Trong những năm qua, ngành bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến nhiều thay đổi trên thị trường, đặc biệt là sự xuất hiện của làn sóng kỹ thuật số. Đứng trước thách thức, các doanh nghiệp phải chuyển mình để đón đầu những cơn sóng thay đổi. Là khách mời của ghế nóng The Next Power tập 3, doanh nhân Nguyễn Anh Đức cho rằng đổi mới cần phải có kế hoạch, có từng bước, thông qua minh chứng về mô hình kinh doanh tưởng cũ nhưng lại không hề cũ của Saigon Co.op.
Tập 3 talk show “The Next Power” được phối hợp sản xuất bởi S-World và Báo điện tử VnExpress, phát sóng ngày 26-5 đã mở ra bức tranh về sự dịch chuyển của mô hình hợp tác xã tại một trong những “doanh nghiệp đầu tàu” trong ngành bán lẻ - Saigon Co.op qua câu chuyện của khách mời, doanh nhân Nguyễn Anh Đức.
Hiện ông Đức là Tổng giám đốc Saigon Co.op, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp Hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) và là thành viên Hội đồng Hợp tác xã tiêu dùng Châu Á – Thái Bình Dương.
Mô hình hợp tác xã “mới” tại Saigon Co.op
Sau 33 năm hình thành và phát triển, Saigon Co.op vẫn giữ được vị thế là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu. Nguyên nhân xuất phát từ việc xây dựng một mô hình hợp tác xã ‘mới”, phù hợp với sự phát triển của thời đại.
Về nguyên nhân dẫn đến sự hình thành hệ sinh thái hợp tác xã mới tại Saigon Co.op, trước sự hội nhập giữa kinh doanh trực tuyến và kinh doanh trực tiếp, “người đầu tàu” của Saigon Co.op cho rằng mục tiêu của doanh nghiệp này là tạo ra một hệ sinh thái cho riêng mình. Tuy nhiên, với phương châm “do more with less” (tạm dịch: làm được nhiều hơn với nguồn lực ít hơn), cách Saigon Co.op xây dựng hệ sinh thái cũng rất khác biệt. Đó là mời các nhà đầu tư nhỏ lẻ cùng tham gia, mở ra mô hình sinh thái hợp tác xã, nơi nhiều nhà đầu tư cùng sở hữu và phục vụ một cộng đồng khách hàng chung.
Để đón đầu những thay đổi của thị trường, hệ sinh thái hợp tác xã của Saigon Co.op cũng liên tục thay đổi. Bên cạnh những đổi mới của sàn Co.op về mô hình kinh doanh, những doanh nghiệp mới phục vụ cho phân khúc khách hàng mới, sàn Co.op cũng có những sự thay đổi từ bên trong.
Điển hình là sau đại dịch Covid-19, thị trường lao động có sự biến động mạnh, Saigon Co.op đã có những sự điều chỉnh nhất định để thích ứng. Đó là sự chăm lo cho người lao động để họ có sự gắn kết với doanh nghiệp, cũng như giúp bản thân người lao động hiểu được những giá trị truyền thống và giá trị thị trường để phát triển.
Một đổi mới khác của hợp tác xã là quỹ Saigon Co.op gắn kết, đây là khoản tích lũy của người lao động khi họ làm việc cho sàn Co.op 5 năm, 10 năm, hay nghỉ hưu tại sàn Co.op. Theo ông Đức, đây là những khoản tiền “rất có ý nghĩa”.