(SGTT) - Bình Phước độ này đang vào mùa thu hoạch điều, chỉ cần đi qua trung tâm thành phố Đồng Xoài (thuộc tỉnh Bình Phước, giáp Bình Dương), du khách sẽ lập tức cảm nhận được ngay "mùi hương" đặc trưng của xứ điều.
- Bản đồ ẩm thực: Hòa mình cùng thiên nhiên với canh thụt Bình Phước
- Bản đồ ẩm thực: Ghé Bình Phước chớ quên món rau của núi rừng
- Trở về với núi rừng tại trảng cỏ Bù Lạch, Bình Phước
Theo thống kê mới nhất vào tháng 3 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay Bình Phước đang chiếm hơn 50% diện tích điều và 54% sản lượng điều cả nước, vì vậy Bình Phước còn được mệnh danh là “thủ phủ” điều của Việt Nam.
Tại đây, điều trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Một năm chỉ có một mùa điều, thường sẽ bắt đầu vào khoảng tháng Mười Hai. Những năm trước, người dân Bình Phước phải vừa đón tết, vừa thu điều, lắm khi chỉ mới mùng 2, mọi người đã phải đi nhặt điều. Tuy nhiên, năm nay mùa điều đến trễ hơn một tháng do biến đổi khí hậu, nên dịp tết Tân Sửu này, bà con nơi đây được đón cái Tết trọn vẹn.
Bắt đầu vào mùa, người dân sẽ có những bộ “áo giáp” riêng chuyên dùng để đi lượm điều, cùng với những phụ kiện như nón, khẩu trang, bao tay, giày hoặc ủng… và một đồ dùng vô cùng quan trọng đó là chiếc giỏ lượm điều (người miền Bắc thường gọi là cái làn).
Sở dĩ cần phải có trang phục riêng để đi nhặt điều là do trái điều. Nếu để nước trái điều dính vào quần áo thì sẽ giặt không ra. Đối với một số người có da nhạy cảm, nước điều còn gây mẩn ngứa, nên phải sử dụng bao tay. Và đội nón không chỉ để che nắng, mà còn để tránh cho hoa điều, cành điều khô bám vào tóc.
Mới chỉ khoảng 6:00 sáng, nhiều người dân Bình Phước đã tranh thủ lên đi nhặt điều. Đa số người dân đều chuẩn bị cơm trưa mang theo và nghỉ ngơi luôn tại rẫy.
Thường thì khi trồng điều, người dân sẽ trồng theo hàng lối ngay ngắn, để khi nhặt, chia hàng ra nhặt cho đỡ bị sót cây. Để đỡ phải sót hạt, họ đã tiến hành quét dọn lá điều trước khi vào mùa khoảng một tháng.
Nhặt điều, người dân chỉ lấy hạt, nên quả sau khi nhặt xong, sẽ được gom thành từng đống nhỏ, hoặc gom vào gốc để không lẫn vào những quả mới rớt xuống, đồng thời làm phân bón giúp nuôi cây. Cứ hết hàng này, lại đi hàng khác, tùy vào diện tích của mỗi rẫy mà có cách bố trí hàng cho hợp lý.
Nhặt điều, người dân ưu tiên nhặt những quả dưới đất, vì đa số những quả đó hạt đã đủ chín, có độ nặng, cũng như để tránh để hạt dưới đất bị khô. Chỉ vào gần cuối mùa, người dân mới tiến hành rung cây.
Sau khi rung cây, sẽ là giai đoạn mót điều. Thay vì đầu mùa, người dân sẽ thường xuyên vô trông coi rẫy, thì tới giai đoạn mót điều, các hộ gia đình sẽ thả rẫy tự do, cho phép người ngoài vô nhặt điều trong rẫy của mình.
Có những thời điểm điều chín rộ rất nhiều, các gia đình nhặt không kịp sẽ thuê nhân công để nhặt. Hoặc là thuê theo ngày, hoặc khoán theo ký, một ký hiện tại đang rơi vào khoảng 2.000-3.000 đồng/kg. Cách 3-4 ngày, người dân sẽ vào nhặt một lần, mùa điều thường kéo dài khoảng bốn tháng, trung bình mỗi mẫu (héc-ta) người dân sẽ kiếm được 1-1,5 tấn điều mỗi mùa.
Năm nay, nhiều người dân cũng đang lo vì biến đổi khí hậu, bông điều đen, điều lại mất giá, hiện tại giá điều đang rơi vào khoảng 21.000-22.000 đồng/kg điều tươi (giảm 6.000-8.000 đồng/kg so với năm ngoái). Giá điều luôn dao động theo từng ngày và có xu hướng giảm dần vào cuối mùa. Đối với nhiều gia đình không muốn bán điều tươi, họ sẽ phơi khô; so với điều tươi, giá điều khô cao hơn từ 8.000-13.000 đồng/kg.
Phùng My