THÁI HÀ -
Denise Chapman, giám đốc một công ty quảng cáo ở thành phố San Diego có thói quen lướt iPhone hàng giờ mỗi ngày để xem quần áo, mỹ phẩm, quà tặng... Nhưng đến khi quyết định mua sản phẩm nào, chị không dùng iPhone mà bật chiếc máy Dell để bàn trong nhà bếp lên.
Lý do? Các nút bấm ảo trên màn hình iPhone nhỏ, thao tác nhập dữ liệu như tên, số thẻ tín dụng, địa điểm chuyển hàng đến… khó khăn. Thao tác trên phím bấm và màn hình rộng của máy tính bàn (desktop) hay máy tính xách tay (laptop) dễ dàng hơn. Đa phần người tiêu dùng ở Mỹ cũng như chị, trung bình lướt điện thoại thông minh (smartphone) ba giờ mỗi ngày nhưng mua hàng qua desktop.
Theo Công ty Quảng cáo adMarketplace, lượng người chuyển từ hành vi xem quảng cáo sản phẩm sang hành vi mua hàng trên smartphone thấp hơn 84% so với trên desktop và laptop. Điều đó cũng giải thích vì sao giá quảng cáo trên smartphone rẻ bằng một nửa so với quảng cáo qua định dạng web truyền thống. Nhưng bây giờ smartphone đang lấn át máy tính bàn, vì vậy xu hướng quảng cáo trên smartphone cũng là chủ đạo. Google là ông trùm về bán quảng cáo, họ bắt đầu xây dựng đế chế trên desktop và laptop song giờ họ đang nhanh chóng chuyển trọng tâm sang thiết bị di động. Google vừa công bố lượng tìm kiếm trên thiết bị di động đã vượt lượng tìm kiếm trên desktop ở 10 nước, trong đó có Mỹ. Năm nay, theo Công ty Thị trường eMarketer dự báo, lần đầu tiên các nhà sản xuất trên nước Mỹ sẽ chi tiền quảng cáo cho từ khóa tìm kiếm trên thiết bị di động vượt desktop là 12,85 tỉ đô la so với 12,82 tỉ đô la Mỹ.
Mục đích cuối cùng của việc quảng cáo cũng chỉ là bán hàng. Nếu người tiêu dùng xem được quảng cáo đó trên thiết bị di động mà họ thấy khó khăn với việc mua bán qua thiết bị di động thì quảng cáo đâu mang nhiều ích lợi? Đợi người tiêu dùng lái xe về nhà, bật desktop lên thì hứng thú mua sắm của họ còn bao nhiêu?
Vì vậy, xây dựng một định dạng để giúp người tiêu dùng dễ dàng mua sắm hơn là nhiệm vụ quan trọng với Google, Facebook, Twitter, Pinterest… Nó như một cây cầu mà hàng ngàn nhà sản xuất cùng đi qua đó để đến với người tiêu dùng. Nếu có định dạng tiện lợi đó thì các hãng như Google sẽ có nhiều lợi nhuận qua việc tăng giá quảng cáo trên thiết bị di động.
Ngày trước, mua sắm trực tuyến cũng gặp khó khăn vì sự phức tạp nhưng cuối cùng nó vẫn chiến thắng mua sắm trực tiếp tại cửa hàng, vì những thủ tục để tham gia mua sắm trực tuyến còn đỡ rầy rà hơn là lên xe lái ra cửa hàng, mua hàng rồi lái xe về. Mua sắm trực tuyến trên desktop sau đó dễ dàng hơn nhiều khi các hãng xây dựng định dạng như “Đặt hàng chỉ bằng một cú nhấp chuột” (One-Click Ordering) của Amazon: Lập một tài khoản trên Amazon, nhập các số liệu về địa chỉ, thẻ tín dụng… một lần duy nhất, các lần mua sau không mất công nhập dữ liệu nữa.
“Bây giờ là cuộc chiến giữa mobile với desktop, nếu bạn muốn người ta mua hàng trên mobile, bạn phải tạo ra định dạng đơn giản hơn trên desktop, chỉ có chạm vào màn hình chứ đừng phải gõ chữ hay số nữa”, Adam Epstein, Chủ tịch adMarketplace nhấn mạnh. Tức là tạo ra một nút “mua” duy nhất trên mobile, như “One-Click Ordering” trên desktop.
Google gần đây vừa ra một số định dạng quảng cáo như quảng cáo khách sạn, cho phép người dùng đặt phòng ngay bên trong quảng cáo.
Jason Spero, Phó chủ tịch Google nói họ sẽ trình làng nút “mua” duy nhất vào cuối năm nay. Ông Spero cũng nhận xét rằng định dạng này sẽ giúp doanh số bán smartphone tăng vọt.
Còn Epstein thì cho rằng nút “mua” duy nhất dùng để mua hàng thẳng từ quảng cáo sẽ khiến người tiêu dùng ít trung thành hơn với các nhà bán lẻ và cửa hàng yêu thích của họ, và đây là bất lợi với các nhãn hàng. Song Serena Potter, Phó chủ tịch nhà bán lẻ Macy’s nói bà không quan tâm người mua hàng đến từ nguồn nào, miễn là bán được hàng.