ANH THƯ -
Ngày càng có nhiều cửa hàng tiện lợi ở Nhật cung cấp dịch vụ giúp người mua hàng trên các trang thương mại điện tử nhận hàng tại các cửa hàng tiện lợi khi nào họ rảnh.
Nhiều trang web bán hàng qua mạng, bao gồm Amazon và Rakuten Books, đã áp dụng dịch vụ nhận hàng cùng với ba chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn ở Nhật là Seven-Eleven, FamilyMart và Lawson. Người mua sẽ đặt hàng trên những trang này, chọn cửa hàng tiện lợi gần nhà hay nằm trên đường đi làm là nơi họ đến nhận hàng. Khi đến nhận hàng, người mua phải lấy biên lai từ thiết bị máy tính trong cửa hàng và xuất trình cho nhân viên. Dịch vụ nhận hàng tại cửa hàng rất phù hợp với những người thường xuyên không có mặt ở nhà và những ai không thích nhận hàng từ người giao hàng. Tùy trang web bán hàng mà dịch vụ này có tính phí hoặc không. Ngoài ra, không phải sản phẩm nào cũng được áp dụng dịch vụ nhận hàng tại cửa hàng tiện lợi vì nhiều lý do, ví dụ như kích cỡ.
Các chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn kết hợp các trang web bán hàng không liên kết đã bắt đầu cung cấp dịch vụ nhận hàng tại cửa hàng cách đây 7-8 năm. FamilyMart là chuỗi cửa hàng đầu tiên cung cấp dịch vụ này khi nhận đơn hàng sách của Rakuten Books vào năm 2007, tiếp đến là Lawson vào năm 2008 với đơn hàng của Amazon. FamilyMart đang kết hợp với các cửa hàng trực tuyến của công ty thương mại điện tử Rakuten để mở rộng dịch vụ.
Trong khi đó, các cửa hàng Seven-Eleven của Công ty Seven&i hiện cũng đang áp dụng dịch vụ này cùng với các trang bán hàng trực tuyến liên kết và công ty sẽ hợp tác với những trang khác trong thời gian tới.
Dịch vụ nhận hàng tại cửa hàng tiện lợi không chỉ thuận tiện cho người mua hàng mà còn có lợi cho các cửa hàng tiện lợi vì họ có thêm khách hàng. Theo Seven-Eleven, FamilyMart và Lawson, dịch vụ này giúp họ thu hút thêm được một lượng khách hàng là những người thường xuyên vắng nhà như những người sống một mình hay cặp vợ chồng đều đi làm, và những người không thấy thoải mái khi nói chuyện với nhân viên giao hàng.
Còn đối với nhân viên giao hàng, việc giao hàng trở nên dễ dàng hơn và hiệu quả cao hơn khi họ chỉ cần giao hàng tới các cửa hàng tiện lợi và số lượng hàng phải giao trong trường hợp khách hàng không có nhà giảm bớt. Số lượng hàng phải giao lại do người nhận không có nhà chiếm 20% trong số 4,1 triệu sản phẩm được khảo sát năm ngoái bởi các công ty chuyển phát Yamato Transport, Sagawa Express và Japan Post Network. Theo số liệu của Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, do lượng khách mua hàng trực tuyến ở Nhật tăng, số lượng hàng được chuyển phát tăng lên 3,64 tỉ sản phẩm vào năm tài chính 2013, gấp đôi con số cách đây 15 năm. Bộ cũng đang tìm cách đẩy mạnh hợp tác giữa các trang bán hàng qua mạng, dịch vụ chuyển phát và chuỗi cửa hàng tiện lợi nhằm tìm những giải pháp làm giảm số lượng hàng phải giao lại. Do đó, dịch vụ nhận hàng tại cửa hàng tiện lợi sẽ còn được mở rộng trong thời gian tới.