Mùa thu là thời điểm những cánh đồng lúa trên rẻo cao Tây Bắc tràn ngập màu vàng của lúa đang chín rộ. Khắp nơi, tiếng nói, tiếng cười và không khí lao động khẩn trương tấp nập như báo hiệu một mùa gặt và mùa cốm thơm đến với đồng bào nơi đây.
Mùa gặt vui nhộn
Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa gặt, mùi hương thơm nồng của cốm mùa thu lại tràn ngập các bản Tày ở Tây Bắc. Người dân nơi đây bấy lâu nay vẫn tự tay chế biến đặc sản này để tạo thêm hương vị cho các bữa ăn và làm giàu văn hóa ẩm thực của mình. Khi đi du lịch lên Tây Bắc mỗi khi mùa gặt về, du khách sẽ được hòa mình vào không khí tấp nập, đông vui của hoạt động chế biến cốm ở những bản làng Tây Bắc.
Mùa này, về các bản Tày ở Tây Bắc, trên những cánh đồng, người người tấp nập gặt lúa còn ở ven các con suối chảy từ đầu bản đến cuối bản là không khí mang đậm chất văn hóa ẩm thực chỉ có ở vùng đất này. Đó là không khí giã cốm của người dân hai bên bờ suối. Các ấm (mẹ), các a (cô), các pả (bà) mang cả chày cối, giần sàng ra bờ suối làm cốm cho vui. Một năm ở đây, có lẽ chỉ có những ngày mùa như thế này mới xuất hiện những hình ảnh đậm chất văn hóa ấy. Trong trang phục Tày truyền thống, những người phụ nữ trổ tài làm cốm. Người rang, người giã, người sàng sảy… không khí thật đông vui, và ấm áp.
Khi làm cốm xong, người ta không quên ngắt những lá dong xanh ngắt trên rừng về để gói cốm. Màu xanh thẫm của lá dong càng làm tôn thêm màu xanh tươi của hạt cốm và cái vị mát lạnh của dong rừng càng làm cho mùi thơm của cốm nếp thêm nồng.
Vị ngọt của “hạt ngọc”
Cốm gói lá dong để vào gùi trông rất hấp dẫn. Trong bữa mừng cơm mới, trên bàn thờ tổ tiên, người Tày ở vùng Tây Bắc không thể quên món cốm nếp được gói vuông vắn bằng lá dong đặt lên để báo cáo tổ tiên về vụ mùa bội thu. Và trong bữa cơm mới đầu tiên của mùa, từng hạt cốm nhỏ được người ta mời nhau, đưa vào miệng để tận hưởng cái vị thơm, vị ngọt của “hạt ngọc” của bản mình.
Muốn thưởng thức và mua cốm ở vùng cao Tây Bắc về làm quà, du khách nên ngược lên các tỉnh ở vùng cao như Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang, Sơn La để mua sản phẩm này. Cốm được bán tại các chợ phiên, tại nhà theo từng gói. Giá bán là 25.000-30.000 đồng/gói cốm. Bí quyết chọn cốm ngon là nhìn vào màu sắc. Cốm ngon có màu xanh tươi tự nhiên, ngửi có mùi thơm của lúa nếp, ăn thử thấy dẻo quyện.
Phong tục làm cốm trong ngày mùa của người Tày ở Tây Bắc mang nét đẹp văn hóa được đồng bào gìn giữ từ bao đời. Hoạt động văn hóa đó in sâu vào nếp nghĩ của đồng bào và trở thành bản sắc chỉ có ở những bản Tày ở vùng Tây Bắc.
Muốn có được những mẻ cốm ngon, dẻo và thơm, người nông dân Tày ở Tây Bắc trước tiên chọn giống lúa nếp với hạt lúa dài, tròn mẩy và đều chỉ có ở vùng này. Dù nếp cấy dưới ruộng nước hay gieo trên nương rẫy thì khi gặt lúa về làm cốm thì phải còn chút sữa ở đầu hạt, vỏ hơi lam vàng một chút và gạo chưa chín hết.
Nguyễn Thế Lượng