Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024

Một ngày của shipper

(SGTT) - Thời đại thương mại điện tử phát triển, nhu cầu vận chuyển hàng hóa thuận tiện của người dân ngày càng tăng lên. Những người giao hàng (shipper) mà chúng ta thường bắt gặp trên đường chính là một mắt xích quan trọng trong quá trình vận chuyển này. Vậy hành trình một ngày của họ diễn ra như thế nào? Cùng theo chân anh Nguyễn Trọng Nghĩa (quê Đăk Nông) hiện đang học tập tại TPHCM và là shipper dịch vụ giao thức ăn.

Trọng Nghĩa trong một chuyến giao hàng cho khách.

Đều đặn mỗi ngày, anh Nguyễn Trọng Nghĩa rời nhà từ 5 giờ sáng để bắt đầu công việc giao thức ăn của mình. Ca làm sáng kéo dài tới trưa khi anh đã thấm mệt và trở về nhà để chuẩn bị đi học vào buổi chiều. Sau khi tan học về, Trọng Nghĩa lại tiếp tục chạy xe giao hàng đến tối.

Hơn một năm gắn bó với công việc shipper, đi qua hai mùa mưa nắng của Sài Gòn, Trọng Nghĩa đã hiểu và quen với công việc thú vị tuy có phần vất vả này. Đến với nghề này, người shipper chỉ cần một chiếc xe máy, một chiếc điện thoại thông minh có cài sẵn ứng dụng của công ty và một tấm lòng nhiệt tình, chăm chỉ, không quản khó khăn, gian khổ trong công việc.

Trọng Nghĩa thuần thục mô tả quy trình của một cuốc giao hàng bắt đầu khi khách hàng đặt thức ăn hoặc nước uống thông qua ứng dụng di động, khi ấy, thông tin về cuốc xe sẽ được chuyển về cho người giao hàng. Sau đó, người giao hàng thực hiện nhận cuốc xe và mua thức ăn hay nước uống từ nhà hàng đến cho khách. Thời gian cao điểm của dịch vụ giao thức ăn trong ngày là từ 10 giờ đến 14 giờ và từ 17 giờ đến 21 giờ.

Tuy chỉ chạy dịch vụ giao thức ăn, nhưng quan sát bạn bè đồng nghiệp, Trọng Nghĩa đã hiểu tường tận quy trình giao hàng. Anh cho biết, giao thức ăn đã cực nhọc, giao hàng vất vả hơn vì quy trình giao hàng gồm nhiều giai đoạn hơn giao thức ăn. Đầu tiên, khi có cuốc xe tới, trên màn hình ứng dụng của người shipper sẽ ghi rõ dịch vụ giao hàng. Để nhận cuốc xe, người giao hàng ấn “chấp nhận”.

Đối với cuốc xe giao hàng, sẽ có hai khách hàng gồm người gửi và người nhận. Sau khi nhận cuốc xe, việc quan trọng nhất là gọi ngay cho người gửi để xác nhận lại những thông tin về việc sử dụng dịch vụ giao hàng, xác nhận nội dung hàng hóa, kích thước và trọng lượng của hàng hóa. Sau đó, di chuyển đến gặp người gửi và kiểm tra hàng hóa. Sau khi kiểm tra xong, shipper bấm vào mục “thêm” trên ứng dụng di động để thêm thông tin người nhận rồi tiến hành gọi cho người nhận để xác nhận thông tin gồm địa chỉ, thời gian giao hàng và thông tin hàng hóa.

Sau khi đã gọi điện cho người nhận thành công, shipper cần bấm “tôi đã đến nơi” trên ứng dụng. Tiếp theo, shipper cập nhật tình trạng hàng hóa hiện tại lên ứng dụng với hai lựa chọn gồm kiện hàng không có vấn đề gì hoặc có vấn đề với kiện hàng. Sau đó, chọn biểu tượng máy ảnh và chụp hình hàng hóa kèm hóa đơn nếu có. Tải ảnh xong, chọn tiếp tục, xác nhận lấy hàng, sau đó viết phiếu gửi, thu tiền cước xe và di chuyển đi giao hàng.

Sau khi đã đến điểm giao hàng và gặp được người nhận, shipper cho người nhận kiểm tra hàng hóa rồi ấn “tôi đã đến nơi” trên ứng dụng, chụp hình hàng hóa lúc giao, đăng tải lên ứng dụng và cho người nhận kí nhận phiếu gửi. Như vậy là đã giao một cuốc xe thành công.

Nói là vậy nhưng hành trình giao hàng cũng không phải lúc nào cũng được suôn sẻ vì cũng tùy lúc, bạn có thể gặp thời tiết đỏng đảnh trở nóng hay mưa, giao thông trên đường phố Sài Gòn đông đúc nên có khi đường ngắn lại hóa dài. Còn khách hàng thì thiên hình vạn trạng, người khó, người dễ thương. Tình trạng khách hàng không nhận đơn hàng dường như nhiều hơn từng ngày.

Tuy công ty có chính sách hoàn tiền khi shipper mang đơn hàng và hóa đơn đầy đủ về công ty trong những trường hợp này, song, do thủ tục khá phức tạp nên shipper thường ngần ngại thực hiện. Nếu đơn hàng không có khách nhận và có giá trị dưới 200.000 đồng, họ thường mang về nhà sử dụng. “Bên cạnh đó, nhiều khách hàng đổi thực đơn gây rắc rối cho người shipper. Nhất là trường hợp khách hàng thay đổi lựa chọn sau khi shipper đã đặt đồ ăn với quán ăn nên không thể thay đổi được. Trong những tình huống như vậy, shipper khó tránh khỏi thái độ khó chịu hay lời phàn nàn từ khách hàng khó tính”, Trọng Nghĩa chia sẻ thêm.

Ở Grab, nơi Trọng Nghĩa đang là đối tác giao hàng, mỗi shipper chỉ nhận một cuốc trên một lần chạy. Đối với các hãng khác cho phép shipper chạy một lần nhiều đơn hàng, người shipper cần tính toán đoạn đường sao cho hợp lý và thuận tiện nhất.

Tuy có khó khăn gian khổ, nghề shipper đem lại thu nhập khá cho các shipper. Cụ thể, Trọng Nghĩa chia sẻ, một shipper chạy siêng năng mỗi ngày có thể có thu nhập từ 15 đến 22 triệu đồng một tháng. Trong đó, nếu chạy đủ cuốc mỗi ngày theo chương trình công ty đưa ra, shipper sẽ nhận được tiền thưởng. Nhờ đó, Trọng Nghĩa có đủ tiền trang trải chi phí học tập, sinh hoạt cá nhân, đỡ đần cho mẹ ở quê nhà Đăk Nông phần nào.

Trọng Nghĩa tâm sự, các anh em tài xế đến từ rất nhiều tầng lớp xã hội. Có người xem công việc giao hàng là nguồn thu nhập chính, người khác xem đây là công việc tay trái. Song ai ai cũng đều nỗ lực cố gắng và chăm chỉ làm việc. Bởi vì công việc này mang lại cho họ cơ hội được gặp gỡ nhiều khách hàng, giúp đỡ họ giao hàng nhằm có một cuộc sống thuận tiện nhất.

Thiên Nhiên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối