Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Mobile game, dòng vốn đang chảy ngược

THÁI HÀ -

Không ở đâu các trò chơi trên điện thoại di động (mobile game) lại phổ biến và sinh lời như tại châu Á. Và giờ các công ty ở châu Á đang mở rộng địa hạt sang nước Mỹ

 

Năm ngoái, các công ty Internet và sản xuất game lớn ở Nhật Bản và Trung Quốc đã đổ hàng trăm triệu đô la Mỹ đầu tư vào các công ty sản xuất mobile game ở Mỹ. Cụ thể, Tencent của Trung Quốc đầu tư 126 triệu đô la Mỹ vào Glu Mobile và 60 triệu đô la vào Pocket Gems. Alibaba của Trung Quốc đổ 120 triệu đô la vào Kabam. Sega, một công ty Nhật, đã mua phần lớn cổ phiếu của Demiurge Studios và Ignited Artists. Xu hướng đó vẫn tiếp tục khi vào tuần này SGN, một trong những hãng làm game mobile lớn nhất ở Mỹ, nhận khoản đầu tư 130 triệu đô la từ Netmarble Games của Hàn Quốc.

Chris De Wolfe, Tổng giám đốc SGN, cho biết trong hai năm gần đây, doanh thu của công ty tăng 300% mỗi năm.
Chris De Wolfe, Tổng giám đốc SGN, cho biết trong hai năm gần đây, doanh thu của công ty tăng 300% mỗi năm.

Dòng dịch chuyển vốn từ Đông sang Tây này bắt đầu vào năm 2010 và mức độ tăng đáng kể trong hai năm trở lại đây, khi các công ty game châu Á nhận thấy thị trường game ở Mỹ còn kém sôi động và họ hoàn toàn có thể kiếm lời từ thị trường này. Smartphone nổi lên và nhanh chóng trở thành công cụ chơi game phổ biến nhất. Người chơi game ở Nhật tiêu 6,1 tỉ đô la Mỹ năm 2014 vào mobile game, người chơi ở Trung Quốc tiêu 4,2 tỉ đô la, trong khi người chơi ở cả Bắc Mỹ chỉ tiêu 4,2 tỉ đô la, theo số liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường giải trí tương tác SuperData ở New York.

Tim Merel, Giám đốc vận hành của Digi-Capital, ngân hàng đầu tư chuyên sâu vào lĩnh vực game, nói các nhà phát triển game châu Á thường đi trước các nhà làm game phương Tây trong việc tìm ra cách kiếm tiền từ game. Thành công của hầu hết các mobile game là chơi miễn phí ở cấp độ cơ bản, và lấy mức phí khả chi ở cấp độ nâng cao.

Theo Joost van Dreunen, Tổng giám đốc SuperData, chỉ 10% doanh thu từ mobile game đến bên ngoài châu Á. Để lan tỏa thói quen tiêu dùng mobile game, các công ty châu Á phải đầu tư vào những studio sản xuất game nhỏ ở Mỹ và phương Tây. Còn các công ty game ở Mỹ muốn xâm nhập vào thị trường châu Á thì không cách nào tốt hơn là làm đối tác chiến lược với các công ty phát triển game ở châu Á.

Đó cũng là suy nghĩ của Chris De Wolfe, Tổng giám đốc SGN. Công ty này thành lập năm 2010, doanh thu năm nay vào khoảng 280 triệu đô la. Trong hai năm gần đây, doanh thu của công ty tăng 300% mỗi năm. Các game phổ biến SGN làm cho smartphone là Cookie Jam, Juice Jam, Panda Pop. De Wolfe, cựu Tổng giám đốc của mạng xã hội MySpace, cho biết 55% doanh thu của SGN đến từ Bắc Mỹ. Tiền đầu tư sẽ cho phép SGN thực hiện tham vọng phát triển ở các thị trường khác, trở thành một trong những công ty mobile game lớn nhất thế giới.

Netmarble Games giờ là cổ đông lớn nhất của SGN, họ nắm 35% thị trường ở Hàn Quốc và đang phát triển mạnh. Doanh thu của Netmarble năm 2014 là 580 triệu đô la và dự kiến đạt mốc 1 tỉ đô la năm nay. Netmarble thành lập chi nhánh ở Mỹ năm 2013 để bán game cho người Mỹ. Hợp đồng đối tác với SGN cho phép Netmarble mở rộng cửa hơn vào thị trường phương Tây và giúp SGN xâm nhập vào thị trường châu Á.

Khác SGN, một công ty châu Á thực hiện cách khác trên đường dịch chuyển Đông sang Tây bằng cách hiệu chỉnh game đang có của họ để thân thiện hơn với người Mỹ dưới sự tư vấn của các công ty Mỹ.

Legend Gaming, công ty ở San Francisco đã giúp vài công ty Trung Quốc mang mobile game tới Mỹ. “Không chỉ dịch ngôn ngữ đơn thuần, mà còn hiệu chỉnh cả mỹ thuật, thay đổi giao diện”, Tổng giám đốc Baruch Levy của Legend nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối