Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Mối tình với cây đàn môi

Mỹ Trần -

Vóc dáng nhỏ nhắn, gương mặt hiền lành và hồn nhiên, chàng trai tài năng về đàn môi Đặng Văn Khai Nguyên khiến bất cứ ai yêu nhạc cụ dân tộc này cũng phải thán phục tài năng chơi đàn môi điêu luyện và những cống hiến đáng kể của anh cho sự bảo tồn, phục hồi và phát triển loại hình nghệ thuật dân gian vốn đang mai một dần.

Lương duyên

Đặng Văn Khai Nguyên sinh năm 1991 tại Đồng Nai trong một gia đình không có truyền thống theo nghệ thuật. Vào năm 15 tuổi khi đang xem một chương trình truyền hình, Nguyên đã có ấn tượng mạnh với màn biểu diễn đàn môi của nghệ nhân Huỳnh Đức Minh, người mà bây giờ Nguyên gọi là sư huynh. Tuy nhiên, do không có cơ hội tiếp cận với môn nghệ thuật đó, Nguyên cũng lãng quên. Cho đến năm 2010, trên một chương trình truyền hình, Nguyên lại tình cờ xem được màn trình diễn hát song thanh của GS.TS. Trần Quang Hải – được xem là người Việt Nam duy nhất nghiên cứu về đàn môi, nên ngoài danh xưng “vua muỗng”, ông còn được xem như “vua đàn môi” của Việt Nam. Nguyên bắt đầu lên mạng tìm hiểu về giáo sư Hải và xem những video clip của giáo sư chơi đàn môi.

Đàn môi Việt Nam của dân tộc H’Mông.
Đàn môi Việt Nam của dân tộc H’Mông.
Đàn môi (Morchang) của người Ấn Độ.
Đàn môi (Morchang) của người Ấn Độ.
Đàn môi (Dramlar) của người Hungary.
Đàn môi (Dramlar) của người Hungary.
Đàn môi (Kuphilao) của người Philippines.
Đàn môi (Kuphilao) của người Philippines.
Đàn môi (lubu) ở Đài Loan.
Đàn môi (lubu) ở Đài Loan.
Nghệ nhân đàn môi trẻ tuổi Đặng Văn Khai Nguyên đang nói về đàn môi cho một vị khách.
Nghệ nhân đàn môi trẻ tuổi Đặng Văn Khai Nguyên đang nói về đàn môi cho một vị khách.
Đàn môi (Khonus) của người Nga.
Đàn môi (Khonus) của người Nga.
Đàn môi (Karinding) của người Indonesia.
Đàn môi (Karinding) của người Indonesia.
 Nghệ nhân đàn môi trẻ tuổi Đặng Văn Khai Nguyên đang chơi một loại đàn môi.

Nghệ nhân đàn môi trẻ tuổi Đặng Văn Khai Nguyên đang chơi một loại đàn môi.

Đi khắp Đồng Nai, không mua được cây đàn môi nào, lên Sài Gòn, Nguyên mua được hai cây và say sưa luyện tập từ thông tin trên mạng và các video clip của các nghệ sĩ đàn môi trên thế giới. Sau nửa năm, khi đã khá tự tin với khả năng chơi đàn môi của mình, Nguyên quyết định viết thư cho giáo sư Hải và bày tỏ niềm đam mê của mình với ông. Nguyên còn quay clip mình chơi đàn môi cho giáo sư xem và đánh giá. Đáp lại sự hứng khởi và đam mê của Nguyên, giáo sư Hải nhận thấy đây là một tài năng hiếm có và đã nhận Nguyên làm học trò, thường xuyên gửi nhiều tài liệu, video clip về đàn môi; hướng dẫn Nguyên tập theo đúng tiết tấu, cao độ, âm sắc.

“Đàn môi không chơi theo giai điệu mà chơi theo cảm xúc, nhịp điệu của tâm hồn và cái ngẫu hứng của người nghệ sĩ. Chính vì vậy mà người đồng bào H’Mông dùng đàn môi để tỏ tình với người họ yêu”, Nguyên tâm sự. Với năng khiếu bẩm sinh cùng với sự siêng năng nghiên cứu và luyện tập một thời gian, Nguyên đã thành thạo nhiều kỹ năng chơi các loại đàn môi của những dân tộc trên thế giới.

Nguyên trăn trở về nghịch lý khi tìm tài liệu về đàn môi, hầu như không có tài liệu trong nước mà chỉ của nước ngoài viết bằng tiếng Pháp và tiếng Anh. Cũng vậy, các video clip trên mạng chia sẻ video YouTube cũng chủ yếu được quay lại bởi các nghệ nhân nước ngoài. Và, thậm chí trang web nổi tiếng về đàn môi của thế giới tại Đức cũng tên là danmoi.com. “Chính vì thế bây giờ tôi tập trung nghiên cứu về đàn môi. Tôi thường có những chuyến đi thực tế đến các vùng miền có những nghệ nhân chơi và làm đàn môi để tìm hiểu, thu thập vật mẫu và quay video clip để chia sẻ cho các bạn trên mạng cùng với những kiến thức, kỹ năng chơi đàn và văn hóa đàn môi vùng miền” – Nguyên bày tỏ – Tiếng đàn môi trầm, ấm, tạo ra một thứ âm thanh rất lạ và hấp dẫn. “Sẽ thật buồn khi không còn người chơi ở Việt Nam và thật buồn nếu môn nghệ thuật này chết đi”.

Nhờ vào khả năng chơi đàn môi cũng như những cống hiến của Nguyên cho loại hình nghệ thuật này, vào giữa năm năm 2014, qua lời giới thiệu của giáo sư Hải, Nguyên đã được kết nạp vào Hiệp hội Đàn môi thế giới (IJSH), trở thành người Việt Nam thứ hai, sau giáo sư Hải, gia nhập vào hiệp hội này.

Chỉ có thể là đam mê

Không chỉ biết chơi và nghiên cứu đàn môi, Nguyên còn có đam mê sưu tầm bộ đàn môi. Hiện nay, chàng trai này đã sưu tầm được khoảng 600 loại đàn môi của 26 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Anh, Áo, Hungary, Slovakia, Estonia, Na Uy, Thụy Điển, Ý…

“Nhờ có đàn môi, tôi có những người bạn cùng sở thích trên khắp thế giới. Họ chủ yếu là thành viên của IJSH. Qua trao đổi, tôi gửi họ đàn môi Việt Nam, rồi họ gửi đàn môi dân tộc họ cho tôi, nhờ vậy mà tôi sưu tập được loại đàn này” – Nguyên tâm sự – “Chúng tôi thường xuyên trao đổi kiến thức, kỹ năng và các biến tấu sao cho kỹ thuật, âm thanh hay hơn”.

Ngoài chiếc đàn môi dân gian bằng đồng của người H’Mông trên vùng Tây Bắc, nơi Nguyên đã nhiều lần đi thực tế, Nguyên còn tự làm chiếc đàn môi cho mình với một chất liệu rất Việt Nam – đàn môi tre. Sau khi ra mắt chiếc đàn này, nhiều nghệ sĩ của IJSH đã xem đây là chiếc đàn môi hay nhất. Hiện bảo tàng đàn môi của Nga đang liên hệ với Nguyên để có được chiếc đàn môi tre bổ sung vào bộ sưu tập của họ.

Nguyên còn sáng tạo ra những cây đàn môi độc đáo với 2, 3, 4 lưỡi; đàn môi hai đầu. Và, những cây đàn môi tre do Khai Nguyên chế tác hiện đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Argentina, Nepal, Ấn Độ, Bangladesh…

Ngoài việc thường xuyên một mình đi thực tế đến những vùng sâu vùng xa, nơi sinh sống của các đồng bào dân tộc thiểu số để cung cấp thêm tư liệu cho những người quan tâm đàn môi trên trang Facebook của mình, Nguyên còn dạy cho khoảng 20 đứa trẻ trong xóm. Nguyên nói: “Tôi đã học trực tuyến với thầy Hải ba năm và tôi nghĩ giáo án của thầy là giáo án hay. Vì thế tôi cũng dùng cách đó để hướng dẫn cho bất cứ ai quan tâm đến đàn môi trên trang Facebook của mình”.

Đệ tử chân truyền

Sau một thời gian dài học online khi giáo sư Hải ở Pháp, mãi đến tháng 5-2014, trong buổi tọa đàm định kỳ 7 tại nhà GS.TS. Trần Văn Khê, Nguyên mới có dịp được gặp người thầy đáng kính của mình: GS.TS. Trần Quang Hải (con GS.TS. Trần Văn Khê). Cũng chính tại buổi tọa đàm đó, Nguyên ra mắt công chúng với tư cách là nghệ nhân chơi đàn môi và nghiên cứu đàn môi.

Tự hào về “đệ tử chân truyền” của mình, giáo sư Hải cho rằng: “Học trò của tôi Đặng Văn Khai Nguyên, cậu đó rất giỏi, giỏi hơn tôi nhiều lắm, không những biết đánh đàn môi mà còn biết chế đàn môi và biết dạy đàn môi nữa. Đó là một tài năng hiếm có”.

Trong tương lai, Nguyên bày tỏ mong ước muốn thực hiện một tài liệu mang tính chuyên môn về các loại đàn môi có ở Việt Nam, vì một phần hiện nay không có tài liệu nghiên cứu đàn môi nào của Việt Nam cũng như việc bảo tồn giữ gìn loại nhạc cụ có nguy cơ thất truyền này.

“Đã có những chuyến đi công cốc, không tìm được nghệ nhân và vật mẫu nhưng tôi không nản và cũng sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Cứ tiến tới, tôi tin một ngày đàn môi Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn”, Nguyên tâm sự.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối