡng được đưa ra. Ứng dụng cho phép người sử dụng dùng điện thoại để chụp hình và quét qua món ăn. Hình ảnh món ăn sẽ hiện lên dưới dạng hologram – một dạng ảnh phẳng hai chiều nhưng nhờ những hiệu ứng ánh sáng thích hợp mà bức ảnh nhìn như ảnh ba chiều, đồng thời thể hiện các thông tin dinh dưỡng kèm theo, gồm năng lượng cung cấp, lượng đường, đạm và chất béo cũng như nguyên liệu để chế biến món ăn. Ứng dụng cũng lưu lại chỉ số BMI (Body Mass Index) của cơ thể người sử dụng và lập tức đưa ra thông báo nếu người dùng ăn những món ăn cung cấp nhiều hơn lượng năng lượng cần thiết.
Dù sống trong thời đại nào thì ăn uống và hít thở vẫn là những nhu cầu thiết yếu của con người. Do vậy chẳng lạ khi bên cạnh các ý tưởng về ẩm thực, chúng ta bắt gặp những mối bận tâm, những mong ước về việc được hít thở trong một bầu không khí trong lành.
Một thành phố không khói bụi trong tương lai là điều mà Le Tung Giang mong ước. Ý tưởng của Giang rất thú vị khi bạn đặt vấn đề: “Ai cũng đeo khẩu trang khi ra đường. Thế có một chiếc khẩu trang nào đủ lớn để “đeo” cho cả thành phố không nhỉ? Hoặc một cỗ máy lọc không khí, một trái bom hơi nước. Sáng, chiều “bom” hai lần là tươi mát cả thành phố”.
Vậy tại sao ta không nghĩ về tương lai, khi thành phố được trang bị các máy lọc không khí thông minh lắp đặt vào các trụ đèn đường và đèn giao thông? Ngoài ra, máy lọc không khí còn có thể được lắp đặt tại các tòa nhà, trên các phương tiện giao thông, hay ngay tại mỗi ngôi nhà của cư dân, giúp đảm bảo một hệ thống khí trong lành và sạch sẽ cho tất cả mọi người.
Dĩ nhiên một thành phố hiện đại sẽ không thể thiếu cây xanh, thậm chí còn có thể phủ xanh toàn bộ các mái nhà với cây trái và hoa như mong ước của bạn Lê Đức Anh.
Và hẳn là khi đó, khẩu trang sẽ là một phần của lịch sử và các bạn gái có thể thoải mái ra đường với mặt trần mà không còn lo bụi bặm.
Trong bối cảnh trái đất ngày càng ấm dần lên, kéo theo biến đổi khí hậu và nhiều hậu quả đi kèm, rất nhiều bạn đã bày tỏ sự quan tâm của mình đối với những nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh để thay cho nguồn năng lượng phần lớn từ nhiên liệu hóa thạch mà chúng ta sử dụng ngày nay.
Bạn Bao Tran đưa ra ý tưởng về mọi thùng rác được đồng bộ hóa bằng mạng máy tính và tích hợp công nghệ phân loại rác thải, biến rác thải hữu cơ thành điện năng hoặc năng lượng sinh học để nạp cho điện thoại thông minh, máy tính xách tay và những thiết bị thông minh khác.
Còn bạn Tâm Nguyễn thì nghĩ đến những ngôi nhà sẽ sử dụng hoàn toàn năng lượng từ gió và năng lượng mặt trời, kèm theo đó là một hệ thống lọc nước ngay trong nhà giúp tận dụng những nguồn nước thải vẫn còn sạch. Phần nào đó tương tự Tâm Nguyễn, bạn Phong Nguyen mơ ước về một gia đình mà các thiết bị sẽ hoàn toàn sử dụng năng lượng mặt trời, đồ đạc trong nhà đều được kết nối Internet và được điều khiển tự động với máy tính chạy bằng năng lượng mặt trời; máy giặt không dùng xà phòng, tủ lạnh không dùng gas, ti vi có thể cuộn lại được…
Dù không muốn nhưng chắc chắn ta phải chấp nhận bệnh tật luôn là một phần của cuộc sống, nó hiển nhiên như chính quy luật sinh lão bệnh tử. Vậy nên có lẽ mọi người sẽ đồng tình với Huỳnh Chí Toàn khi bạn ấy mong ước: “Tương lai là chúng ta có một chiếc giường chữa được hầu hết các chứng bệnh”. Chiếc giường đó được hình dung ra sao? Đó sẽ là một chiếc giường có thể scan (quét) cơ thể của người sử dụng và phát hiện ra các chứng bệnh người đó đang mắc phải, thể hiện thông số dưới dạng hình ảnh ba chiều; đồng thời chiếc giường cũng sẽ được lắp đặt các máy móc và thiết bị hiện đại có thể chữa bệnh cho người sử dụng.
Bệnh tật mà được nằm trên chiếc giường như trên thì tốt quá. Nhưng chẳng may gặp tình huống bệnh nặng, phải cấp cứu nhưng nhà lại ở xa bệnh viện thì sao? Đừng lo, bởi khi đó chúng ta sẽ có xe bay cứu hộ nhỏ gọn, có thể bay với vận tốc cao, được trang bị đầy đủ thiết bị cứu hộ như điều mà bạn Huỳnh Phụng nghĩ đến.
Sẽ rất khó để liệt kê hết những mơ ước về một cuộc sống công nghệ trong tương lai. Nhìn chung tất cả đều mong muốn những ứng dụng công nghệ sẽ giúp cho cuộc sống của chúng ta tiện ích hơn, thoải mái hơn và sau cùng, mọi người sẽ hạnh phúc hơn. Nhưng khi công nghệ hiện diện mọi nơi trong cuộc sống, vạn vật được kết nối Internet (Internet of things) và kết nối với nhau, con người dễ bị nghiện vào mớ thông tin đa chiều, thật ảo lẫn lộn, liệu con người có còn đủ thời gian dành cho nhau? Có lẽ có chút băn khoăn về điều đó, cô gái Nguyễn Phương Uyên đưa ra một mong ước rất giản dị về sự giới hạn thời gian sử dụng mọi thiết bị công nghệ, để con người sẽ tốn ít thời gian vào công nghệ và dành thời gian cho nhau nhiều hơn.
Tất cả đều tốt cả đấy chứ? Vậy thì cứ hãy mơ đi, tiếc gì!