Chế độ thực dưỡng cung cấp dưỡng chất cho cơ thể dựa trên nguồn thực vật, gồm các loại thực phẩm như đậu nành, các loại hạt, quả hạch, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả...
Lựa chọn chế độ thực dưỡng cho bữa ăn, các gia đình cần lưu ý bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết để đảm bảo dinh dưỡng cho cả nhà. Dưới đây là hai gợi ý của đầu bếp Sammy – Hội phó Hội bếp Việt thuộc Hội đầu bếp chuyên nghiệp TPHCM, giúp bữa ăn thực dưỡng của bạn thêm phong phú và bắt mắt.
Khoai sọ lệ phố
Nguyên liệu:
- 500 g khoai sọ
- 1 củ cà rốt xắt hạt lựu
- 100 g nấm mèo xắt hạt lựu
- 100 g chà bông chay
- Một ít gia vị tổng hợp
- Một ít bột mì
Cách làm:
- Bước 1: Hấp chín khoai sọ, sau đó tán khoai thật đều, mịn (nếu khoai sượng sẽ dễ bị nhão, vì vậy, có thể cho thêm một ít bột chiên xù xay mịn vào để khi vo viên, viên khoai được chắc).
- Bước 2: Nêm một ít gia vị tổng hợp vào khoai sọ cho vừa ăn. Sau đó cho cà rốt và nấm mèo đã xắt hạt lựu vào, trộn đều tất cả.
- Bước 3: Vo hỗn hợp ở bước 2 thành từng viên nhỏ cỡ viên bò viên với nhân là chà bông chay. Sau đó áo bột mì đều mặt viên.
- Bước 4: Đem viên khoai đi chiên, sao cho vỏ có màu vàng đẹp.
- Bước 5: Xà lách xắt sợi, để viên khoai lên trang trí cho đẹp mắt. Ngon hơn khi dùng kèm với tương ớt.
Cà tím ngũ sắc
Nguyên liệu:
- Ngũ sắc: ớt chuông đỏ, ớt chuông xanh, hạt bắp Mỹ, hành tây và cà rốt (toàn bộ xắt hạt lựu)
- 1 trái cà tím
- Một ít gừng và hành Paro
- Một ít bột nêm tổng hợp
- Nước lọc và một ít dầu mè
- Một ít bột năng
Cách làm:
- Bước 1: Cà tím nướng chín, sau đó rửa qua nước lạnh rồi bóc vỏ, xếp vào đĩa. Chú ý tách cà tím theo chiều dọc, xắt thành từng khúc khoảng 2 đốt tay.
- Bước 2: Bắc chảo dầu, cho gừng và hành paro vào, phi thơm. Tiếp tục cho “ngũ sắc” vào xào đều.
- Bước 3: Cho 100 ml nước, 5 g bột nêm tổng hợp và một ít dầu mè vào hỗn hợp đang xào. Khi hỗn hợp vừa cạn thì cho bột năng tạo sánh (vừa áo nước, không bị nước sốt nhiều) vào.
- Bước 4: Cho hỗn hợp ngũ sắc lên đĩa cà tím. Trang trí đẹp mắt để có món cà tím ngũ sắc thơm ngon.
Gợi ý một vài nguyên liệu chế biến bữa ăn thực dưỡng cho gia đình.Bên cạnh hai món đơn giản, dễ làm trên, các chị em nội trợ có thể tham khảo thêm một số nguyên liệu phù hợp với chế độ ăn thực dưỡng của mình như:Mì soba: Các loại mì soba khá đa dạng, dùng để chế biến các món từ mì nóng đến mì lạnh. Loại mì này có thể kết hợp cùng các nguyên liệu rau củ khác để chế biến thành nhiều món ăn đa dạng. Bánh tráng gạo lứt: Thành phần chính của bánh tráng là bột gạo lứt (gạo nguyên cám) nên có hàm lượng dinh dưỡng cao, như vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6), mangan, phốt-pho, sắt, chất xơ và các axit béo cần thiết cho cơ thể và cũng tốt cho sức khỏe.Rong biển phổ tai Kombu: Rong biển phổ tai Kombu giàu chất khoáng, như canxi, phốt-pho, sắt, muối, vitamin A, B1, B12 và vitamin C; không có protein và dễ tiêu hóa cacbonhydrat. Loại rong biển này có tác dụng thanh lọc cơ thể, ngăn ngừa và cải thiện bệnh cao huyết áp, xơ cứng động mạch, dị ứng, viêm khớp, phong thấp, rối loạn thần kinh.Kim chi chay: Tạp chí Health Magazine của Mỹ đã từng gọi kim chi là “một trong năm loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe nhất thế giới”, bởi món ăn này giàu vitamin, có thể hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa và thậm chí còn có thể có tác dụng phòng bệnh ung thư.