Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Món ngon lành mạnh: bún gạo lứt riêu cua

(SGTTO) - Với phiên bản Món ngon lành mạnh, món bún riêu cua quen thuộc sẽ được thay thế bằng bún gạo lứt và đặc biệt là cách nấu nước dùng và chả cua đơn giản mà vẫn ngon miệng. 

Theo Đông y, cua đồng có vị mặn, mùi tanh, tính lạnh, có tác dụng tán huyết, bổ gân cốt, khớp xương. Trong 100g thịt cua đồng (đã bỏ vỏ) có khoảng 87 calo, cung cấp khoảng 12,9g chất đạm, 120mg canxi, phốt pho và nhiều khoáng chất thiết yếu. Gạo lứt được xem là loại thực phẩm "vàng" trong các loại tinh bột ăn kiêng. Đây là loại gạo nguyên cám, hàm lượng chất xơ cao, giúp no lâu. Hàm lượng mangan trong gạo lứt khá cao, giúp hỗ trợ quá trình tổng hợp và chuyển hóa chất béo, điều hòa đường huyết, rất phù hợp cho những người gặp vấn đề về cân nặng hay mắc bệnh tim mạch, tiểu đường. Tuy nhiên gạo lứt khi chế biến cũng mất khá nhiều thời gian để hạt cơm chín mềm, dễ ăn.

Vì vậy, các chế phẩm từ gạo lứt như: bún khô gạo lứt, cơm cháy gạo lứt, bánh gạo lứt, trà gạo, bột ngũ cốc gạo lứt... đã được công nghiệp hóa, chế biến sẵn để dễ sử dụng hơn. Trong đó, bún gạo lứt khô là sản phẩm dễ sử dụng để đổi bữa, thay cơm tẻ mà vẫn đảm bảo lượng tinh bột tốt nạp vào cơ thể.

Bún riêu cua có thể ăn vào bất cứ bữa ăn nào trong ngày. Nhưng bún riêu ở các hàng quán thường có nhiều màu thực phẩm, đường và dầu mỡ. Nhiều nơi sử dụng cua đông lạnh hoặc hỗn hợp các loại cua, ghẹ không tươi để xay cùng, khử mùi bằng các loại gia vị nên thực khách khó lòng nhận biết. Nếu việc tìm được quán ăn bún riêu đáp ứng tiêu chí sạch sẽ quá khó, bạn có thể thử nấu bún riêu cua tại nhà theo công thức Món Ngon Lành Mạnh của Sài Gòn Tiếp Thị Online.

Nguyên liệu

  • 350g cua xay
  • 200g Bún gạo lứt khô
  • Đậu hũ chiên, hành tím, hành lá
  • Trứng gà
  • Cà chua
  • Rau ăn kèm: tía tô, rau húng, bắp chuối bào sợi
  • Gia vị: nước mắm, hạt nêm, muối, dầu oliu

Thay thế màu điều bằng màu tự nhiên từ chua xào với dầu ô liu sẽ giúp món ăn giảm lượng chất béo xấu, gia vị công nghiệp.

Cách làm

  • Bước 1: Lọc cua xay qua rây với 1 lít nước.
  • Bước 2: Sau khi lọc cua, cho nồi nước cua lên bếp, vặn lửa vừa, khuấy liên tục để thịt cua không bị xém dưới đáy nồi. Khuấy đến khi hỗn hợp nóng già, thịt cua bắt đầu nổi lên thì ngưng khuấy. Vớt riêu cua ra chén nhỏ để làm chả cua.
  • Bước 3: Làm chả cua: để riêu nguội bớt, cho 1 quả trứng gà vào, bằm nhuyễn hành tím rồi thêm vào hỗn hợp, tạo mùi thơm. Trứng sẽ giúp riêu cua kết dính, đóng bánh thành chả cua.
  • Bước 4: Nêm chả cua với 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê tiêu xay, chút muối, trộn đều. Cho hỗn hợp chả cua vào hấp cách thủy khoảng 15 phút. Kiểm tra chả chín bằng cách xăm tăm tre, nếu tăm không còn dính hỗn hợp thì chả cua đã chín. Lưu ý: Bạn cũng có thể cho thêm thịt xay để chả cua chắc và tăng hương vị.
  • Bước 5: Cắt múi cau 1 quả cà chua, 2 quả còn lại cắt hạt lựu. Hành lá cắt nhỏ.
  • Bước 6: Xào cà chua đã cắt hạt lựu với chút muối cho thật nhừ, tạo màu cho nước dùng. Bạn có thể cho thêm chút nước lọc để cà mau nhừ hơn. Vừa xào vừa dùng sạn dằm cà để hỗn hợp nhuyễn mịn.
  • Bước 7: Bắc lại nồi nước cua lên bếp, thêm khoảng 300ml nước lọc, trút cà chua đã xào nhừ vào, nêm nếm theo khẩu vị với muối, hạt nêm.
  • Bước 8: Đợi nước dùng sôi lại 2 – 3 phút thì nêm vào 1 muỗng canh nước mắm để dậy mùi thơm. Tiếp tục cho phần cà chua cắt múi cau còn lại vào nồi, thêm đậu hũ chiên, nêm nếm lại lần nữa.
  • Bước 9: Luộc chín bún gạo lứt, xếp ra tô, chả cua đem cắt miếng, xếp lên trên, rắc hành lá rồi chan nước dùng.

Hãy cùng xem ngay video hướng dẫn chi tiết dưới đây và vào bếp với Sài Gòn Tiếp Thị Online nhé!

Chương trình Ăn Chơi Nấu Thật sẽ đồng hành cùng độc giả với những công thức món ăn lành mạnh đáp ứng các tiêu chí: Nguyên liệu tươi ngon, dễ tìm, giá bán hợp lý; phương pháp chế biến đơn giản, hạn chế dầu mỡ, đường và gia vị công nghiệp. Bài viết sẽ lên sóng định kỳ vào 19:30 tối thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần.   

Nhóm thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối