Hoàng Thám -
Hàng năm, thường từ tháng 7 Âm lịch, nước lũ ở thượng nguồn sông Mê Kông bắt đầu tràn về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Có năm nước lớn nhiều, có năm nước ít. Nước ngập mênh mông ruộng vườn, đồng bãi. Người đồng bằng bắt đầu tham gia một số sinh hoạt mưu sinh như đánh bắt cá, săn chuột đồng, rắn nước, hái bông súng, bông điên điển... Những sản vật mùa nước nổi này được chế biến thành nhiều món ăn đặc trưng của vùng.
Lẩu mắm: tập hợp nhiều sản vật
ĐBSCL là xứ sở của cá đồng. Mùa nước lên người dân nơi đây thu hoạch rất nhiều cá. Cá tươi sử dụng không hết nên người ta phải làm mắm, ấy là cách dự trữ và bảo quản nguồn thực phẩm dồi dào này. Từ mắm người ta chế biến ra nhiều món ăn đặc sắc, trong đó có lẩu mắm.
Đầu tiên, nguyên liệu cơ bản cho món lẩu mắm là mắm cá lóc, cá sặt, hay cá rô, cá linh, cá trèn. Chúng được dùng để nấu nước lẩu. Mắm ngon được cho vào nồi đun sôi liu riu với nước, sau đó lược lại, chỉ lấy nước, bỏ xương và cặn. Nước lẩu mắm lại được nấu sôi lên, bỏ sả bằm, sả cắt khúc, nêm nếm chút đường, bột ngọt.
Lẩu mắm gần như dung nạp hầu hết các loại “mồi” đồng như cá ngát, cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặt, cá chạch, lươn, ốc, tép, cá lòng tong, cá linh… Rau, ghém ăn lẩu mắm rất phong phú như khổ qua, đậu bắp, bông súng, cải xanh, rau muống, mồng tơi, cù nèo, rau nhút, bắp chuối, giá sống, tần ô, rau trai, đọt choại… Đặc biệt, đầu mùa nước nổi còn có bông điên điển là một loại rau rất đặc trưng, chỉ có ở ĐBSCL. Nhúng mồi và rau vào nồi lẩu mắm sôi liu riu, ăn với bún hoặc cơm.
Ốc bươu: dễ tìm
Ốc bươu luộc sả.
Ốc bươu luộc sả cũng là một món ăn thú vị, lại dễ tìm kiếm nhất nơi thôn dã. Bạn về ĐBSCL chơi có thể tháp tùng cùng người dân nơi này ra mương vườn, ao, vũng, mé ruộng nước, mò hoặc vớt chừng hơn tiếng đồng hồ sẽ kiếm được vài ký ốc tươi một cách nhẹ nhàng. Ốc bươu bắt được đem ngâm nước vo cơm chừng tiếng đồng hồ cho nó nhả nhớt; muốn nhanh hơn có thể ngâm ốc với nước ấm pha chút dấm chua.
Bạn bắc nồi nước lên, nấu vừa sôi, bớt lửa, rồi cho ốc đã rửa sạch vô nồi cùng với lá sả, lá ổi, đậy nắp chặt và xóc nhẹ vài cái cho đều. Khoảng mười phút sau mở nắp ra thăm, nếu thấy ốc đã hé mày là sử dụng được. Mùi thơm của lá sả, lá ổi, lá bưởi xông lên ngào ngạt sẽ cho bạn cảm giác thèm ăn. Cuối cùng, bạn pha chế món nước chấm với nguyên liệu là cơm mẻ, ớt hiểm, muối, đường, bột ngọt. Thế là đã có một món ăn đậm đà hương vị miền quê. Ốc bươu lể (nhể) ra chấm cơm mẻ, mềm mềm, giòn giòn, cay cay, beo béo, ngòn ngọt… Nếu nhâm nhi thêm vài cốc rượu thì thật tuyệt!
Ốc bươu còn được chế biến trong nhiều món khác như hấp hèm, nướng tiêu, hấp gừng, luộc sả, gỏi ốc trộn bắp chuối, rau răm… Các món này đã đi vào nhiều nhà hàng đặc sản hay cả các quán bình dân. Đây là những món ngon, rẻ, nhiều dinh dưỡng, lại không ô nhiễm.
Rắn: đặc sản của thời khẩn hoang
Ở ĐBSCL vào mùa nước nổi, trên những cánh đồng người ta bắt được rất nhiều rắn trun. Đây là một loại rắn nước, thường sống ở rừng, đầm, lung, ao, hồ, ruộng ngập nước.
Rắn trun dài khoảng 40-60 cm, con nhỏ mình tròn bằng ngón tay út, con lớn có thể to cỡ ngón chân cái người lớn, lưng đen bóng, đầu nhỏ dẹt.
Rắn trun được khoanh tròn cho vào gắp tre hoặc vỉ, nướng trên lửa than hồng, trở đều độ chừng non 10 phút, thấy da rắn phù lên rồi nứt bung, ấy là rắn đã chín tới. Mở kẹp ra, để rắn trên lá chuối xanh cho thịt rắn hút hơi nước dịu lại. Bẻ rắn thành khúc, chấm muối ớt ăn kèm với rau răm, diếp cá rất hấp dẫn.
Về những tỉnh có đồng, rừng, còn hoang dã như U Minh, Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên... du khách sẽ có dịp thưởng thức nhiều sản vật đặc trưng của ĐBSCL. Ngoài rắn trun nướng lèo, khách còn có thể “đưa cay” với rắn bông súng nướng mọi, rắn hổ hành nấu cháo đậu xanh, cua đinh nướng mật ong, ba ba nấu mẻ...
Rắn trun, rắn bông súng, rắn hổ hành hay con ba ba… không nằm trong danh sách các động vật hoang dã bị cấm nên du khách có thể được thưởng thức thoải mái ở những nhà hàng đặc sản, kể cả một số quán bình dân có ở khắp ĐBSCL.