Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Mua áo từ máy bán hàng tự động

Chánh Tài - 

Trong nỗ lực mở rộng sự hiện diện trên thị trường, một hãng thời trang của Nhật Bản đang lên kế hoạch triển khai các máy bán áo tự động tại một số thành phố lớn trên thế giới, trước mắt tại thị trường Mỹ.

Bước đầu thử nghiệm

maytudongCác sản phẩm từ máy bán áo tự động của Uniqlo sẽ được bọc trong hộp giấy hoặc các hộp thiếc.

Một người sắp lên máy bay bỗng phát hiện ra mình quên nhét áo ấm vào túi hành lý. Người đó sẽ phải làm gì? Hãng thời trang Uniqlo của Nhật Bản tin chắc rằng người đó có thể cần một chiếc áo phông nhẹ từ một máy bán áo tự động đặt ở sân bay.

Tờ Wall Street Journal ngày 2-8 cho biết, tập đoàn bán lẻ Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo, dự kiến sẽ triển khai 10 máy bán áo tư động trong tháng này ở các sân bay, các khu mua sắm tại các thành phố New York, Houston, Oakland và nhiều thành phố khác của Mỹ. Chiếc máy bán áo tự động đầu tiên của Uniqlo đã được đặt ở sân bay quốc tế Oakland, bang California hôm 2-8.

Các máy bán áo tự động của Uniqlo cao 1,8 mét, sẽ bán các áo sơ mi giữ nhiệt và áo phông nhẹ. Danh mục sản phẩm hạn chế như vậy cho phép Uniqlo cung cấp nhiều kích cỡ và màu sắc. Các sản phẩm sẽ được bọc trong hộp giấy hoặc các hộp thiếc. Khách hàng có thể trả lại sản phẩm qua đường bưu điện nếu cảm thấy không hài lòng.

Máy bán áo tự động là một phần trong kế hoạch mở rộng thị trường của Uniqlo sau khi nỗ lực gia tăng thị phần của hãng thời trang này ở Mỹ không đạt được mức kỳ vọng.

Marisol Tamaro, Giám đốc tiếp thị của chi nhánh Uniqlo tại Mỹ, cho biết máy bán áo tự động sẽ có chi phí thấp hơn so với việc mở các cửa hàng để bán áo quần đi du lịch cho những khách hàng đang vội vã.

“Tại sân bay, bạn không mất nhiều thời gian để xếp hàng đợi mua áo ở một cửa hàng nếu như có máy bán áo tự động”, ông Tamaro nói.

Kiểm nghiệm thị trường

Hãng bán lẻ đồ điện tử Best Buy (Mỹ) đang quản lý 183 máy bán hàng tự động, nơi cung cấp các đồ điện tử như tai nghe, sạc điện thoại, máy nghe nhạc iPhone Touch... và hầu hết chúng được đặt ở các sân bay. Chúng giúp mang lại doanh thu cho Best Buy nhiều triệu triệu đô la Mỹ mỗi năm.

Các thương hiệu khác bao gồm hãng mỹ phẩm Benefit Cosmetics (Mỹ) cũng đã thử đặt máy bán mỹ phẩm tự động ở các sân bay như là cách để khai thác những nhu cầu gấp gáp của những hành khách chuẩn bị đi lên máy bay. Uniqlo cũng đã sử dụng các máy bán áo tự động ở Singapore và một số nước như là một công cụ tiếp thị.

Sau khi mở 45 cửa hàng ở Mỹ, Uniqlo giờ đây đang lên kế hoạch sử dụng máy bán áo tự động, các cửa hàng tạm thời và một số ít các cửa hàng lớn nằm ở các địa điểm quan trọng để mở rộng sự hiện diện.

“Chúng tôi cố tìm hiểu xem những nơi nào chúng tôi có thể thành công mà không cần cam kết đầu tư mạnh mẽ”, Tamaro nói khi ám chỉ các máy bán áo tự động như là công cụ để kiểm nghiệm thị trường.

Sam Cinquegrani, người sáng lập Công ty dịch vụ số hóa ObjectWave (Mỹ), cho rằng bán hàng thời trang thông qua máy bán hàng tự động có thể sẽ rủi ro.

“Nếu càng có nhiều yếu tố cảm xúc trong quyết định mua, hiệu quả của công nghệ giống như máy bán áo tự động sẽ càng thấp. Các máy bán áo tự động có thể sẽ gặp khó khăn vì không có sự giao tiếp thân tình của con người ở đó”, ông Cinquegrani nói.

Song chuyên gia phân tích ngành bán lẻ Marshal Cohen ở Công ty nghiên cứu thị trường NPD Group (Mỹ) cho rằng, ở thời buổi mà việc sắm hàng thời trang trực tuyến ngày càng phổ biến, khách hàng sẽ thấy thoải mái với máy bán áo tự động của Uniqlo.

“Ngày nay, các cửa hàng giúp khách hàng “chạm và cảm nhận” sản phẩm trước khi mua. Chắc chắn, máy bán áo tự động không thể mang lại cho khách hàng kiểu tương tác đó. Nhưng thực tế cho thấy tương tác không còn là vấn đề lớn trong quyết định mua sắm nữa”, Cohen nói.

Nhắm vào các thành phố lớn

Tập đoàn bán lẻ Fast Retailing đang quản lý hơn 1.700 cửa hàng Uniqlo ở châu Á và từng lên kế hoạch mở thêm hàng trăm cửa hàng Uniqlo ở Mỹ. Tuy nhiên, tập đoàn này giảm tốc độ mở cửa hàng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới này sau khi doanh số ở các cửa hàng Uniqlo mới mở trong giai đoạn đầu tại Mỹ không đạt mức kỳ vọng, đặc biệt là các cửa hàng ở các khu vực ngoại ô.

Fast Retailing định mua hãng bán lẻ thời trang J. Crew Group của Mỹ vào năm 2014 nhưng các cuộc đàm phán rốt cục thất bại.

Các chuỗi cửa hàng thời trang ở Mỹ đang gặp khó trong nhiều năm qua khi số lượng cửa hàng mới mở quá nhiều và ngày càng có nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua hàng thời trang trực tuyến. Ngay cả các công ty khởi nghiệp bán hàng thời trang trực tuyến cũng phải rất thận trọng khi mở cửa hàng. Họ chỉ thuê các mặt bằng trong thời gian ngắn hạn để thử kiểm tra lưu lượng khách hàng.

Hiện tại, Uniqlo đang tập trung xây dựng mảng bán hàng trực tuyến và mở các cửa hàng ở các thành phố lớn, nơi mà các lãnh đạo của Uniqlo tin rằng khách hàng sẽ quan tâm hơn đến các mặt hàng thời trang được thiết kế chú trọng vào tính năng của Uniqlo, chẳng hạn như áo chống nắng, áo chống nước hay áo giữ nhiệt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối