Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Mùa nào thức nấy: nhanh tay thưởng thức gỏi gà măng cụt

(SGTTO) - Từ khoảng giữa tháng Năm đến hết tháng Sáu là mùa thu hoạch trái măng cụt. Măng cụt được trồng nhiều ở miền Tây và Đông Nam Bộ và một trong những vùng trồng nhiều măng cụt là Lái Thiêu, Bình Dưỡng. Món gỏi gà măng cụt lạ miệng được nhiều người yêu thích cũng có nguồn gốc từ đây. 

Theo cách gọi truyền tụng từ cung đình xưa, trái măng cụt có tên là giáng châu. Vỏ trái măng cụt màu xanh (khi còn non) chuyển dần sang màu nâu tím đến đen; càng chín càng đen, vỏ đen hết cỡ vài ngày là ruột trái đã hư, không còn ăn được nữa. Ruột măng cụt có hình cầu với nhiều múi nhỏ (5 - 6 múi), màu trắng tinh tươm, múi lớn sẽ có hạt cứng, vị nhẫn đắng.

Ảnh: Internet.

Sức hút của loại trái này nằm ở sự ngọt ngào, thơm ngon đặc trưng của ruột trái, mà chỉ khi tách lớp vỏ sần sùi, đầy nhựa mới có thể khám phá được. Cầm trên tay trái măng cụt chín, ấn ngón tay thấy mềm là có thể ăn được. Song phải khéo léo tách lớp vỏ cứng, dày, rồi hồi hộp chờ xem ruột trái có bị hư hỏng hay không mới có thể thưởng thức. Nhiều người có kinh nghiệm cũng khó lòng đoán được trái nào ngon, trái nào bị sượng.

Ngoài ăn măng cụt chín ngọt, người dân Lái Thiêu còn sáng tạo ra món gỏi gà với măng cụt non rất lạ miệng, hấp dẫn khó cưỡng với du khách khắp nơi. Món ăn này chỉ có thể ăn đúng mùa và chỉ có trái xanh trong vài tuần đầu mùa. Chị Võ Nguyễn Tường Vi (sinh sống tại TPHCM) đã có kinh nghiệm chế biến gỏi gà măng cụt cho biết, măng cụt non còn vỏ xanh rất khó mua, khó nhất là phần gọt vỏ lấy ruột trái, vì trái non có nhiều nhựa.

Gỏi gà măng cụt hấp dẫn. Ảnh: Tường Vi.

Theo chị Tường Vi, khi làm măng cụt, nên vừa gọt vỏ vừa xả nước để bớt nhựa, dễ thao tác hơn. Sau khi gọt, phải ngâm ngay trái vào thau nước lạnh để trái giòn mà không bị thâm. Khi ăn mới vớt ra, cắt mỏng theo khoanh tròn. Múi của trái khi cắt khoanh sẽ cho ra hình bông hoa rất đẹp mắt. Cắt khoanh mỏng cũng giúp người chế biến dễ loại bỏ hạt lớn, khiến món ăn bị chát, đắng.

Sau khi gọt vỏ, ngâm ngay măng cụt vào nước đá lạnh để giữ màu sắc, độ giòn. Ảnh: Tường Vi.

Măng cụt để chế biến gỏi là măng cụt non, vỏ còn xanh, ruột gần chín tới vì nếu dùng trái chín thì ruột trái mềm, dễ ra nước khi trộn gỏi. Măng cụt làm gỏi giòn giòn, có vị chua, ngọt dịu ăn kèm với thịt gà mềm, rau răm, hành tây cùng nước mắm chua ngọt tạo nên món gỏi độc đáo, ngon miệng.

Nhân lúc măng cụt mới vào mùa, bạn có thể tìm mua măng cụt non để chế biến gỏi gà măng cụt đặc sản Lái Thiêu để chiêu đãi cả gia đình. Với công thức đơn giản từ chị Võ Nguyễn Tường Vi dưới đây, gỏi gà măng cụt chắc chắn sẽ "chinh phục" được các thành viên trong gia đình ngay lần đầu thưởng thức.

Cách làm gỏi gà măng cụt đơn giản từ chị Võ Nguyễn Tường Vi.

Yến Nhi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối