Tâm Anh -
Mua hàng trong siêu thị hay trên chợ trực tuyến hoặc ngoài chợ truyền thống bây giờ hình như chỉ dựa vào niềm tin là chủ yếu.
Một chị bạn trên mạng xã hội Facebook đã viết rằng: “Có mấy ai mà quan tâm đến đát điếc (date) của món chân gà, cánh gà tẩm formol ở mấy quán nhậu từ bình dân đến cao cấp ở Sài Gòn. Vì ngay như mua hàng ở chuỗi siêu thị có uy tín ở Sài Gòn, mình cũng không ít lần đã mua phải hàng bị sửa date, hàng nhầy nhụa kém chất lượng chỉ có bỏ đi. Các thương hiệu phân phối lớn còn lọt lưới trước mạng lưới an toàn vệ sinh thực phẩm của Nhà nước thì kể gì mấy bà hàng rong hay quán nhậu bình dân. Nhiều người cũng như mình đâu đi kiện đòi bồi thường làm chi, mất thời gian”.
Điều lạ là không ít người thường xuyên vào siêu thị mua hàng đều cho biết họ xem kỹ date, tình trạng bao bì, chữ in và cũng chỉ mua một số nhãn hàng nào đó đã quen dùng. Và có khi họ cũng bỏ đi những thứ hàng đã mua ở siêu thị vì chất lượng kém không thể dùng được. Những thứ hàng cần thiết khác họ mua ở chỗ quen, có không ít trong số đó là ở chợ, trên mạng Internet hay do người quen giới thiệu. Về quê, nhiều siêu thị cũng đã xuất hiện bên cạnh khu chợ lớn. Cả siêu thị và chợ đều thấy đông người mỗi sáng-chiều. Người mua vẫn y chang như trên thành phố, đó là mua một số hàng tươi sống như tôm cá, thịt ở các gian hàng quen trong chợ truyền thống rồi vào siêu thị mua các loại nhu yếu phẩm khác hay một số đại lý thân quen.
Thói quen mua hàng này dường như là một “kinh nghiệm” mang tính đối phó với nạn hàng hóa thật-giả lẫn lộn hiện nay. Người tiêu dùng truyền tai nhau về một món hàng, người nghe tin lời người nói và mua hàng do người nói giới thiệu mà không cần biết người bán là ai. Niềm tin này quả là quá mong manh.