(SGTTO) - Sự việc sản phẩm pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới bị phát hiện chứa vi khuẩn có độc lực rất mạnh vừa qua mà Sài Gòn Tiếp Thị đã đăng tải, với các nhà quản lý, là tình trạng cơ sở kinh doanh được cấp phép rõ ràng, sản phẩm có bao bì nhãn mác đầy đủ, vẫn có nguy cơ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhưng với người tiêu dùng không chỉ đơn thuần là vệ sinh an toàn thực phẩm, mà trên cộng đồng mạng, lại nảy ra tranh luận chuyện món chay giả mặn (tức giả pate) lại trúng ngay và mùa ăn chay tháng 7 âm lịch.
Một cư dân mạng phản đối cách các nhà chế biến thực phẩm chay làm giả món mặn rằng ăn chay là không sát sinh, vậy phải làm ra những sản phẩm giống ăn mặn để làm gì? “Ăn chay là nghiền là ngẫm, cái nhìn sẽ không quan trọng, quan trọng là nhìn sâu vào trong mình để thấy được việc ăn chay có ý nghĩa như thế nào. Ăn chay còn vọng tưởng đến ăn mặn thì không ăn còn hơn”, người này nói.
Tuy nhiên, một tài khoản có tên Nguyễn Hữu Trường lại nghĩ khác. Người này lý giải những người đang quen ăn mặn, nên nếu muốn đổi từ ăn mặn sang ăn chay thì cũng phải có khoảng thời gian nhất. Ăn chay giả mặn là một cách để có thể vừa ăn chay nhưng cũng tạo cảm giác như ta đang ăn bình thường, còn khi đã tu tập ở chùa một thời gian thì chay ăn gì cũng được và không phụ thuộc vào mùi vị và hình thức nhãn mác bên ngoài. Với những người vẫn còn chấp vào hình tướng (ăn chay nghĩ đến mặn) hoặc là không chấp vào mùi vị hay hình tướng gì thì tất cả mọi người đều trên con đường tu tập, chỉ có điều vị trí của họ khác nhau mà thôi.
Việc tạo ra những món chay giả mặn một phần là hỗ trợ cho những người một số người ăn mặn mới chuyển qua ăn chay được dễ dàng hơn, do họ chưa quen, dù sao cũng hạn chế việc sát sanh. Đến lúc nào đó, họ cảm thấy thức ăn đó không còn phù hợp thì tự khắc họ sẽ không ăn nữa và lúc đó sẽ ăn thuần chay. Còn những người ăn chay lâu năm thì khi nghe mùi thức ăn mặn thì đa phần họ sẽ không ăn được vì nó quá tanh.
“Ăn gì cảm thấy khỏe mạnh, tâm vui vẻ thoải mái là được, không cần chấp vào chữ chay mặn làm gì”, một cư dân mạng chia sẻ.
Một bạn có tên Duy Tân lại nghĩ khác một chút với những người ăn chay vì theo đạo hay tránh sát sinh, rằng hiện nay có nhiều người ăn chay, như bạn này, chỉ vì món chay hợp khẩu vị và bảo vệ môi trường. Do vậy cái tên gọi của món ăn đa dạng một chút thì có sao, chẳng lẽ cứ suốt ngày phải gọi là đậu hủ xào, đậu hủ quay, đậu hủ nướng... một màu, nhạt nhẽo vậy thì mới hợp lý hay sao?
Khá nhiều người ăn chay vì sức khỏe thuần túy đồng tình với suy nghĩ của bạn Duy Tân, tức có nhiều người ăn chay không phải là do tôn giáo, đức tin gì cả, mà chỉ đơn giản là ăn chay là ăn thực vật, sẽ có những cái lợi riêng so với ăn thịt, như giảm lượng cholesterol trong cơ thể, họ muốn ăn chay nhưng cảm thấy không kiêng được thịt thì ăn đồ giả mặn để làm quen dần và các nhà kinh doanh món chay nắm bắt được thị hiếu này.
Đồ chay giống đồ mặn là để thu hút người ăn mặn tập ăn chay dễ dàng hơn. Hơn nữa ăn chay nghĩa là tránh ăn đồ ăn có nguồn gốc từ động vật, bảo vệ sức khỏe, giảm cân chứ không hẳn ăn chay nghĩa là hướng thiện, không sát sinh.
Đó là chưa kể có những người ăn chay vì món chay ngon. Một doanh nghiệp nói trên báo chí rằng doanh nghiệp chế biến món chay của ông “cứ món mặn làm được gì thì món chay làm y chang vậy nhưng là chay, nên làm giống đồ mặn để thêm đa dạng hình thức thôi, dễ bán hàng, thu hút người ăn chay, người mua hàng”.
Đến nay, đã có 9 bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay, trong đó hầu hết đang thở máy. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, vi khuẩn Clostridium botulinum type B có trong sản phẩm này có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ gây tử vong. TPHCM hiện đã xác minh được 1.290 khách hàng trên địa bàn có mua 1.559 hộp pate Minh Chay trong tháng 7, 8 qua hình thức online và đang tiến hành thu hồi. Không chỉ pate Minh Chay, toàn bộ sản phẩm khác của đơn vị này đều được thu hồi để xác minh chất lượng theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế.
Hồng Ngọc