Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Muôn kiểu “cân điêu”

Chỉ cần vài thao tác đơn giản, một nguời bán hàng gian dối có thể điều chỉnh một chiếc cân đúng thành chiếc cân thiếu ký, hay còn gọi là “cân điêu”. Vậy làm thế nào người tiêu dùng có thể tránh được những chiếc cân bị “độ” như vậy khi mua hàng trên đường phố hay ở chợ.

Cảnh giác với “cân điêu”

Một bạn đọc tên Nguyễn Long tại Hà Nội đã gửi ý kiến tới tòa soạn Sài Gòn Tiếp Thị, cho biết một lần đi với nhóm bạn đến làng nghề gốm sứ Bát Tràng chơi, trên đường về thấy ổi bán bên đường ngon nên đã dừng lại mua. Trong nhóm nhiều người mua, nhưng riêng anh Long mua 4 kg ổi. Về đến nhà, anh đặt túi ổi lên chiếc cân ở nhà cân thử lại thì thấy chỉ có 3,2 kg. Cảm thấy bực tức vì bị người bán hàng gian dối, anh viết câu chuyện của mình lên báo để người tiêu dùng cảnh giác.

Người mua nên cẩn trọng khi mua hàng tại những sạp bán hàng rong bên đường. Ảnh: Uyên Viễn
Người mua nên cẩn trọng khi mua hàng tại những sạp bán hàng rong bên đường. Ảnh: Uyên Viễn

Thực ra, không chỉ riêng anh Long, mà cũng chẳng riêng gì địa phương anh sống, người tiêu dùng ở nhiều nơi đã và đang bị móc túi bởi những mánh khóe gian lận của một số người bán hàng.

Chị Ngọc Ánh, nhà ở quận Bình Thạnh, TPHCM, cho biết chị thường mua đồ ăn và trái cây bán bên đường, một phần vì sự tiện lợị của nó, và cũng đã từng trải qua cảm giác bị cân thiếu. Chị kể có lần đi đường thấy bán trái vải tươi ngon và giá rẻ hơn chỗ khác đến 5.000 đồng/kg, chị ghé vào mua. Về đến nhà, chị mang sang tiệm tạp hóa hàng xóm cân thử thấy thiếu khoảng 200 g. “Như vậy, chẳng những không mua được giá rẻ hơn, mà còn bị mất tiền vì cân điêu”, chị nói.

Sau này chị mới nhận ra cách thức mà những người bán hàng rong, xe đẩy thường sử dụng để che mắt người mua về hành vi của mình, đó là nói chuyện thân mật để đánh lạc hướng sự chú ý của người mua vào chiếc cân. Kể từ đó, chị hạn chế mua hàng dọc đường và chỉ mua tại những mối quen biết.

Chiêu thức “độ” cân

Tại TPHCM, khu vực chợ Kim Biên (quận 5), chợ Bình Tây (quận 6) là nơi tập trung nhiều cửa tiệm sửa cân, nhưng khi phóng viên ngỏ ý muốn “độ” chiếc cân liền bị từ chối. Tình cờ gặp lại người từng một thời “độ” cân để bán và nay đã “rửa tay gác kiếm”, anh chia sẻ những chiêu thức mà người bán hàng rong, tiểu thương, người bán ve chai thường dùng để gian lận khách hàng.

Anh này đưa ra hai cái cân, loại 2 kg và 5 kg, một ít dây kẽm, một cái kìm và một quả cân 1 kg. Chỉ mất khoảng 10 phút tháo ra vặn vặn, chỉnh chỉnh, chiếc cân biến quả cân 1 kg ban đầu thành cục sắt nặng 1,1 kg. Anh này giải thích, cân đủ hay thiếu phụ thuộc vào chiếc lò xo bên trong, điều chỉnh tăng giảm tùy ý. Cân dùng cho bà mua ve chai 1 kg chỉ còn 700 g, còn cân của người bán hàng từ 1 kg lên 1,2 kg là chuyện bình thường.

Điều chỉnh đầu chốt lò xo của cân, “muốn cân thiếu thì vặn lên, còn muốn cân nặng thì vặn xuống, lò xo ở chế độ giãn ra nhiều càng thiếu nhiều, nếu để co lại thì thiếu ít”, anh này nói thêm. Ngoài ra, còn có chiêu thức đổi từ lò xo cân 2 kg sang cân 5 kg để gian lận. Thực tế cho thấy, sau khi đổi lò xo của cân, cục sắt 1 kg ban đầu đã tăng lên 2,5 kg. Người này cho biết thêm, hồi còn hành nghề, anh từng chế ra kiểu buộc dây kẽm vào lò xo để giảm bớt sự co giãn. “Lúc đó muốn cân thiếu bao nhiêu cũng được; cân 1,3 kg, tính tiền 1 kg, người tiêu dùng vẫn thiệt”, anh nói.

Còn một chiêu thức khác đơn giản hơn, nhưng cũng được nhiều người sử dụng, đó là buộc một dây kẽm nhỏ vào phía sau chiếc đĩa cân, dĩ nhiên là không để cho khách hàng nhìn thấy. Khi cân, người bán chỉ cần kéo sợi dây kẽm, trọng lượng của sản phẩm sẽ tăng vài trăm gam. Ngoài ra, có một cách mà một số người bán thịt ở chợ hay dùng, đó là dùng hai đĩa cân, một chiếc để trên cân, một chiếc để dưới sạp. Lúc chuẩn bị cân thịt, người bán nhanh tay chồng hai đĩa cân vào nhau, thế là xong.

Nhận diện cân gian

Người độ cân một thời nói ở trên nhận định hiện nay bước ra đường mua hàng không biết ai cân thiếu, ai cân đủ. Mua hàng dọc đường, muốn cân đủ ký rất khó, tử tế nhất cũng 1 kg còn 900 g. Do vậy, người tiêu dùng chỉ còn cách phải tự bảo vệ mình.

Người này cho biết có một cách đơn giản mà người tiêu dùng có thể kiểm tra nhanh khi mua hàng, đó là dùng chiếc nón bảo hiểm. Thông thường, nón bảo hiểm được sản xuất với trọng lượng khá chuẩn, nên trước khi mua, người tiêu dùng hãy đặt thử chiếc mũ của mình lên bàn cân của người bán, cân đúng hay sai là có thể biết được ngay.

Có người kỹ tính hơn đã tự trang bị cho mình một chiếc cân tay nho nhỏ mang theo bên mình để đối phó với nạn cân thiếu ở chợ. Chẳng hạn như chị Hà, nhà ở quận Tân Bình, thường đi chợ với chiếc cân “để không còn bị mất tiền oan như trước đây”.

Cùng với người tiêu dùng, để đối phó với tình trạng cân thiếu, cân điêu, ban quản lý các chợ trên địa bàn thành phố như chợ Hòa Hưng (quận 10), chợ Thủ Đức (quận Thủ Đức)... cũng đã lắp đặt cân đối chứng ở giữa chợ để khách hàng kiểm tra, và phản ánh lại với ban quản lý chợ nếu thấy hàng hóa mình mua bị thiếu trọng lượng.

Nguyễn Quyên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối