Mưa rất lớn với lượng mưa lên đến trên 400mm, thậm chí gần 600mm vẫn tiếp tục kéo dài trong 24 giờ qua ở khu vực Bắc Trung bộ gây ngập lụt nặng ở trung tâm các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình. Giao thông trên đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam bị gián đoạn ở nhiều khu vực.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh và áp thấp nhiệt đới, trong ngày hôm nay 19-10 đến ngày 20-10, ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa rất lớn với lượng mưa từ 200-400 mm, có nơi trên 400 mm.
Khu vực các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế lượng mưa 150-250 mm, có nơi trên 300 mm, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi mưa đã giảm hơn, chỉ còn từ 50-100 mm. Trước đó, trong ngày 18-10 đến sáng 19-10, mưa vẫn rất lớn ở khu vực Hà Tĩnh và Quảng Bình. Tại Hà Tĩnh lượng mưa một số khu vực lên đến hơn 400 mm, có nơi như Kỳ Thượng lượng mưa đến 586 mm.
Tình hình mưa lũ có khả năng diễn biến nguy hiểm hơn vì từ ngày 19-10 ở vùng biển phía Đông Philippines lại xuất hiện một áp thấp nhiệt đới, có khả năng mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông.
Trước diễn biến ngày càng nguy hiểm của mưa lũ, Cục Hàng không Việt Nam vừa có công điện gửi các cơ quan, đơn vị có liên quan về ứng phó đợt mưa lớn diện rộng trên khu vực Trung bộ và Tây Nguyên.
Theo công điện này, liên tiếp trong các ngày từ ngày 16 đến 21-10 tại nhiều tỉnh thành từ Nghệ An trở vào Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ có đợt mưa diện rộng. Đặc biệt khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi được dự báo sẽ xảy ra mưa lớn kéo dài, có thể kèm những thời tiết cực đoan như mưa dông mạnh, sét, gió giật, lũ, lụt diện rộng.
Cục Hàng không yêu cầu các đơn vị triển khai phương án phòng chống mưa, bão, các biện pháp phòng chống ngập úng, khơi thông dòng chảy trong cảng hàng không, sân bay, bảo vệ cho các công trình, phương tiện, thiết bị tại cảng hàng không, hạn chế thiệt hại do mưa, bão gây ra đến mức thấp nhất và nhanh chóng ổn định mọi hoạt động hàng không phục vụ các nhu cầu của hành khách.
Do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 7 và áp thấp nhiệt đới từ ngày 16 đến 19-10, tuyến đường sắt Hà Nội-TPHCM có một số vị trí kết cấu hạ tầng đường sắt bị hư hỏng, nước ngập đường ray làm ảnh hưởng đến chạy tàu.
Vì vậy, ngành đường sắt quyết định tạm dừng chạy tàu khách Thống nhất SE1, SE3 xuất phát Hà Nội tối ngày 19-10 và tàu SE7 xuất phát Hà Nội sáng mai (ngày 20-7) đi Vinh-Huế. Tuy nhiên, các mác tàu giữa Sài Gòn-Huế vẫn chạy bình thường; các mác tàu SE1, SE3 và SE7 sẽ xuất phát từ Huế đi Sài Gòn.
Theo thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), hiện nay, lượng nước lũ trên các tuyến sông thuộc địa bàn hai tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh lên cao, đã gây ngập sâu hơn 1m trên tuyến quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, nhiều tuyến giao thông bị chia cắt.
Đáng chú ý, một số điểm đã bị ngập sâu trên tuyến quốc lộ 1A thuộc thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn, các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch (Quảng Bình). Tại thành phố Đồng Hới, mưa lớn khiến nhà của người dân ở các tuyến phố bị ngập lụt nặng trên diện rộng. Nhiều phố Trần Quang Khải, Hữu Nghị, Lê Lợi, Nguyễn Hữu Cảnh… nước đã ngập gần 2 m.
Quốc lộ 1A đoạn qua cầu Quán Hàu, huyện Quảng Ninh và đoạn qua thị xã Ba Đồn của tỉnh Quảng Bình, nhiều chỗ ngập sâu, nước chảy xiết khiến các phương tiện lưu thông qua khu vực này bị ùn tắc.
Thủ tướng quyết định xuất cấp 4.000 tấn gạo hỗ trợ nhân dân miền Trung
Theo TTXVN, Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 4.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh Quảng Bình 1.000 tấn, Quảng Trị 1.000 tấn, Thừa Thiên-Huế 1.000 tấn, Quảng Nam 1.000 tấn để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ.
Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Nhân dân các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, định mức theo quy định.
Tổng hợp từ TBKTSGO, TTXVN