Thứ tư, Tháng Một 15, 2025

Mong thuế tăng – khí thải giảm

Nam An

Hiện tại, khi tiêu thụ mỗi lít xăng, người tiêu dùng đang phải đóng 3.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường (BVMT). Mức đóng góp này đã tăng gấp ba lần so với trước đây. Với tiền thuế đóng nhiều hơn như vậy, người dân kỳ vọng hiệu quả hoạt động kiểm soát khí thải cũng tăng theo thấy rõ.

Khổ vì ô nhiễm khí thải

Gần tuần nay, chị Ngọc Lan, ngụ tại phường An Phú Đông, quận 12, TPHCM tất tả ngược xuôi đi lại giữa nhà và Bệnh viện Nhi đồng 2 để lo cho cô con gái nhỏ nằm viện vì bệnh hô hấp. Bác sĩ điều trị nói rằng nguyên nhân trực tiếp là thời tiết TPHCM những ngày qua nắng nóng, trẻ dễ nhiễm bệnh, nhưng chị Lan thì vẫn tự trách mình rằng con bệnh vì chị. Bữa đó, có việc đột xuất nên chị đón con từ trường mầm non trễ hơn thường ngày. Chị cho con ngồi phía trước xe máy và ngã ba Đinh Tiên Hoàng-Phan Đăng Lưu bị kẹt cứng nên con phải hứng bao nhiêu khói bụi từ các xe khác cả tiếng đồng hồ. Sau bữa đó, con chị chảy nước mũi, ho rồi nặng dần, phải nhập viện điều trị. Bản thân chị Lan, bệnh viêm xoang từ bữa đó cũng tái phát, đau buốt lên tận óc.

Nguồn khí phát thải từ xe gắn máy, xe ô tô đang tác động xấu đến chất lượng không khí tại các đô thị. Ảnh: Anh Quân
Nguồn khí phát thải từ xe gắn máy, xe ô tô đang tác động xấu đến chất lượng không khí tại các đô thị. Ảnh: Anh Quân

Chị Lan và con gái chỉ là hai trong rất nhiều cư dân ở TPHCM đang ngày ngày phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ở nội đô mà khí thải phát ra từ các phương tiện giao thông là tác nhân chính. Và bệnh hô hấp như con gái chị Lan mắc phải, bệnh viêm xoang của chị Lan, theo một báo cáo về môi trường được công bố mới đây chỉ là hai bệnh nhẹ trong nhiều bệnh mà người dân ở vùng ô nhiễm có thể mắc phải. Nặng hơn là ung thư. Báo cáo kể trên chỉ rõ, các loại khí độc hại như cacbon, benzen, ô xít lưu huỳnh và bụi lơ lửng có trong khí thải đô thị là những tác nhân gây ra các bệnh đường hô hấp, bạch cầu và ung thư. Đặc biệt, khí thải do các phương tiện giao thông chiếm tỷ lệ cao nhất.

Một báo cáo môi trường khác được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố mới đây cũng đánh giá, sự gia tăng của các phương tiện xe ô tô, xe máy cùng với chất lượng các tuyến đường chưa đáp ứng yêu cầu là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam. Trong đó, khí thải từ phương tiện giao thông là tác nhân lớn.

Ông Chu Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Môi trường thuộc Bộ Giao thông Vận tải, cho biết hiện tại số lượng xe ô tô trên cả nước đã lên đến 2 triệu chiếc và khoảng 40 triệu xe gắn máy. Đa số lượng xe này tập trung ở các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội… Nguồn khí phát thải từ xe gắn máy, xe ô tô đang tác động xấu đến chất lượng không khí tại các đô thị, đặc biệt tại các vũng lõi đô thị. Và trong khi nguồn khí thải từ ô tô Việt Nam gần như đang kiểm soát được bằng việc ban hành các quy chuẩn kiểm định khí thải ô tô từ năm 2008 thì xe máy vẫn chưa kiểm soát hết bởi lượng xe quá lớn. Theo ông Hùng, việc kiểm soát khí thải xe máy đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết bởi chất lượng không khí đang bị ô nhiễm do các khí độc phát ra từ loại phương tiện phổ biến này.

Tăng thuế gấp ba để bù đắp ngân sách

Mặt hàng xăng, dầu – nhiên liệu để xe máy, xe ô tô vận hành hiện là một trong tám nhóm sản phẩm phải chịu thuế BVMT theo Luật số 57/2010/QH12 của Quốc hội, tức Luật Thuế BVMT đã có hiệu lực từ đầu năm 2012. Từ ngày 1-5 vừa qua, mức thuế (theo con số tuyệt đối) của hai mặt hàng này đã tăng gấp ba lần so với trước đây. Theo đó, trong cơ cấu giá bán lẻ của mỗi lít xăng động cơ và xăng máy bay “cõng” 3.000 đồng tiền thuế BVMT (tăng 2.000 đồng/lít so với trước đây) và mỗi lít dầu diesel là 1.500 đồng (tăng 1.000 đồng/lít).

Trong tờ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc tăng thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính tính toán, số thu thuế BVMT đối với mặt hàng xăng sẽ tăng thêm 13.941,2 tỉ đồng trong năm 2015. Tương tự, thuế BVMT của mặt hàng nhiên liệu bay tăng thêm 959,4 tỉ đồng... Toàn bộ số tiền tăng thêm này được phân bổ 100% cho ngân sách trung ương. Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính, việc tăng thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng dầu (trừ dầu hỏa) có mục đích rất rõ ràng là bù đắp cho ngân sách nhà nước đang bị sụt giảm do giá dầu thô giảm và thuế suất thuế nhập khẩu cắt giảm theo cam kết của các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết.

Theo quy định hiện hành, chi cho các hoạt động bảo vệ môi trường chiếm (ít nhất) 1% trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm. Và năm 2015, ngân sách nhà nước bố trí cho hoạt động bảo vệ môi trường là 11.400 tỉ đồng, tăng 14,2% so với năm 2014. Trong đó, ngân sách trung ương bố trí 1.700 tỉ đồng và ngân sách địa phương là 9.700 tỉ đồng.

Tăng thuế, cần tăng bảo vệ môi trường

Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và là thành viên soạn thảo Luật Thuế BVMT, trong một cuộc trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị đã nói rằng mục tiêu của việc đánh thuế là giúp người sử dụng cân nhắc dùng các loại hàng hóa tác động đến môi trường, từ đó dần thay đổi hành vi.

Các nhà làm chính sách cũng khẳng định, mục tiêu chủ yếu của thuế BVMT là nhằm thay đổi hành vi đầu tư, sản xuất và tiêu dùng, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Thuế BVMT thu được từ nguồn gây ô nhiễm cho môi trường được chuyển vào ngân sách nhà nước nhằm thực hiện và bù đắp cho các hoạt động xử lý đền bù ô nhiễm.

Thực tế hiện nay, việc sử dụng xe công cộng thay vì xe cá nhân (đi xe buýt thay vì đi xe máy) vẫn chưa phổ biến vì nhiều nguyên nhân. Và khi lượng xe tham gia giao thông càng lớn thì nhu cầu tiêu thụ xăng dầu càng nhiều, kéo theo lượng khí thải tăng tương ứng.

Vì vậy, đồng thời với việc tăng thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng dầu, các cơ quan chức năng phải gia tăng hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là giảm thiểu tình trạng ô nhiễm vì khí thải do xe cộ gây ra. Ông Chu Mạnh Hùng cho rằng khoản thu thuế tăng thêm kể trên phải được bổ sung cho ngành giao thông thực hiện kiểm định khí thải. Bên cạnh đó, số thu tăng thêm cũng cần phải được cân đối, phân bổ hợp lý cho các địa phương có nhiều xe như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… để các tỉnh, thành này có kinh phí để kiểm định xe máy, thông tin cho dân biết mức độ phát thải của xe máy…

Còn theo các chuyên gia của ngành thuế, để việc đóng thuế BVMT được người dân đồng thuận thì phải thể hiện được sự minh bạch và cân bằng trong thực hiện. Theo đó, tiền thuế BVMT phải được đầu tư vào các dự án BVMT. Bên cạnh đó, khi tăng thuế này thì phải giảm thuế kia để giá bán sản phẩm không tăng mạnh vì thuế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối