(SGTT) – Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, nhưng lại có tỷ lệ phục hồi ngành du lịch thấp nhất so với các nước trong khu vực. Nhằm góp phần tháo gỡ "nút thắt" đó, sáng nay, 10-3, tại hội thảo du lịch “Mở visa, phục hồi du lịch” do báo Thanh Niên tổ chức đã có nhiều đề xuất đáng chú ý về chính sách visa.
- Khách Việt có thể xin visa du lịch Đài Loan từ 13-10
- Bộ Công an nghiên cứu mở rộng danh sách cấp e-visa
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập báo Thanh Niên, cho biết thực tế nhiều nước trong khu vực và trên thế giới cũng đã chứng minh chính sách visa thông thoáng, cởi mở, thuận lợi là giải pháp hiệu quả để thu hút khách quốc tế.
Theo trang VisaGuide.World công bố cuối năm 2022, tỷ lệ phục hồi du lịch của Việt Nam chỉ 18,1%, trong khi các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore, Malaysia hay Campuchia đều đạt tỷ lệ từ 26 đến 31%.
Cũng vì lẽ đó, nhiều địa phương đã kiến nghị nới visa để thu hút du khách quốc tế, đơn cử như Kiên Giang. Để tạo chính sách kích cầu thu hút du khách quốc tế đến Phú Quốc nghỉ dưỡng, tạo điều kiện cho người nước ngoài có thêm thời gian ở lại Phú Quốc trải nghiệm các sản phẩm du lịch, UBND tỉnh Kiên Giang đang kiến nghị trung ương cho phép nâng thời gian miễn thị thực với thời gian tạm trú 6 tháng cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển. Trường hợp người nước ngoài đến Phú Quốc từ các cửa khẩu quốc tế khác trên lãnh thổ Việt Nam, lưu lại khu vực quá cảnh ở cửa khẩu đó, rồi chuyển tiếp đến Phú Quốc cũng được miễn thị thực.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, chia sẻ visa là yếu tố rất quan trọng và đầu tiên cần được giải quyết mà đã tồn tại lâu dài. Hiện có 13 quốc gia được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam và thời gian lưu trú quá ngắn. Để tháo gỡ nghẽn, chính phủ cần phải bắt đầu từ visa, mở thêm nhiều đường bay thẳng nữa. Nếu không đầu tư mở đường bay thẳng thì sẽ khó thu hút khách quốc tế.
Ông Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch, chia sẻ cần nới lỏng thời gian tạm trú đối với khách quốc tế từ 30 đến 45 ngày và ra vào Việt Nam nhiều lần; miễn visa cho toàn bộ các nước thành viên EU và Úc, New Zealand và các nước thuộc Liên Xô cũ… trong 5 năm để các doanh nghiệp an tâm đầu tư các chính sách thu hút khách.
Đặc biệt, ông Nam cho rằng cần miễn visa cho các đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam tham gia các sự kiện MICE, du lịch đánh golf (dựa trên danh sách của các đơn vị tổ chức sự kiện MICE, golf); miễn visa cho du khách và phi hành đoàn đến Việt Nam bằng máy bay riêng vì mục đích kinh doanh hoặc du lịch. Cần tạo điều kiện đối tượng siêu giàu vào để tăng doanh thu sân bay, khách sạn sang…
"Cần tăng số nước miễn visa đơn phương, Thái Lan đang miễn visa cho 68 quốc gia, Việt Nam có thể mở ngang Thái Lan, nâng thời gian lưu trú từ 15 ngày lên 30 - 45 ngày. Đặc biệt, cho du khách vào ra nhiều lần. Hiện khách ở tại Việt Nam, qua Singapore quay lại không được, vậy họ đi luôn", ông Nam nói.
Theo Tổ chức Du lịch thế giới và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, sự thuận lợi của việc cấp thị thực nhập cảnh có khả năng làm tăng lượng khách quốc tế từ 5 đến 25% mỗi năm.
Bà Trần Nguyện, Phó tổng giám đốc khối Sun Wolrd, tập đoàn Sun Group, chia sẻ chính sách visa là lợi thế cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực. “Tại sao chính sách visa tại một số nước Đông Nam Á họ nới thời gian lưu trú của khách quốc tế đến 45 ngày, thì sao chúng ta không làm được”, bà đặt câu hỏi. Theo đó, bà Nguyện kiến nghị chính visa cần kéo dài thời gian lưu trú của khách quốc tế, mở rộng danh sách các quốc gia được cấp e-visa và tạo điều kiện cho khách quốc tế xuất nhập cảnh ra vào nhiều lần.
"Nút thắt lớn nhất của ngành du lịch hiện nay là chính sách visa. Tưởng tượng khách đi qua 2 cửa hàng, 1 "ông" mở toang, còn 1 "ông" hé hé, không biết nếu vào mua có bị đuổi hay không thì chắc chắn người ta chọn bên mở toang rồi. Nói vậy để thấy visa là yếu tố đầu tiên để hút khách quốc tế đến", ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch hội đồng quản trị Vietravel khẳng định.
Dẫn câu chuyện Nga là nước yêu cầu xét duyệt visa rất khó khăn nhưng khi tổ chức World Cup, họ sẵn sàng chấp nhận xem tấm vé coi bóng đá với thị thực, ông Kỳ nhấn mạnh các nước sử dụng visa linh hoạt theo từng chủ đề, chủ điểm, từng thời điểm với mục tiêu phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh du lịch, hình ảnh quốc gia, không cứng nhắc theo nguyên tắc có đi có lại. Ông cho rằng, chúng ta cần chấp nhận các kiểu visa Quan Hồng như ở Đài Loan hoặc visa đoàn như Nhật Bản; thí điểm miễn visa tới 6 tháng cho một số thị trường trọng điểm...
Ông Trần Phú Cường, Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế, Tổng cục du lịch, cho rằng đối với thị thực điện tử cần mở rộng với tất cả các nước để đáp ứng nhu cầu của du khách. Cần nghiên cứu quy trình, áp dụng công nghệ để cải cách quá trình cấp visa giúp đẩy nhanh thời gian, đơn giản hóa thủ tục, đa dạng hình thức cấp visa nhằm hỗ trợ tối đa cho du khách quốc tế. Bên cạnh đó, ngoài chính sách visa, chúng ta cần nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam thông qua chất lượng sản phẩm du lịch.
Nguyên Phong