(SGTT) - Sau khi triển khai thu phí đối với 10 tuyến cao tốc đang khai thác, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến số phí thu được là 3.210 tỉ đồng/năm và số thu nộp ngân sách Nhà nước là 2.850 tỉ đồng/năm.
- Trình nghị quyết triển khai cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành trước ngày 5-8
- Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có thể chậm tiến độ vì thiếu đất đắp nền
- Bổ sung thêm nút giao, đường gom cho cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ
Tại dự thảo nghị định về thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư sau khi Luật Đường bộ có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, Bộ Giao thông Vận tải nêu quan điểm, mức thu phí được xác định bù đắp chi phí quản lý, vận hành thu phí, bảo trì đường cao tốc, theo TTXVN.
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất mức phí áp dụng cho nhóm xe thấp nhất đối với đường cao tốc đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện triển khai thu phí (mức 1) khoảng 1.300 đồng/km. Với đường cao tốc chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định tại Luật Đường bộ (mức 2) sẽ áp dụng mức thấp hơn, khoảng 900 đồng/km.
Việc triển khai thu phí sử dụng đường bộ cao tốc sẽ chỉ được thực hiện sau khi công trình đường bộ cao tốc được thiết kế, đầu tư xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc; hoàn thành thi công xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định; hoàn thành lắp đặt trạm thu phí, hệ thống phần mềm, thiết bị đảm bảo công tác vận hành, phục vụ việc thu phí.
Đối với đường cao tốc đưa vào khai thác trước ngày 1-1-2025 mà chưa đáp ứng quy định tại Luật Đường bộ thì việc thu phí chỉ được triển khai sau khi đáp ứng điều kiện nêu trên.
Với mức phí đề xuất này khi triển khai thu phí 10 tuyến cao tốc đang khai thác, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến số tiền thu được là 3.210 tỉ đồng/năm và số thu nộp ngân sách Nhà nước là 2.850 tỉ đồng/năm. Mười tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ thu phí gồm Hà Nội – Thái Nguyên, Mai Sơn – Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Cam Lộ – La Sơn, La Sơn – Hòa Liên, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây, TPHCM – Trung Lương, Mỹ Thuận – Cần Thơ.