Phạm Kỳ Anh -
Trong ký ức của bạn bè và tôi – đám thanh niên bấy giờ ở quanh cầu Phú Cam, thành phố Huế – nhớ nhất hình ảnh cái anh chàng lãng tử cứ sớm sớm khi sương vừa tan trên hàng cây muối, trước ly cà phê để thắt leo trên lan can ngoài căn nhà trọ, thả hồn mình rong ruổi theo chút sương còn lạc chưa kịp tan đây đó trong đám lá xanh, hay chút khói bềnh bồng trên dòng nước ấm con sông đào chia nước của dòng Hương Giang về các cánh đồng An Cựu ngoài kia.
Tôi tin ly cà phê của chàng lãng tử ấy, của Trịnh Công Sơn, biết “ăn mần” đúng chỗ đúng người, vì nó đã khơi dậy nơi anh biết bao thứ để hồn người nghệ sĩ rung lên những điều người khác muốn nói... với người tình, với quê hương và với cả chúng sinh hữu tình và vô tình.
Đâu phải uống cà phê vì cà phê! Đó đôi khi là chỗ hẹn hò tình tứ, là nơi gặp gỡ bạn bè, là nơi để nghĩ đến thế sự, để bàn chuyện triết lý nhân sinh (dù thời trẻ trâu có những suy nghĩ cứ tưởng chính mình tìm ra, hóa ra thiên hạ đã bàn từ thời khai thiên lập địa). Có khi cà phê là cớ như “miếng trầu là đầu câu chuyện”.
Một trong những luận bàn thời sự rôm rả bây giờ là kinh tế, là kiếm tiền, chẳng hạn như chơi chứng khoán. Nhiều quán cà phê quanh trung tâm thủ đô Hà Nội hay ở TPHCM hiện nay trong giờ thị trường chứng khoán hoạt động đều mở bảng giá giao dịch, bản tin cập nhật thị trường cổ phiếu. Còn thời sự thuở bọn tôi ngày ấy là chiến tranh, lửa đạn, hoang mang..., là rủ nhau xuống đường, là tìm cách tổ chức “hát cho đồng bào tôi nghe” chung quanh cà phê Tổng hội Sinh viên. Những chia sẻ cuộc đời của bạn bè mất còn... đến nỗi ai cũng đều trở thành “triết gia” lúc nào không biết.
Thời của lứa chúng tôi ít có dịp bù khú như bây giờ. Nhưng có thể do tao loạn, con người bọn tôi thích trầm tư hơn chăng? Mới hôm rồi, ngồi cà phê với vài anh em ở một tiệm cà phê nằm khuất trên đường Nguyễn Thị Diệu, quận 3, TPHCM, có một nhà văn nhắc lại cái hình ảnh dễ thương của các “ông cụ” sinh viên học sinh thời ấy, ai cũng kẹp nách một tác phẩm của Phạm Công Thiện, hay một tập ca khúc cũ nhòe của Trịnh Công Sơn, dăm bài thơ của Phạm Thiên Thư... Có lẽ một phần suy nghĩ, tác phẩm của họ làm nên tính cách con người của một số anh em chúng tôi hiện nay.
Hiện nay, nhiều vị lãnh đạo ở một số đơn vị tại nhiều tỉnh và thành phố cũng mượn ly cà phê như một phương tiện gặp gỡ, trao đổi với doanh nhân doanh nghiệp để cùng lắng nghe nhau và kịp thời giải quyết những khúc mắc từ hai phía.
Nhiều người sợ đi cà phê riết rồi đâm nghiện. Nhưng đi cà phê để vì một hướng chung cho lợi ích kinh tế địa phương hay cộng đồng, hay ngay cả cho một doanh nghiệp, thì nghiện cà phê có là gì!
Cà phê thuở chúng tôi không bì kịp!