Thứ bảy, Tháng Một 11, 2025

Mới ra trường, lương bao nhiêu phù hợp?

Ngọc Ánh -

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa công bố trên web của mình (www.hust.edu.vn) kết quả cuộc khảo sát về việc làm của sinh viên sau sáu tháng tốt nghiệp. Việc này đã gây sự chú ý không nhỏ cho cả các bạn sinh viên sắp rời trường và cả những học sinh đang lựa chọn ngành học khi kỳ tuyển sinh đại học đang đến gần.

Cuộc khảo sát này được Phòng Công tác chính trị và Công tác sinh viên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 12-2016 đến tháng 1-2017. Theo kết quả khảo sát, 91% số sinh viên của trường có việc làm, 4% lựa chọn đi học tiếp và chỉ 5% số sinh viên của ngôi trường đại học kỹ thuật này chưa có việc làm sau sáu tháng tốt nghiệp.

Lương và ngành nghề

20

Theo cuộc khảo sát của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, mức lương trung bình của các sinh viên sau khi ra trường là 8,2 triệu đồng. Phổ lương khá rộng, từ 3 triệu cho tới 60 triệu đồng mỗi tháng, trong đó, mức 3 triệu đồng là lương của nhân sự làm việc tại các cơ quan nhà nước hay các viện nghiên cứu, còn mức 60 triệu đồng là của các cựu sinh viên trường tại các công ty nước ngoài.

Cuộc khảo sát cũng ghi nhận một tỷ lệ khá cao các sinh viên làm đúng chuyên ngành được đào tạo, với 91%.

Về phân bố việc làm, các sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội chủ yếu làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân và công ty 100% vốn nước ngoài, với các tỷ lệ tương ứng lần lượt là 42% và 28%. Cũng theo kết quả khảo sát, số sinh viên làm việc tại các tập đoàn kinh tế là 9%, cơ quan hành chính nhà nước là 8%, viện nghiên cứu là 6%, tự thành lập doanh nghiệp là 4%, các trường đại học-cao đẳng là 2% và 1% còn lại là những nơi khác.

Vào cuối năm ngoái, trang web về tuyển dụng nhân sự trực tuyến JobStreet.com cũng đã công bố bản Báo cáo lương 2016 cho thị trường nhân sự Việt Nam. Theo đó, sinh viên mới ra trường có lương trung bình từ 2,8 triệu đến 8,4 triệu đồng mỗi tháng. Cao nhất là việc làm trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, dịch vụ thuế cho ngành luật, với mức lương trung bình là 8,4 triệu đồng mỗi tháng. Kế tiếp là những nhân sự mới ra trường đi làm trong lĩnh vực thiết kế, sáng tạo cho ngành ô tô, phụ tùng ô tô và phương tiện cơ giới. Xếp thứ ba trong danh sách là làm về giáo dục trong lĩnh vực quan hệ công chúng-truyền thông.

Theo các nhà tuyển dụng, tình trạng sinh viên mới tốt nghiệp không có việc làm là do thiếu kỹ năng nhưng yêu cầu cao về lương bổng. Một cuộc khảo sát với hơn 1.200 sinh viên mới tốt nghiệp của JobStreet, cho thấy gần 75% ứng cử viên xác định mức lương là yếu tố quan trọng khi họ đọc mẩu tin tuyển dụng. Yêu cầu về việc làm và địa điểm làm việc là hai yếu tố tiếp theo được nhóm ứng cử viên này quan tâm.

Bà Dương Thị Ngọc Hải, Giám đốc tiếp thị của JobStreet Việt Nam, nói rằng hiện tại, có thể các sinh viên mới ra trường đang được trả mức lương thấp hơn mặt bằng chung của thị trường. Nhưng họ có rất nhiều cơ hội để định hướng phát triển nghề nghiệp theo cách họ muốn. Theo bà Hải, khoảng thời gian ngay sau khi tốt nghiệp, các sinh viên nên chú trọng việc học hỏi, đa dạng hóa những kỹ năng (cứng và mềm) của bản thân, hơn là hướng ngay đến một vị trí được trả lương cao.

[box] Từ năm 2017, những vấn đề liên quan đến tiền lương có nhiều thay đổi so với năm 2016, trong đó có tiền lương của sinh viên mới ra trường. Các mức lương mới này sẽ thực hiện từ ngày 1-7.

Theo đó, sinh viên mới ra trường làm việc cho doanh nghiệp, lương cơ bản sẽ phụ thuộc vào vùng: Vùng I: 4.012.500 đồng/tháng; Vùng II: 3.552.400 đồng/tháng; Vùng III: 3.103.000 đồng/tháng; Vùng IV: 2.760.600 đồng/tháng.

Đối với trường hợp làm việc cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp:

- Từ ngày 1-1-2017 đến 30-6-2017 là 2.831.400 đồng/tháng đối với sinh viên tốt nghiệp đại học và 2.541.000 đồng/tháng đối với sinh viên tốt nghiệp cao đẳng.

- Từ ngày 1-7-2017 trở đi là 3.042.000 đồng/tháng đối với sinh viên tốt nghiệp đại học và 2.730.000 đồng/tháng đối với sinh viên tốt nghiệp cao đẳng.[/box]

Cần khắc phục những điểm hạn chế

Trên thực tế, nhiều nhà tuyển dụng vẫn than phiền rằng những hồ sơ thuộc các ngành nghề “nóng” trong xã hội hiện nay thường không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, cũng như mức lương mong muốn thường không phù hợp với thị trường, đặc biệt với nhóm ứng cử viên là các sinh viên mới ra trường.

Dù chưa có nhiều kinh nghiệm, cũng chưa trải qua những thực tiễn cần thiết, nhiều bạn trẻ lại đưa ra những yêu cầu quá cao về mức lương lẫn chế độ đãi ngộ nơi tổ chức, doanh nghiệp họ vào làm việc. Mức lương, môi trường làm việc, cơ hội phát triển... là những lý do khiến các nhân sự mới toanh này ra đi, bỏ lại sau lưng sự khó hiểu của các nhà tuyển dụng. Nhiều người trẻ nhảy việc còn vì sở thích, muốn chứng tỏ và thử nghiệm năng lực của bản thân thay vì mục tiêu ổn định và mang tính lâu dài.

Tuy nhiên, đối với các nhà tuyển dụng, “nhảy việc” là một điểm trừ khi họ xem xét hồ sơ của các ứng cử viên, đặc biệt là với các sinh viên mới ra trường. Chưa có nhiều kinh nghiệm, nhiều thời gian để khẳng định bản thân, chuyện “nhảy việc” của ứng cử viên thường tạo một ấn tượng xấu cho các nhà tuyển dụng. Nhiều công ty thậm chí còn ngại ngần nhận hồ sơ xin việc của sinh viên vừa ra trường. Với họ, nhóm nhân sự trẻ tuổi đời, non tuổi nghề này khó thuyết phục niềm tin về “lòng chung thủy” của họ mặc dù khi được phỏng vấn, ai cũng cố cho các nhà tuyển dụng thấy niềm nhiệt huyết công việc và lòng quyết tâm được gắn bó, cống hiến dài lâu với tổ chức, cơ quan và doanh nghiệp. Thế nhưng, sau một thời gian học hỏi và được đào tạo trong thực tiễn công việc, được tin tưởng để trở thành nhân viên chính thức, các bạn trẻ đã vội vàng ra đi. Vì vậy, không ít doanh nghiệp đưa ra yêu cầu chỉ nhận những ứng cửa viên có từ vài năm kinh nghiệm trở lên, và điều này đã gây ra khó khăn trở lại cho lớp lao động trẻ vừa ra trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối