Duy An-
Nói tới mua sắm quần áo, hầu hết chúng ta vẫn thích tới cửa hàng ngó nghiêng, ướm thử hơn là lên mạng chọn lựa, nhấp chuột rồi thấp thỏm ngồi chờ xem hàng giao tới có vừa ý hay không.
Uniqlo là công ty Nhật Bản nhận ra những điểm hạn chế mà khách hàng phải đối mặt khi mua sắm quần áo trên mạng và họ muốn thay đổi điều này bằng... máy bán hàng tự động. Đây không phải là sáng kiến độc nhất vô nhị bởi nhiều công ty khác đã áp dụng, chỉ có điều đây là lần đầu tiên mặt hàng nằm bên trong máy là quần áo.
Máy bán hàng tự động của Uniqlo tại một trung tâm mua sắm ở New York hồi tháng 9.
Bước đi đột phá
Là công ty thời trang hàng đầu của Nhật Bản, Uniqlo không phải cái tên xa lạ với thị trường Mỹ. Theo kế hoạch mới nhất của Uniqlo, công ty lắp đặt mười chiếc máy bán hàng tự động ở một số sân bay và trung tâm mua sắm thuộc các thành phố của Mỹ. Theo hãng tin Kyodo, cái đầu tiên đi vào hoạt động ở sân bay quốc tế Oakland, bang California vào ngày 2-8, tiếp theo là tại các thành phố New York, Houston, Los Angeles...
Được đặt tên là Uniqlo to Go, máy bán hàng của Uniqlo hiện mới cung cấp áo giữ nhiệt (giá 14,90 đô la cho cả nam và nữ) và áo khoác UltraLight Down (giá 69,90 đô la). Hai mặt hàng này không những được bán chạy nhất mà còn là biểu trưng cho phong cách đơn giản, gọn nhẹ nhưng cực kỳ tiện dụng của hãng.
Ở trung tâm mua sắm Queens tại New York, Uniqlo to Go thu hút sự chú ý của người qua lại. “Tôi từng thấy máy bán hàng tự động bán đồ trang điểm nhưng máy bán quần áo thì thật lạ lùng. Tôi thích nó lắm. Tôi định mua áo cho con tôi nhưng không nhớ kích cỡ, mai tôi sẽ dẫn nó tới đây”, một phụ nữ nói với Kyodo.
Ông Hiroshi Taki, Giám đốc điều hành của công ty Uniqlo USA LLC, giải thích: “Chúng tôi muốn đem lại một cách mua sắm mới và dễ hàng hơn”. Cũng theo ông, Uniqlo to Go sẽ giúp các khách hàng quên mang theo quần áo ấm bổ sung đồ giữ ấm vào hành lý một cách nhanh chóng, gọn nhẹ. Do đó, các sân bay dường như là nơi đặc biệt phù hợp cho Uniqlo to Go. Trang Quartz cho hay các máy bán hàng của Uniqlo sẽ có màu sắc và thiết kế đa dạng dành cho phụ nữ và đàn ông, thay đổi tùy theo mùa và nhu cầu của khách hàng địa phương.
Bình mới rượu cũ ?
Doanh thu từ các máy bán lẻ có thể chẳng là gì nếu so với 17 tỉ đô la mà Uniqlo thu về trong năm ngoái. Chính vì vậy, báo The Wall Street Journal đánh giá sáng kiến này của Uniqlo mang tính thử nghiệm nhiều hơn, nhằm nắm bắt thói quen mua sắm của khách hàng Mỹ - điều mà Uniqlo cố gắng đạt được kể từ khi thâm nhập thị trường này vào năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa thành công. Dù có phần chắc chân ở các đô thị lớn như New York, San Francisco, Chicago… song Uniqlo vẫn chật vật thu hút người mua ở các trung tâm mua sắm thuộc vùng ngoại ô.
Theo Kyodo, tính tới cuối tháng 7 vừa qua, Uniqlo đã có 45 cửa hàng ở Mỹ nhưng vẫn chưa sinh lời. Chiến lược mở nhiều cửa hàng để bán những mẫu quần áo bình dân không phát huy tác dụng ở Mỹ bởi người tiêu dùng nước này thường mua hàng của những thương hiệu quen thuộc. Uniqlo từng lên kế hoạch mở 200 cửa hàng ở Mỹ trước năm 2020 song nay nó đã chìm vào quên lãng. Tuy vẫn khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng ở Mỹ để đạt đến mục tiêu trở thành nhà bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới – hiện Uniqlo xếp thứ ba sau H&M và Zara, thương hiệu Nhật giờ đây hy vọng máy bán hàng tự động là một hướng đi đúng.
Ở Nhật, Uniqlo có tới 833 cửa hàng và gắn liền với sự tiện dụng. Nhưng khi tấn công thị trường Mỹ, Uniqlo chọn chiến lược khác: đổ bộ vào các thành phố lớn bằng những cửa hàng hoành tráng. Uniqlo to Go đúng là sáng kiến mới nhưng như tạp chí GQ chỉ ra, nó là sự quay về với giá trị cốt lõi của Uniqlo. Không dừng lại ở đó, theo The Wall Street Journal, Uniqlo to Go còn là phương cách quảng bá sản phẩm tới những khách hàng mới.