Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Mòn mỏi chờ cấp giấy tờ nhà đất

MẠNH TÙNG -

Nhiều người dân có nhu cầu chuyển đổi, cấp mới giấy tờ nhà đất đang gặp tình cảnh chờ đợi mòn mỏi ngay cả khi hồ sơ đã nộp đầy đủ theo yêu cầu. Nguyên nhân là số lượng hồ sơ quá nhiều lại tập trung về một đầu mối, giống như tình trạng xe cộ bị ùn ứ khi gặp nút thắt cổ chai.

Hơn ba tháng vẫn chưa xong

Ông Lê Thành Liêm, ngụ ấp Đồng Tranh, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TPHCM có một khu đất nông nghiệp rộng 6.500 m². Tháng 6-2015, ông có làm hồ sơ xin tách khu đất trên làm ba thửa đất, rộng lần lượt là 1.000 m², 2.000 m² và 3.500 m² . Ngày 20-6, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Cần Giờ đã đo vẽ và hoàn thành ba bản trích đo địa chính của ba thửa đất trên, đồng thời ngày 22-6 đã xuất phiếu thu hợp đồng đo đạc cho ba bản vẽ này. Ngày 23-6, UBND xã Long Hòa đã nhận đầy đủ hồ sơ tách thửa của ông Liêm và ra phiếu hẹn vào ngày 8-7 đến nhận lại hồ sơ được giải quyết.

Ông Liêm cho hay, đến tận đầu tháng 9, tức sau hai tháng được hẹn, ông đã nhiều lần liên hệ với xã và được trả lời là hồ sơ đang ở trên huyện và hiện vẫn chưa nhận được kết quả.

Đã hơn hai tháng kể từ ngày được hẹn, đến nay ông Lê Thành Liêm vẫn chưa nhận được kết quả xin tách thửa, dù hồ sơ của ông đã đầy đủ.
Đã hơn hai tháng kể từ ngày được hẹn, đến nay ông Lê Thành Liêm vẫn chưa nhận được kết quả xin tách thửa, dù hồ sơ của ông đã đầy đủ.

Băn khoăn về hồ sơ bị tắc, ông Liêm đã làm đơn hỏi Sở Tư pháp TPHCM về trường hợp của mình. Ngày 18-9, Sở Tư pháp đã có công văn đề nghị UBND xã Long Hòa, huyện Cần Giờ kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh, trong đó xác định cụ thể lý do giải quyết hồ sơ trễ hạn là do phía cơ quan nhà nước hay phía người dân. Ngày 25-9, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cũng có công văn đốc thúc UBND xã Long Hòa thực hiện các nội dung mà Sở Tư pháp thành phố yêu cầu.

Theo ông Liêm cũng như một số người có hồ sơ tách thửa bị ách tắc tương tự, sự chậm trễ có thể đã xảy ra sau khi có sự thay đổi quy trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký cấp mới giấy chứng nhận nhà đất. Trước đây, quy trình này được thực hiện tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc quận, huyện – cụ thể ở đây là huyện Cần Giờ. Nhưng nay, văn phòng này đã trở thành một chi nhánh của Văn phòng đăng ký đất đai thành phố. Sự chuyển đổi này bắt đầu từ ngày 1-7 khi thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thành phố, một đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM. Theo đó, đơn vị này được thành lập dựa trên cơ sở hợp nhất Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố và các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc phòng tài nguyên và môi trường của 24 quận, huyện.

Đến chiều ngày 29-9, ông Liêm vẫn chưa nhận được kết quả chính thức từ xã Long Hòa cũng như chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Cần Giờ. Cùng thời điểm này, Văn phòng đăng ký đất đai thành phố cũng xác nhận là chưa nhận được hồ sơ của ông Liêm được chi nhánh Cần Giờ chuyển lên. “Tôi không quan tâm hồ sơ của mình đang ở cơ quan nào mà chỉ cần biết là bao giờ mới nhận được kết quả chính thức”, ông Liêm cho hay.

Theo tìm hiểu, tại huyện Cần Giờ, còn nhiều trường hợp ách tắc hồ sơ xin tách thửa tương tự như ông Liêm. Như trường hợp ông N., 80 tuổi, đang điều trị ở Bệnh viện huyện Cần Giờ, ông cho biết cũng chưa nhận được kết quả xin tách thửa đất cho con dù ông đã nộp hồ sơ từ tháng 7. Ông N. nói sức khỏe của ông đang rất yếu, sợ không đủ thời gian để làm sổ cho từng thửa đất cho các con, tránh việc con cái tranh chấp về sau nếu chẳng may ông qua đời.

[box] Tổ chức, cá nhân muốn được hỗ trợ thông tin để giải quyết kịp thời các vướng mắc trong giai đoạn chuyển tiếp hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai thành phố có thể gọi đến đường dây nóng: (08) 35515736[/box]

Tình trạng ùn tắc “nút thắt cổ chai”

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Th vào chiều 29-9, một cán bộ của Văn phòng đăng ký đất đai TPHCM cho biết việc hợp nhất này nhằm cải cách, rút ngắn và bãi bỏ một số thủ tục hành chính trong thực hiện công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận so với văn phòng đăng ký hai cấp, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai đầy đủ, đồng bộ. Nếu như trước đây, những trường hợp đăng ký biến động về nhà đất – đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất – phát sinh việc cấp đổi chủ quyền, tách thửa… sẽ do UBND quận, huyện giải quyết thì từ ngày 1-7 sắp tới sẽ do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp.

Cụ thể, các cá nhân vẫn nộp hồ sơ nhà đất tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai của quận, huyện (vốn là văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc phòng tài nguyên và môi trường các quận, huyện trước đây). Riêng với các tổ chức sẽ nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai thành phố.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau gần ba tháng tập trung việc đăng ký biến động đất đai và cấp giấy chứng nhận về một mối như trên đã xảy ra tình trạng trễ hẹn trả hồ sơ nhiều ngày, thậm chí cả tháng khiến người dân bức xúc. Ông T. ngụ quận Bình Tân cho hay ông đã nộp hồ sơ cấp mới giấy chứng nhận từ giữa tháng 8 đến nay vẫn chưa nhận được kết quả. Ông T. có lên Phòng Tài nguyên và Môi trường và UBND quận để hỏi nhưng các cơ quan này cũng chỉ trả lời là chờ kết quả từ văn phòng ở Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố.

Hồi giữa tháng 9, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã có cuộc họp giao ban với 24 chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai của 24 quận, huyện để bàn các biện pháp giải quyết ách tắc hồ sơ. Theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì người dân được chọn một trong hai: hoặc đăng ký cập nhật biến động nhà đất trên giấy chứng nhận, hoặc được cấp mới. Song, hầu hết các hộ gia đình tại TPHCM đều chọn hình thức cấp mới giấy chứng nhận khiến khối lượng hồ sơ cần giải quyết phải chuyển lên Văn phòng đăng ký đất đai thành phố tăng đáng kể.

Được biết, mỗi tháng, Văn phòng đăng ký đất đai thành phố nhận khoảng 9.000 hồ sơ xin cấp đổi giấy chứng nhận và các hồ sơ này phải trình lên lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường ký.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối