QUÝ KIM LÊ -
Thành phố Sydney của Úc ở nam bán cầu đầu mùa xuân đầy gió lạnh. Điện thoại bỗng ngập tràn tin nhắn, đầu tiên là bà ngoại của “sắp nhỏ” nhắc là nhớ mở các thùng khuôn bánh xuống, rồi nhắc chạy xe sang nhà lấy nước đường. Cái hộp nước đường đã được nấu từ bảy, tám tháng trước. Sau đó là những tin nhắn hỏi thăm như năm nay có làm bánh không, làm bánh nhân gì, giá cả…
Lại thấy như những chiếc đèn thắp nến treo đầy ngõ nhỏ của một tuổi thơ xa lắc thuở quê nhà. Hương bưởi, trái hồng và cả mùi hương cốm dẻo. Lại nhớ mùa bánh trung thu đang về. Xuống bếp nhìn tờ lịch, còn hơn tháng nữa là Tết trung thu.
Lại nhớ những năm mới qua nơi xứ lạ. Hai mẹ con nhớ nhà cứ cuối tuần là hì hục làm bánh. Mà những ngày xa xưa đó, khuôn phải gửi mua từ Việt Nam, nhờ ai đó đem sang. Bột, đậu, đường, trứng… phải chạy xe hàng trăm cây số, tìm cho ra một siêu thị có bán hàng châu Á. Làm mệt, nhưng nhìn mọi người xúm xít ăn, lòng vui vui.
Rồi người này bảo người kia, cứ gần đến mùa bánh nọ, bánh kia là liên hệ đặt, lời lỗ chẳng bao nhiêu nhưng vẫn cứ nhận. Để cuối tuần tất bật, túi bụi, để những người con đất Việt xa xứ có cớ gần nhau hơn.
Rồi không chỉ người Việt, người châu Á đến Úc ngày một đông hơn. Các cửa hàng, siêu thị mở ra nhiều hơn. Có Nhật, Hàn, Ấn, Thái và cả Campuchia. Các bà nội trợ xứ Việt cũng đỡ vất vả hơn, vì cần gì cứ ra siêu thị Việt để mua sắm cả “quê nhà” trong đó.
Hai mẹ con nhà làm bánh nọ cũng “rửa tay gác kiếm”, mẹ thì đã lớn tuổi, con thì đã lấy chồng. Rồi con gái theo chồng sang vùng khác, xa hơn. Hai công dân Úc tí hon ra đời, biết Giáng sinh, Phục sinh. Và những ngày lễ xứ này hơn là Tết Trung thu, quá khứ xa lắc xa lơ của mẹ.
Nhưng có lẽ do thói quen ham làm đã ăn sâu vào máu. Con hơi lớn, mẹ lại cuối tuần nhóm lò, nhào bột, nướng bánh. Có lẽ cái thú vui ngồi nhìn những mẻ bánh chín, phồng căng, thơm phức, đã gạt đi mọi bộn bề cực nhọc.
Một sáng đi chợ Việt, vào cửa hàng quen mua đồ. Bà chủ vồn vã vịn lại hỏi: “Cô biết con làm bánh trung thu ngon lắm. Năm nay con có làm không?”. Tình thật cứ nói: “Con có làm, nhưng chỉ làm trong gia đình ăn thôi cô”. Nhưng bà chủ nói cứ như năn nỉ: “Con có làm thì làm cho cô 15 cái, mà thôi, làm trọn 20 cái đi! Ăn cho đã”. Khách ngơ ngác nhìn vào tủ kính trong cửa hàng, chen lẫn trong đó là muôn loại bánh trung thu có đủ các chủng loại: từ bánh lột da đến ngàn lớp, bánh dẻo đa sắc màu. Mà bánh đó được làm tại Úc. Khách ngơ ngác nhìn bà chủ, còn bà thì tha thiết: “Nha con nha, nhớ làm cho cô nha!”.
Mang tâm tư ngơ ngác đi về. Bà chủ cửa hàng bán bánh trung thu đại trà, lại đi đặt bánh trung thu của một cô nhỏ làm bánh tay mơ. Để rồi khi giao bánh, mới rụt rè biết đa số bánh trung thu bày bán trên thị trường (Úc và các nước khác) thường có nguyên liệu từ Trung Quốc.
Thế là cuối tuần lại hì hục. Rồi như bị bỏ bùa, làm mê say. Biến tấu các kiểu: nhân bánh dẻo, vỏ bánh nướng, bánh trung thu trà xanh, bánh ngàn lớp nhân đậu đỏ, nhân sữa dừa, nhân trái cây… Cứ nghĩ đến cảnh đêm trăng, dĩa bánh thơm lừng bên bình trà ướp hoa lài ở nhà ai đó thì thật tuyệt vời.
Rồi đêm khuya, anh xã đi làm về muộn. Anh chạy ù vào bếp: “Thơm quá, thơm quá”. Mẻ bánh cuối, làm theo kiểu vét nồi tận dụng nên vỏ nhân chả ra làm sao. Đang tính cắt ra ăn thử thì chàng ập vào. Rồi cứ cầm nguyên cái bánh nóng vừa thổi phù phù vừa cắn, mới ăn vừa xong đã cười toe toét: “Vợ ơi, còn không? Ngon quá!”. Vợ đang ngớ ra chẳng biết thực hay đùa, thì chàng tiếp: “Cho cái nữa đi”.
Mùa Trung thu lại rộn rã kéo về, dù xứ này không có đèn lồng thắp lửa trong giấy bóng kính nhưng trong cái hộp cơm của hai công dân nhỏ xứ chuột túi sẽ có thêm cái bánh dẻo, bánh đậu xanh, để cùng các bạn trong lớp biết mùi bánh trung thu.
Còn “bà chủ” của cái bếp nhà xa xứ, lại chạy xe đi mua nguyên liệu, lại bày biện nào khuôn, bột, chảo xào, lò nướng... Rồi thay vì cuối tuần nghỉ ngơi, lại đêm nào cũng lọ mọ sau 1 giờ khuya mới đi ngủ, có một mùa bánh trung thu đến hẹn lại về.